14:15 04/05/2022

Gian lận trong thương mại truyền thống đã xuất hiện trên "chợ mạng"

Nhật Dương

Các đối tượng bán hàng trên sàn thương mại điện tử ngày càng có nhiều thủ đoạn mới, tinh vi hơn để đối phó với cơ quan chức năng, khiến việc phát hiện các vi phạm gặp không ít khó khăn…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Phát biểu tại Đối thoại chuyên đề: "Chống hàng giả, hàng nhái trên sàn thương mại điện tử" do Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy tổ chức ngày 4/5, ông Nguyễn Đức Lê, Phó Cục trưởng Cục nghiệp vụ, Tổng cục quản lý thị trường (Bộ Công Thương), thừa nhận rằng tình trạng kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng xảy ra trong thời gian qua có chiều hướng gia tăng rõ rệt. Một trong những nguyên nhân chính được xác định là do tình hình dịch bệnh dẫn đến việc mua bán hàng hóa trực tiếp bị hạn chế, các tổ chức, cá nhân thường sử dụng phương thức bán hàng qua mạng.

BẤT CHẤP VÌ LỢI NHUẬN ĐỂ TRỤC LỢI

Tuy nhiên, cùng sự phát triển của thương mại điện tử và hạ tầng công nghệ thông tin, các hình thức gian lận trong mô hình thương mại truyền thống bắt đầu diễn ra trên sàn thương mại điện tử. “Cho đến nay chúng tôi có thể khẳng định, những vi phạm trong thương mại truyền thống đã xuất hiện trên thương mại điện tử”, ông Lê thông tin.

Dễ nhận thấy nhất là khi lợi nhuận bắt đầu được đẩy lên, đặc điểm của thương mại điện tử là không tiếp xúc giữa người bán và người mua cũng như không phụ thuộc vào địa lý, các phương thức thanh toán qua internet dẫn đến việc mua bán giữa hai bên rất dễ dàng, rất nhiều tổ chức, cá nhân đã tìm mọi cách để trục lợi.

Qua quan sát của lực lượng quản lý thị trường, các vi phạm chủ yếu liên quan đến buôn bán các mặt hàng trên mạng thường là đối tượng lợi dụng hình ảnh, đoạn video chính hãng để quảng cáo, tuy nhiên khi đến tay người tiêu dùng lại có thể là sản phẩm kém chất lượng hoặc hàng chính hãng nhưng đã qua sử dụng. Một số sản phẩm đã được sửa chữa hoặc qua thời gian trưng bày, không đám bảo tính mới như nguyên bản, điều này khiến người tiêu dùng bị thiệt thòi trong chế độ bảo hành.

Ngoài ra, các vi phạm còn ghi nhận việc một số đối tượng tìm cách đưa hàng hóa nhập lậu vào Việt Nam do tính chất của thương mại điện tử không có biên giới. “Khi người tiêu dùng có nhu cầu đặt hàng trên các trang thương mại điện tử, các đối tượng lại tìm cách móc nối với với nước ngoài, thông qua đường mòn lối mở để vận chuyển hàng hóa giả mạo từ ngoài vào, từ đó có thể bán sản phẩm vừa mang tính chất nhập lậu vừa không đảm bảo chất lượng”, đại diện Tổng cục Quản lý thị trường cho biết.

 
Ông Nguyễn Đức Lê, Phó Cục trưởng Cục nghiệp vụ, Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương). Ảnh: Chu Xuân Khoa.
Ông Nguyễn Đức Lê, Phó Cục trưởng Cục nghiệp vụ, Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương). Ảnh: Chu Xuân Khoa.

Trước những thực trạng này, thời gian qua, Tổng cục Quản lý thị trường đã đẩy mạnh công tác đấu tranh chống hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng giả, kém chất lượng trên nền tảng thương mại điện tử. Gần đây nhất, lực lượng quản lý thị trường đã phát hiện một điểm kinh doanh trên nền tảng facebook tại thị xã Sầm Sơn, Thanh hóa, sơ bộ đã tạm giữ gần 13.000 sản phẩm gồm nhiều chủng loại từ giày dép, quần áo, chăn ga gối đệm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng…

“Đa số sản phẩm có dấu hiệu giả mạo các nhãn hàng nổi tiếng và hàng hóa nhập lậu do chủ cơ sở chưa xuất trình được các giấy tờ liên quan, chúng tôi tiếp tục kiểm định vì số lượng hàng hóa rất nhiều”, ông Lê cho biết.

Trước đó, đơn vị cũng phát hiện vụ kho hàng lậu, hàng giả 1.000m2 tập kết để bán online ở Lào Cai, hay vụ tàng trữ kinh doanh sản phẩm giả mạo các thương hiệu nổi tiếng tại Nam Định. Ngoài ra còn hàng trăm vụ việc khác của các đối tượng bán hàng trên mạng xã hội, website thương mại.

