21:15 19/04/2007

Giao dịch lên, thị trường xuống

Hồng Kỳ

Nhiều nhà đầu tư vẫn đang “hưng phấn” khi thị trường đột ngột đảo chiều tăng mạnh trong phiên trước

Thị trường lập tức điều chỉnh khi VN-Index vượt qua ngưỡng điểm nhạy cảm 1.000 điểm - Ảnh: Việt Tuấn.
Thị trường lập tức điều chỉnh khi VN-Index vượt qua ngưỡng điểm nhạy cảm 1.000 điểm - Ảnh: Việt Tuấn.
Sau một phiên điều chỉnh tăng nóng, cả 2 sàn Tp.HCM và Hà Nội trong phiên giao dịch ngày 19/4 lại tiếp diễn theo chiều hướng đi xuống.

Điều này được thể hiện qua sự biến động của chỉ số VN-Index và HASTC-Index. Cụ thể, VN-Index giảm 3,03 điểm (0,3%) xuống mức 998,09 điểm khi đóng cửa phiên giao dịch và HASTC-Index giảm 11,18 điểm, xuống 374,39 điểm.

Diễn biến của phiên giao dịch cho thấy, thị trường lập tức điều chỉnh khi VN-Index vượt qua ngưỡng điểm nhạy cảm 1.000 điểm. Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư vẫn đang “hưng phấn” khi thị trường đột ngột đảo chiều tăng mạnh trong phiên trước. Điều này thể hiện qua lượng cổ phiếu tăng giá và khối lượng giao dịch cổ phiếu toàn thị trường.

Theo thống kê của Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM, lượng cổ phiếu tăng giá vẫn chiếm đa số với 70 cổ phiếu, trong khi đó chỉ có 19 cổ phiếu giảm giá. Tuy nhiên, danh sách những cổ phiếu giảm giá phần lớn là các cổ phiếu chủ chốt, kéo chỉ số VN-Index lại rơi xuống ngưỡng nhạy cảm, và đóng cửa ở mức 998,09 điểm (giảm 3,03 điểm).

Tuy vậy, làn sóng mua bán cổ phiếu đã tăng mạnh. Lượng cổ phiếu được chuyển nhượng trong phiên này đã tăng gần 78% so với phiên trước với 6,57 triệu cổ phiếu, tương đương 799 tỷ đồng giá trị.

Theo nhận định của giới chuyên môn, tình hình giảm giá ở các cổ phiếu chủ chốt là do lượng chào bán ở các cổ phiếu này khá nhiều. Ngoại trừ STB, hầu hết các cổ phiếu chủ chốt như BMP, GMD, FPT, HRC, HAP, ITA, REE, SAM, SJS, PPC, PVD, NAV... đều giảm. Lượng giao dịch của các cổ phiếu này cũng khá lớn, REE đạt 436.820 cổ phiếu, PPC 309.520 cổ phiếu, PVD đạt 239.410 cổ phiếu, HAP đạt 167.610 cổ phiếu, SJS đạt 127.800 cổ phiếu...

STB là cổ phiếu gây chú ý nhiều nhất trong phiên giao dịch này. Thông tin Ngân hàng Nhà nước - chi nhánh Tp.HCM đã chấp thuận cho Sacombank được tăng vốn điều lệ từ 2.089 tỷ đồng lên 4.449,5 tỷ đồng là nguyên nhân chính khiến giá cổ phiếu này tăng mạnh kịch trần trong hai phiên liên tiếp. Giao dịch của STB trong phiên này cũng tăng mạnh và trở thành cổ phiếu dẫn đầu thị trường về khối lượng giao dịch với gần 1,53 triệu cổ phiếu khớp lệnh.

Tuy nhiên, sự giảm giá của các cổ phiếu chủ chốt khác đã làm tâm lý mua bán STB của nhà đầu tư bị lung lay. Thay vì ồ ạt mua vào ở phiên trước thì nhiều nhà đầu tư lại ồ ạt bán ra ở phiên này. Mặc dù số lượng khớp lệnh tăng mạnh, và khớp ở giá kịch trần (147.000 đồng/cổ phiếu), nhưng STB vẫn còn dư bán ở giá trần hơn 393.000 cổ phiếu.

Thế nhưng, có nhiều dự đoán giá của STB vẫn tiếp tục tăng trong các phiên tới bởi quyền được mua cổ phiếu với giá ưu đãi dành cho cổ đông hiện hữu (hiện Sacombank chưa thông báo ngày chốt danh sách cổ đông) rất hấp dẫn: cổ đông sở hữu một cổ phiếu được quyền mua một cổ phiếu với giá 15.000 đồng/cổ phiếu.

Không những thế, tình hình hoạt động của Sacombank trong quý I/2007 khá khả quan, đạt 302 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế (tăng 188% so với cùng kỳ năm trước), tổng tài sản cũng gia tăng khá nhanh với hơn 30.000 tỷ đồng.

Trái với các cổ phiếu chủ chốt, giá hầu hết các cổ phiếu nhỏ đều tăng. Trong số 70 cổ phiếu tăng giá phiên này có 42 mã cổ phiếu tăng kịch trần, cụ thể như BHS, CAN, CII, CYC, KHA, KHP, SMC, VPK, VTA, VTC...

Tuy nhiên, trước sức ép của các cổ phiếu chủ chốt, các cổ phiếu này chỉ có tác dụng kìm bớt sự sụt giảm mạnh của VN-Index chứ không thể làm đảo ngược tình thế. Hai chứng chỉ quỹ BF1 và VF1 tiếp tục tăng giá. BF1 tăng lên 14.400 đồng/chứng chỉ quỹ, còn VFMVF1 tăng lên 35.600 đồng/chứng chỉ quỹ.