09:04 09/12/2009

Giá đất “vàng” Hà Nội tăng 21%

Từ Nguyên

UBND thành phố Hà Nội vừa trình Hội đồng Nhân dân thành phố phương án giá đất trên địa bàn Thủ đô trong năm 2010

Giá đất tại tuyến phố Hàng Đào đã tăng kịch trần theo quy định của Chính phủ nhưng vẫn thấp hơn giá chuyển nhượng trên thị trường.
Giá đất tại tuyến phố Hàng Đào đã tăng kịch trần theo quy định của Chính phủ nhưng vẫn thấp hơn giá chuyển nhượng trên thị trường.
UBND thành phố Hà Nội vừa trình Hội đồng Nhân dân thành phố phương án giá đất trên địa bàn Thủ đô trong năm 2010.

Cụ thể, giá đất tại các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Tây Hồ, Cầu Giấy, Hoàng Mai, Long Biên được UBND thành phố đề nghị điều chỉnh tăng 21% tại các vị trí số 1 của tuyến phố có khả năng sinh lợi cao nhất (Hàng Ngang, Hàng Đào) bằng mức vượt khung tối đa của Chính phủ quy định là 81 triệu đồng/m2.

Các đường phố, vị trí còn lại sẽ được điều chỉnh tăng phù hợp với mức tăng vượt khung tối đa của Chính phủ quy định theo hướng giảm dần từ trung tâm Hà Nội trở ra.

Đối với quận Hà Đông, thành phố thực hiện theo nguyên tắc từng bước điều chỉnh giá đất sau hợp nhất tăng tương quan với giá của vùng giáp ranh quận Thanh Xuân và huyện Từ Liêm. Sau khi điều chỉnh, giá đất ở của các phường trên trục đường giao thông của khu vực này sẽ tăng tối đa là 40%.

UBND thành phố cũng thống nhất, sau khi điều chỉnh, bảng giá đất ở tại các quận nội thành sẽ có giá tối thiểu là 1,8 triệu đồng/m2, và tối đa là 81 triệu đồng như đã nói ở trên.

Giá đất ở tại các thị trấn của các huyện (trừ Từ Liêm, Gia Lâm, Thanh Trì, Đông Anh, Hoài Đức, Đan Phượng) và các phường của thị xã Sơn Tây sẽ được xác định trên cơ sở căn cứ vào khung giá đất ở đô thị loại 5 để điều chỉnh tăng (6,7 triệu đồng.m2 x 120% = 8,04 triệu đồng/m2).

Giá đất ở tại thị trấn của các huyện: Từ Liêm, Gia Lâm, Thanh Trì, Đông Anh, Hoài Đức và Đan Phương là các huyện giáp ranh, có tốc độ phát triển kinh tế và đô thị hóa nhanh hơn các khu vực khác sẽ được điều chỉnh tăng theo hướng tiếp cận với giá đất của các quận nội thành liền kề.

Bảng giá đất ở tại các thị trấn trên, sau khi điều chỉnh sẽ có giá tối thiểu là 1,26 triệu/m2 và tối đa là 21,6 triệu đồng/m2.

Giá đất ở tại các khu vực còn lại của thành phố sẽ dao động từ 1,3 triệu đồng/m2 (tối thiểu) đến 27,6 triệu đồng/m2 (tối đa).

Riêng đất ở tại các đầu mối giao thông của các huyện sẽ có giá tối thiểu là 375.000 đồng/m2, tối đa là 9,375 triệu đồng/m2. Giá đất ở tại các khu dân cư nông thôn sau khi điều chỉnh sẽ dao động từ 200.000 đồng/m2 – 2,25 triệu đồng/m2.

Với giá đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp, sau khi điều chỉnh theo phương án đang trình, mức giá tối đa trong các quận nội thành là 35,235 triệu đồng/m2, thấp nhất là 1,1 triệu đồng/m2.

Tại các khu vực còn lại, giá đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp sẽ dao động từ 100.000 đồng/m2 (tối thiểu) và 9,395 triệu đồng/m2 tối (tối đa).

Giá đất nông nghiệp sẽ giữ được nguyên như năm 2009, dao động từ 36.000 đồng/m2 – 252.000 đồng/m2 tùy mục đích sản xuất nông nghiệp.

Theo Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Phí Thái Bình, việc điều chỉnh khung giá đất trong năm 2010 sẽ góp phần thiết thực vào việc thiết lập cơ chế chính sách đồng bộ trong quản lý đất đai, tạo cơ sở để thực hiện chính sách tài chính về đất đai, tạo động lực thu hút đầu tư phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

Đặc biệt, việc điều chỉnh khung giá đất sẽ góp phần đảm bảo quyền lợi của người bị thu hồi đất, tạo điều kiện đẩy nhanh giải phóng mặt bằng, tăng cường quản lý, sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả và góp phần hạn chế đầu cơ đất đai.

Tuy nhiên, Phó chủ tịch Phí Thái Bình cũng thừa nhận, do việc điều chỉnh giá đất vẫn phải nằm trong khung do Chính phủ quy định, nên dù đã điều chỉnh tối đa nhưng vẫn còn thấp hơn nhiều so với giá chuyển nhượng thực tế trên thị trường. Chính điều này đã ảnh hưởng đến thu ngân sách khi cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Bên cạnh đó, việc điều chỉnh giá đất tuy có tác động tích cực đến khâu giải phóng mặt bằng, song đối với những dự án đang chuyển tiếp từ năm 2009 sang năm 2010, chủ đầu tư phải đầu tư vốn ban đầu nhiều hơn để được sử dụng đất nên chắc chắn sẽ gây khó khăn cho chủ đầu tư, từ đó làm giảm tính cạnh tranh của các dự án.