NHIỀU THỦ ĐOẠN GIAN LẬN MỚI XUẤT HIỆN NGÀY CÀNG TINH VI

Mặc dù vậy, theo ông Lê thời gian gần đây, các đối tượng có nhiều thủ đoạn mới để đối phó với cơ quan chức năng, khiến việc phát hiện các vi phạm gặp không ít khó khăn.

Nếu như trước đây thương mại điện tử chỉ là bán hàng trên website của doanh nghiệp, thì hiện nay có thể bán trên các mạng xã hội như Facebook, Zalo, TikTok… “Đây mới chỉ là bước đầu của nền kinh tế số, bởi hiện không chỉ có các nền tảng bán hàng trực tuyến mà còn các nền tảng trung gian trực tuyến, tức đơn vị cung cấp dịch vụ đằng sau. Với tình hình đó, công tác đấu tranh chống hàng lậu, hàng giả, xâm phạm bản quyền sẽ gặp nhiều khó khăn hơn. Việc đấu tranh không chỉ nằm trong cơ quan chức năng mà còn cần sự phối hợp giữa các đơn vị cung cấp dịch vụ cũng như người sản xuất, người tiêu dùng”, đại diện Cục Quản lý thị trường đánh giá.

Các diễn giả tham gia Đối thoại chuyên đề: "Chống hàng giả, hàng nhái trên sàn thương mại điện tử" do Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy tổ chức ngày 4/5 . Ảnh - Chu Xuân Khoa. 
Các diễn giả tham gia Đối thoại chuyên đề: "Chống hàng giả, hàng nhái trên sàn thương mại điện tử" do Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy tổ chức ngày 4/5 . Ảnh - Chu Xuân Khoa. 

Ngoài ra, một số đối tượng thường sử dụng nơi bán hàng, nơi quảng cáo, chốt đơn và kho hàng ở các khu vực khác nhau, gây khó khăn trong việc theo dõi, bởi muốn phá các vụ việc vi phạm pháp luật này phải tìm được hàng hóa, do vậy những thủ đoạn trên khiến việc “lật tẩy” mất rất nhiều thời gian.

“Các đối tượng thường sử dụng nhà riêng là nơi tập kết hàng, muốn khám nhà ở là nơi cất giấu theo luật phải có quyết định của chủ tịch ủy ban nhân dân cấp quận huyện, nhưng để giải thích được cho ra một quyết định này mất nhiều thời gian, lúc đó hàng hóa có thể đã bị tẩu toán mất”, ông Lê dẫn chứng.

Một thủ đoạn nữa là các đối tượng sử dụng nhiều hội nhóm trên mạng xã hội để mua các lượng theo dõi hoặc tâng bốc lẫn nhau bằng các comment, thậm chí chốt đơn để đánh lừa người tiêu dùng.

Trước những thủ đoạn ngày càng tinh vi kể trên, đại diện Tổng cục Quản lý thị trường cho rằng, để công tác đấu tranh chống hàng giả, buôn lậu trên các nền tảng thương mại điện tử đạt được hiệu quả cao cần rất nhiều yếu tố. Với riêng lực lượng quản lý thị trường, cần được đào tạo thêm để có thể phát hiện, nhận diện được ngay các sản phẩm vi phạm trên nền tảng thương mại điện tử.

Bên cạnh đó, vai trò của các chủ sàn thương mại điện tử, nhà cung cấp nền tảng kinh doanh cần được thể hiện rõ hơn, còn hiện nay chủ yếu mới chỉ là theo dõi đơn hàng. Một vấn đề bức xúc cho người tiêu dùng nữa là việc khiếu nại với sàn thương mại điện tử cũng còn bất cập, do khi xảy ra khiếu nại khách hàng thường không được sàn giải quyết hoặc nếu có giải quyết thì rất chậm. Do đó, nếu các sàn thương mại điện tử làm tốt hơn khâu này thì không chỉ vừa bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng mà còn góp phần vào công tác chống hàng hóa nhập lậu, hàng kém chất lượng.

Trong khi đó, còn không ít các nhà sản xuất chưa nhận thức được vấn đề bảo vệ thương hiệu. “Có doanh nghiệp chỉ nghĩ làm sao đưa ra thị trường được sản phẩm tốt và mong xã hội đón nhận, nhưng đến lúc xã hội đón nhận rồi thì lại đánh mất đứa con vừa sinh ra, vì có bên khác nhanh tay hơn đăng ký thương hiệu. Đây là bài học không phải bây giờ mới có, thực tế là chúng ta đã mất rất nhiều thương hiệu như vậy”, ông Lê lưu ý.

Để giải quyết thực trạng này, một giải pháp được đưa ra là doanh nghiệp cần chủ động phối hợp với cơ quan chức năng. “Hiện nay quản lý thị trường có rất nhiều đường dây nóng, bất kỳ lúc nào thấy có hiện tượng vi phạm thì báo ngay với chúng tôi. Những thông tin mà các quý vị cung cấp chính là nguồn tin để cơ quan chức năng xử lý, là một cách để doanh nghiệp tự bảo vệ thương hiệu của mình cũng như không bị đơn vị khác làm giả, xâm phạm bản quyền”, ông Lê nhấn mạnh thêm.