16:54 10/12/2009

Giao thông Hà Nội: Năm mới sẽ có giải pháp mới?

Từ Nguyên

Chuyện “tắc đường” ở Thủ đô đã trở thành chủ đề nóng được các đại biểu đưa ra chất vấn lãnh đạo thành phố sáng 10/12

Hiện toàn thành phố có gần 303.000 ôtô các loại, gần 3,65 triệu xe máy và khoảng 1 triệu xe đạp, chưa kể phương tiện giao thông của quân đội và phương tiện quá cảnh vào thành phố - Ảnh: Otofun.
Hiện toàn thành phố có gần 303.000 ôtô các loại, gần 3,65 triệu xe máy và khoảng 1 triệu xe đạp, chưa kể phương tiện giao thông của quân đội và phương tiện quá cảnh vào thành phố - Ảnh: Otofun.
Chuyện tắc đường ở Thủ đô đã trở thành chủ đề nóng được các đại biểu Hội đồng Nhân dân đưa ra chất vấn lãnh đạo thành phố.

Nổi lên trong phần chất vấn sáng 10/12 là tranh luận về nguyên nhân chủ quan – khách quan gây nên tình trạng tắc đường của Thủ đô hiện nay. Tuy nhiên, khi mà giải pháp căn cơ chưa được triển khai, những biện pháp mà thành phố đưa ra dường như đang ngày càng làm rối cho công tác quản lý giao thông của thành phố.

Tắc vì... đường chật

Theo Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Khôi, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông hiện nay là do điều kiện cơ sở hạ tầng giao thông của thành phố còn hạn chế, thiếu đồng bộ, tỷ lệ đường giao thông chỉ chiếm khoảng 7% diện tích đô thị (trong khi theo quy định phải từ 15 -20%).

Không chỉ thế, hiện thành phố có đến 80% tuyến đường hẹp dưới 11m, diện tích dành cho giao thông tĩnh chỉ chiếm 1,2% diện tích đất đô thị. Đặc biệt, tỷ lệ tăng diện tích giao thông không đáp ứng kịp so với tốc độ tăng phương tiện giao thông hàng năm.

Phó chủ tịch Khôi cũng cho biết, hiện toàn thành phố có gần 303.000 ôtô các loại, gần 3,65 triệu xe máy và khoảng 1 triệu xe đạp, chưa kể phương tiện giao thông của quân đội và phương tiện quá cảnh vào thành phố.

Với một số lượng phương tiện khá lớn như vậy, song ý thức tham gia giao thông của một bộ phận người dẫn chưa cao, không chấp hành luật giao thông đường bộ... đã khiến cho tình trạng ùn tắc giao thông của thành phố ngày càng nghiêm trọng.

Giải pháp của “riêng ta”

Tuy nhiên, theo một số đại biểu, nguyên nhân gây nên tình trạng “tắc đường” hiện nay ở Thủ đô lại có phần không nhỏ từ yếu tố chủ quan của các cơ quan quản lý. Đại biểu Phạm Thị Loan cho rằng, việc ùn tắc giao thông hiện nay dường như đã trở thành một vấn nạn gây lãng phí thời gian, tiền bạc của nhân dân.

Thế nhưng, những chính sách và quyết định của thành phố trong thời gian qua xem ra lại như “thêm dầu vào lửa” đối với vấn nạn này. Đại biểu Loan cho rằng, lẽ ra thành phố phải có chủ trường giãn dân ra các vùng ngoại thành thông qua việc thu gọn quy mô các dự án, khu chung cư trong nội đô.

Thế nhưng, theo khảo sát, rất nhiều dự án nội thành đã được thành phố cho điều chỉnh tăng quy mô xây dựng lên rất nhiều lần, khiến cho dân số tại các quận nội thành lại càng tăng thêm.

Bên cạnh đó, nhiều công trình, dự án tu bổ, sửa chữa giao thông lại tiến hành với tốc độ “rùa bò” đã vô tình làm cho tình trạng ùn tắc thêm trầm trọng. Điển hình là các hạng mục sửa chữa đường tại Tây Hồ, đường 32 – Nhổn...

