Phố Wall bi quan về đường đi lãi suất của Fed và triển vọng kinh tế Mỹ
Thị trường tài chính Mỹ cuối cùng đã chấp nhận ý tưởng rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng lãi suất lên vùng thắt chặt và duy trì ngưỡng lãi suất cao đó trong một khoảng thời gian...
Điều đó có nghĩa là Fed sẽ nâng rồi giữ, thay vì nâng rồi hạ ngay như thị trường đã dự báo thời gian qua.
Cuộc khảo sát Fed Survey tháng 9 của hãng tin CNBC cho thấy bình quân, các nhà quản lý quỹ, chuyên gia kinh tế và chiến lược gia được hỏi dự báo Fed nâng lãi suất 0,75 điểm phần trăm trong cuộc họp kết thúc vào ngày 21/9. Mức tăng này sẽ đưa lãi suất quỹ liên bang (fed funds rate, lãi suất cơ bản của Mỹ) lên mức 3,1%. Fed được dự báo sẽ tiếp tục tăng lãi suất cho tới khi đạt đỉnh ở mức 4,26% vào tháng 3/2023.
Dự báo lãi suất đỉnh này tăng 0,43 điểm phần trăm so với mức đưa ra trong cuộc khảo sát tháng 7.
“Fed cuối cùng đã nhận ra mức độ nghiêm trọng của vấn đề lạm phát và dịch chuyển sang phát tín hiệu rằng lãi suất chính sách thực dương sẽ duy trì trong một thời gian dài”.
Ông John Ryding - trưởng tư vấn kinh tế của công ty Brean Capital
Tính bình quân, những người tham gia cuộc khảo sát mới nhất của CNBC dự báo Fed sẽ duy trì lãi suất ở đỉnh trong vòng khoảng 11 tháng. Trong đó, có những ý kiến cho rằng Fed sẽ giữ lãi suất đỉnh chỉ trong 3 tháng, và cũng có những người cho rằng Fed sẽ duy trì ngưỡng lãi suất này trong thời gian lên tới 2 năm.
“Fed cuối cùng đã nhận ra mức độ nghiêm trọng của vấn đề lạm phát và dịch chuyển sang phát tín hiệu rằng lãi suất chính sách thực dương sẽ duy trì trong một thời gian dài”, ông John Ryding - trưởng tư vấn kinh tế của công ty Brean Capital - viết trong cuộc khảo sát của CNBC.
Ông Ryding dư báo có khả năng Fed sẽ phải nâng lãi suất lên tới 5%, từ ngưỡng hiện tại là 2,25-2,5%.
Đối với 35 người tham gia cuộc khảo sát, có một mối lo ngại gia tăng rằng Fed sẽ “quá tay” trong việc thắt chặt và gây ra một cuộc suy thoái kinh tế.
“Tôi e rằng họ đang đi đến chỗ cứng rắn quá mức, cả về bước nhảy của việc tăng lãi suất và thắt chặt định lượng (QT) cũng như tốc độ hành động”, Giám đốc đầu tư Peter Boockvar của Bleakley Financial Group nhận định.
Ông Boockvar thuộc số những người đã kêu gọi Fed dịch chuyển từ mềm mỏng sang cứng rắn và nâng lãi suất từ sớm. Fed đã chần chừ trước những lời kêu gọi như vậy, và sự trì hoãn của Fed được cho là một nguyên nhân khiến Fed giờ đây phải hành động gấp rút.
Những người tham gia cuộc khảo sát của CNBC cho rằng khả năng kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái trong 12 tháng tới là 52%, không có nhiều thay đổi so với cuộc khảo sát hồi tháng 7. Khả năng xảy ra suy thoái kinh tế ở châu Âu được nhận định là 72%.
57% người tham gia khảo sát dự báo Fed sẽ thắt chặt quá mức và gây suy thoái. 26% dự báo Fed sẽ thắt chặt vừa đủ và chỉ khiến kinh tế giảm tốc nhẹ, và tỷ lệ này đã giảm 5 điểm phần trăm so với cuộc khảo sát tháng 7.
Chiến lược gia Jim Paulsen của The Leuthold Group là một trong số ít những người có quan điểm lạc quan. Ông nói rằng Fed “có một cơ hội thực sự để tạo ra một cuộc “hạ cánh mềm” vì hiệu ứng trễ của việc thắt chặt tính đến thời điểm này sẽ kéo lạm phát xuống, miễn sao Fed không tăng lãi suất lên quá cao.
“Tất cả những gì Fed cần làm để đưa nền kinh tế ‘hạ cánh mềm’ là dừng tay sau khi nâng lãi suất lên 3,25%, cho phép tăng trưởng GDP thực duy trì ở ngưỡng dương, và Fed sẽ được khen ngợi khi lạm phát giảm xuống mà vẫn giữ được tăng trưởng thực dương”, ông Paulsen viết.
Tuy nhiên, vấn đề lớn hơn là hầu hết các chuyên gia kinh tế, nhà quản lý quỹ và chiến lược gia trong cuộc khảo sát của CNBC không cho rằng trong vài năm tới Fed sẽ thành công trong việc kéo lạm phát về mức mục tiêu 2%.
Cuộc khảo sát dự báo lạm phát ở Mỹ sẽ kết thúc năm 2022 ở mức khoảng 6,8% và tiếp tục giảm còn 3,6% trong năm 2023, từ mức 8,3% hiện nay. Đa phần ý kiến trong cuộc khảo sát cho rằng phải đến năm 2024 lạm phát mới giảm về mục tiêu của Fed.
“Có nhiều kịch bản cho triển vọng kinh tế, nhưng trong bất kỳ kịch bản nào, nền kinh tế đều sẽ chật vật trong 12-18 tháng tới”.
Chuyên gia kinh tế trưởng Mark Zandi của Moody’s Analytics
Kết quả khảo sát cũng cho thấy sự kém lạc quan về triển vọng thị trường chứng khoán Mỹ. Những người tham gia dự báo chỉ số S&P 500 - thước đo rộng nhất của chứng khoán Mỹ - sẽ kết thúc năm 2022 ở mức 3.953 điểm, cao hơn khoảng 2,6% so với mức đóng cửa phiên ngày thứ Ba. Chỉ số được dự báo sẽ tăng lên mức 4.310 điểm vào cuối năm 2023. Đây là lần thứ 6 liên tiếp cuộc khảo sát của CNBC cắt giảm dự báo về mức điểm của S&P 500 cuối năm 2022.
Cuộc khảo sát dự báo kinh tế Mỹ gần như ngưng trệ trong năm nay, với mức tăng trưởng chỉ đạt 0,5%. Sang năm 2023, tình hình sẽ khởi sắc một chút, với mức dự báo tăng trưởng là 1,1%.
Chuyên gia kinh tế trưởng Mark Zandi của Moody’s Analytics viết: “Có nhiều kịch bản cho triển vọng kinh tế, nhưng trong bất kỳ kịch bản nào, nền kinh tế đều sẽ chật vật trong 12-18 tháng tới”.
Tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ, hiện ở mức 3,7%, được dự báo sẽ tăng lên mức 4,4% trong năm tới. Dù vẫn thấp so với chuẩn lịch sử, hiếm khi tỷ lệ thất nghiệp ở nước này tăng 1 điểm phần trăm trong vòng 1 năm mà không có suy thoái kinh tế xảy ra. Phần lớn các chuyên gia kinh tế nói rằng kinh tế Mỹ hiện tại không suy thoái.