Giao dịch “đóng băng” phiên sáng, kịch bản có lặp lại?
Nhà đầu tư dường như đã thích nghi với chu kỳ thanh toán T+2, giao dịch ngày càng chậm trong phiên sáng và chờ đợi sang phiên chiều. Thanh khoản cũng xuống mức rất thấp, nên biến động giá cũng khó có thể nói là đủ độ tin cậy...
Nhà đầu tư dường như đã thích nghi với chu kỳ thanh toán T+2, giao dịch ngày càng chậm trong phiên sáng và chờ đợi sang phiên chiều. Thanh khoản cũng xuống mức rất thấp, nên biến động giá cũng khó có thể nói là đủ độ tin cậy.
Thực tế như phiên hôm qua, khi cả thị trường chờ đợi một phiên chiều bán tháo thì ngược lại, cổ phiếu được kéo tăng dựng ngược. Thông tin vẫn tĩnh lặng chiều nay và thị trường trong nước chỉ có thể phản ứng với quyết định tăng lãi suất của FED vào sáng ngày mai.
Áp lực bán rất khó để nói là mạnh trong buổi sáng, dù cổ phiếu giảm giá la liệt, chỉ số lao dốc sâu. VN-Index đã mất 11,43 điểm tương đương 0,94% so với tham chiếu, độ rộng ghi nhận 89 mã tăng/321 mã giảm. VN30-Index giảm 1,24% với duy nhất VNM tăng 0,26% còn lại toàn giảm.
Giá giảm là một tín hiệu xấu, nhưng thanh khoản khớp lệnh trên HoSE chỉ đạt 3.380 tỷ đồng, giảm 25% so với sáng hôm qua và lại xác lập mức thấp kỷ lục mới. Chỉ có thể kết luận tình huống giảm giá này là do lực cầu quá yếu. Nhà đầu tư muốn bán ra đã không thể tìm thấy thanh khoản đủ dày nên buộc phải hạ giá xuống thấp hơn.
Việc bên mua “triệt thoái” khỏi bảng điện một phần cho thấy sự ngần ngại trong việc chấp nhận mức giá hiện tại, một phần thể hiện sự chờ đợi vì buổi chiều có thể giá tốt hơn. Đây là một kiểu thích nghi về chu kỳ thanh toán T+2, khi cổ phiếu về tài khoản buổi chiều về lý thuyết sẽ làm tăng lực cung. Quả thực kể từ khi áp dụng T+2, giao dịch phiên chiều luôn cao hơn buổi sáng, trong khi trước đó thì ngược lại.
Với độ rộng quá hẹp sáng nay, không có nhóm cổ phiếu nào đi ngược dòng, mà chỉ có các cổ phiếu cụ thể. Trong nhóm cổ phiếu còn xanh, cũng rất ít mã đạt thanh khoản chấp nhận được. VCG giao dịch lớn nhất với 166,5 tỷ đồng giá tăng 3,08%. Các mã đáng kể khác là HHV tăng 4,47% thanh khoản 78 tỷ; FCN tăng 3,82% thanh khoản 64,6 tỷ; LCG tăng 3,72% thanh khoản 50,2 tỷ; CII tăng 1,65% giao dịch 55,7 tỷ... Dường như các cổ phiếu nhóm đầu tư công mạnh hơn mặt bằng chung, nhưng cũng không phải đại diện toàn bộ.
Nhóm cổ phiếu tài chính đang yếu nhất, với chỉ số VNFIN trên HoSE giảm 1,3%. SGB, VBB là 2/27 mã ngân hàng còn tăng. Nhóm VPB, VIB giảm trên 2%, CTG, HDB, MBB, TPB, SHB, VCB, LPB giảm trên 1%. Cổ phiếu chứng khoán cũng chỉ có 4 mã tăng là DSC, TCI, VFS, WSS, trong khi số giảm gấp 5 lần. Các blue-chips lớn nhóm này giảm sâu: SSI giảm 1,21%, HCM giảm 0,98%, VND giảm 2,13%, VCI giảm 2,11%...
Nhà đầu tư nước ngoài sáng nay cũng giao dịch rất nhỏ. Tổng giải ngân trên HoSE mới là 317,2 tỷ đồng nhưng do thanh khoản chung quá kém nên vẫn chiếm 7,7%. Giá trị bán đạt 356,6 tỷ, tương ứng bán ròng nhẹ 39,4 tỷ đồng. VND là mã duy nhất bị bán ròng trên 20 tỷ đồng, với 20,2 tỷ. VHM, DXG, KDH là ba mã duy nhất bị bán ròng trên 10 tỷ. Phía mua cũng chỉ có HPG, VNM là đáng kể.
Nếu nhìn vào xu hướng diễn biến của các chỉ số cũng như giá cổ phiếu, trạng thái lao dốc dần là phổ biến. Tuy nhiên như nói ở trên, đó có thể là hiệu ứng của việc giảm mua quá nhiều, chứ không hẳn là áp lực bán quá mạnh. Người bán vẫn đang áp đảo trong tình thế hiện tại, nhưng thị trường hoàn toàn có thể lại gây bất ngờ như chiều hôm qua. Yếu tố quyết định là liệu bên mua có “phản công” nữa hay không, vì lượng bán hiện tại không phải là nhiều.