Cộng với đó là những giải pháp của thành phố đưa ra lại không được hợp lý và không hiệu quả đã khiến cho nỗ lực chống tắc đường chưa đạt đến đích. “Tôi thấy trên thế giới không có nước nào lại ngăn ngã ba, ngã tư lại để chống tắc đường. Và sau khi ngăn lại, tôi đi từ Cầu Giấy xuống Bờ Hồ vẫn phải mất 1 giờ, thay vì khoảng 30 phút như mấy năm trước”, đại biểu Loan bức xúc.

Trong khi đó, một số đại biểu khác cho rằng, giải pháp bịt ngã ba, ngã tư tác dụng ít nhưng nhược điểm lại nhiều lên khi giảm được một chỗ tắc lại ùn các chỗ khác. Không những thế, giải pháp này còn phá vỡ thiết kế quy hoạch giao thông, gây lãng phí hằng trăm tỷ đồng khi hệ thống đèn giao thông đô thị bị cho "đắp chiếu".

Đặc biệt, theo đại biểu Đào Xuân Mùi, trong khi chúng ta đang nỗ lực xây dựng ý thức tham gia giao thông cho người dân thì việc ngăn ngã ba, ngã tư đã vô tình phá vỡ ý thức chấp hành của người dân, gây mất an toàn cho người tham gia giao thông, gây mất mỹ quan đô thị.

Không những thế, theo đại biểu Ngô Văn Ny, việc thành phố ngăn ngã ba, ngã tư có thể vì mục tiêu hạn chế tắc đường, song lại “bỏ quên” người đi bộ khi họ không có chỗ để sang đường bởi các giao lộ đều bị chặn.

Quý 1/2010 sẽ thống nhất giải pháp

Đáp lại những băn khoăn trên, Phó chủ tịch Nguyễn Văn Khôi cho rằng, quan điểm của thành phố hiện nay đã khác trước đây, đó là không cho xây các chung cư cao tầng trong nội thành. Đồng thời, sẽ đẩy mạnh xây dựng hạ tầng cơ sở, các đô thị vệ tinh, đường vành đai 4, 5... để giãn dân và hạn chế ùn tắc giao thông. Việc ngăn ngã ba, ngã tư chỉ là giải pháp tình thế.

Về lâu dài, thành phố đang chỉ đạo mở rộng nhiều tuyến đường vành đai 2, 3 mà trước mắt là đoạn Ô Chợ Dừa – Voi Phục, Ô Chự Dừa – Hoàng Cầu, ngã tư Sở - ngã tư Vọng...kết hợp với chuyển dân sang vận chuyển hành khách bằng đường sắt nội đô.

Phó chủ tịch Khôi cũng thừa nhận, nếu không có những giải pháp mang tính căn cơ, lâu dài thì chắc chắn trong vòng 5 năm tới, các phương tiên giao thông không thể di chuyển được trên đường và bài toàn ùn tắc cũng sẽ không thể giải quyết được.

Tuy nhiên, Phó chủ tịch Khôi cũng khẳng định, dù có nhiều ý kiến khác nhau về giải pháp chống ùn tắc giao thông của thành phố trong thời gian qua. Tuy nhiên, nhìn một cách khái quát thì những giải pháp đó cũng đã mang lại hiệu quả nhất định. Theo ông, nguyên tắc của các giải pháp đưa ra là làm sao để giảm xung đột tại các ngã ba, ngã tư nên tất yếu các góc quay có thể tăng ùn tắc nhưng không đáng kể.

Tuy nhiên, Phó chủ tịch Khôi cũng khẳng định, hiện thành phố đang chỉ đạo các cơ quan, ban ngành, đặc biệt là Sở Giao thông Vận tải và Công an thành phố rà soát, đánh giá nghiêm túc hiệu quả của các giải pháp vừa qua.

“Cuối tháng 12 này, sau khi nghe các cơ quan báo cáo, vào đầu quý 1/2010, lãnh đạo thành phố sẽ thống nhất các giải pháp chống ùn tắc giao thông để áp dụng trên địa bàn”, Phó chủ tịch Khôi cho biết.