Giáo dục tài chính để bảo vệ người gửi tiền tốt hơn
Giáo dục tài chính và tuyên truyền nhận thức về hệ thống bảo hiểm tiền gửi cho người gửi tiền, một mặt có ý nghĩa bảo vệ người tiêu dùng tài chính, mặt khác giúp củng cố sự phát triển của tổ chức bảo hiểm tiền gửi...
Một trong năm quan điểm lớn của Chính phủ đặt ra trong Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 là thúc đẩy tài chính toàn diện đi đôi với sự an toàn, hiệu quả và bền vững của hệ thống tài chính, bảo vệ người tiêu dùng tài chính.
Theo đó, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam sẽ chú trọng triển khai các hoạt động về giáo dục tài chính, tuyên truyền chính sách tới người dân, người gửi tiền nhằm nâng cao hiểu biết về tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tiền gửi, từ đó góp phần bảo vệ người dân, người gửi tiền.
Cụ thể:
Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đề ra mục tiêu đến năm 2025 có 45% và phấn đấu đến năm 2030 có 55% người gửi tiền nắm bắt được các nội dung cốt lõi của chính sách bảo hiểm tiền gửi, bao gồm: quyền và lợi ích hợp pháp của mình được Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam bảo vệ như thế nào, phạm vi tiền gửi được bảo hiểm, hạn mức trả tiền bảo hiểm, thông tin cơ bản về tổ chức bảo hiểm tiền gửi.
Các nội dung cốt lõi của chính sách bảo hiểm tiền gửi sẽ được tập trung truyền thông tới công chúng, bao gồm: Quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, người gửi tiền nhận biết được về nội dung cơ bản của chính sách bảo hiểm tiền gửi, vai trò của tổ chức bảo hiểm tiền gửi trong mạng an toàn tài chính, phương thức bảo vệ người gửi tiền của chính sách bảo hiểm tiền gửi; nhận biết trong điều kiện nào thì tổ chức bảo hiểm tiền gửi có nghĩa vụ chi trả bảo hiểm. Ở mức độ cao hơn, người gửi tiền có nhận thức chung, có niềm tin về sự an toàn, lành mạnh của hệ thống các tổ chức tín dụng.
Ngoài các nội dung trên, các vấn đề chung về chính sách bảo hiểm tiền gửi cũng sẽ được truyền thông tới công chúng với mức độ hợp lý theo từng thời điểm và mức độ nhận thức của mỗi đối tượng công chúng.
Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam xác định đối tượng công chúng trọng tâm để tập trung tuyên truyền là người gửi tiền tại khu vực nông thôn, miền núi, người gửi tiền ít có điều kiện tiếp cận với thông tin về hoạt động ngân hàng, bảo hiểm tiền gửi. Bên cạnh đó, các đối tượng công chúng khác cũng được quan tâm tuyên truyền, bao gồm các nhà hoạch định chính sách, các cơ quan có liên quan, các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi và người gửi tiền nói chung.
Đối với các đối tượng công chúng trọng tâm, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam tổ chức các sự kiện truyền thông, đặc biệt là phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan, đơn vị để tuyên truyền tích hợp, lồng ghép, dần dần gia tăng nhận thức của công chúng về chính sách bảo hiểm tiền gửi.
Đặc biệt, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam sẽ phối hợp với các tổ chức tín dụng, Hiệp hội Ngân hàng để đưa kiến thức về bảo hiểm tiền gửi vào các chương trình đào tạo cán bộ ngân hàng - những người trực tiếp giao dịch với người gửi tiền - cũng có thể tuyên truyền, giải thích về chính sách bảo hiểm tiền gửi.
Ngoài ra, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam sẽ tích cực tham gia trong các chương trình truyền thông của ngành ngân hàng, truyền tải tới công chúng các thông tin, chủ trương lớn của ngành ngân hàng, tạo ra sự đồng thuận chung trong công chúng, đồng thời nâng cao niềm tin của công chúng.
Trong thời gian tới, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam sẽ từng bước áp dụng các biện pháp khảo sát, đánh giá mức độ hiểu biết về các vấn đề cốt lõi của chính sách bảo hiểm tiền gửi của người gửi tiền, qua đó đánh giá hiện trạng và đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả tuyên truyền.