07:31 20/07/2011

Giới đầu cơ đang rời bỏ chứng khoán, trữ tiền mặt?

Diệp Anh

Các quỹ đầu cơ lớn trên thế giới đang giảm mạnh tiền đầu tư vào cổ phiếu, trái phiếu, quay sang trữ tiền mặt chờ thời

Cổ phiếu không còn hấp dẫn như trước?
Cổ phiếu không còn hấp dẫn như trước?
Các quỹ đầu cơ như của tỷ phú Soros hay Moore Capital Management LLC đang giảm mạnh lượng tiền đầu tư vào cổ phiếu, trái phiếu và thị trường tiền tệ, bởi họ đang trông chờ các vấn đề toàn cầu như nợ công châu Âu, lạm phát Trung Quốc, trần nợ Mỹ trở nên rõ ràng hơn.

Theo kết quả một cuộc điều tra của ngân hàng Bank of America công bố hồi tháng trước, khoảng 18% các quỹ tài sản, trong đó bao gồm cả quỹ đầu cơ đang nắm nhiều tiền mặt, mức cao nhất trong một năm và tăng so với mức 6% ở thời điểm tháng 5/2011.

Trong bài phát biểu hồi tháng 4, tỷ phú George Soros nói, "tôi thấy tình hình hiện tại căng thẳng và khó đoán trước hơn rất nhiều so với thời kỳ đỉnh cao của khủng hoảng tài chính. Thị trường thực sự thiếu ổn định. Không có sự sụp đổ lập tức nào cũng như không có một giải pháp tức thời nào”.

Trong khi đó, Keith Anderson, chuyên gia quản lý quỹ Quantum Endowment với tổng tài sản hiện khoảng 25,5 tỷ USD thuộc Soros Fund Management LLC, cũng trở nên thận trọng hơn với thị trường toàn cầu. Hiện quỹ đang nắm khoảng 75% tiền mặt để chờ đợi cơ hội đầu tư tốt hơn.

Các quỹ như của Moore hay Soros hiện nằm trong số các tổ chức đầu cơ lỗ nhiều nhất từ đầu năm tới nay. Theo số liệu nghiên cứu về hoạt động các quỹ đầu cơ, mức lỗ của các tổ chức này tính tới 30/6 là 2,25%, do những sai lầm về dự báo đồng Euro mất giá, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng...

Cũng liên quan tới các yếu tố toàn cầu trên, phát biểu tại diễn đàn của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) ở Geneva, Thụy Sĩ, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB), Robert B. Zoellick đã kêu gọi các nước thành viên WTO cần “tư duy lớn và hướng tới tương lai” để thúc đẩy vòng đàm phán Doha sớm kết thúc thành công.

Ông Zoellick cảnh báo rằng số phận của vòng đàm phán được khởi động từ năm 2001 này hiện nay “rất đáng thất vọng” và có nguy cơ làm lỡ mọi cơ hội tăng trưởng kinh tế mà nền kinh tế toàn cầu đang rất cần thiết để thúc đẩy tiến trình phục hồi kinh tế toàn cầu.

Theo ông, hầu hết các nước đang trong tình trạng khó khăn về kinh tế. Châu Âu vất vả vật lộn với khủng hoảng nợ của khu vực đồng Euro. Trong khi đó, Mỹ sa lầy vào nợ nần, thâm hụt ngân sách và cần sách lược tăng trưởng kinh tế. Nhật Bản đang ra khỏi thảm họa hạt nhân và khó khăn với mức tăng trưởng kinh tế thấp.

Ông Zoellick cho rằng, ngoài việc tìm cách giải quyết nợ nần và thâm hụt ngân sách, thế giới cần có sách lược tăng trưởng toàn cầu. "Tự do thương mại là cách hay nhất để giúp nền kinh tế toàn cầu đang gặp khó khăn. Hiệu quả của nó đã được chứng minh qua những năm 1960 và 1970. Vì vậy, tại sao không làm sống dậy vòng đàm phán Doha?”

Các nước đang phát triển ở châu Á, Mỹ Latinh và Trung Đông có thể thu hút các nhà đầu tư mới, các công ty với các thương hiệu quốc tế và các xí nghiệp sản xuất để tránh được cái bẫy “thu nhập trung bình.”

Các nước phát triển sẽ được thúc đẩy cải tổ cơ cấu tăng trưởng trong tương lai. Các nền kinh tế mới nổi có lợi ích chiến lược trong hệ thống buôn bán toàn cầu năng động, và hướng đến tương lai. Nếu mở cửa thị trường chậm, các thị trường đóng cửa sẽ tác động bất lợi đến buôn bán Nam-Nam.

Hôm qua (19/7), Tổng thống Mỹ Barack Obama cho biết đã đạt được một số tiến triển trong đàm phán nâng trần nợ công của nước này và đồng ý với kế hoạch cắt giảm thâm hụt ngân sách trị giá 3.750 tỷ USD. Trước đó, trong cuộc họp hôm 18/2, các nghị sỹ Mỹ đã xem xét một kế hoạch dự phòng do người đứng đầu đảng Cộng hòa đưa ra.

Theo kế hoạch này, Tổng thống Obama có quyền nâng mức nợ trần theo ba giai đoạn tính tới cuộc bầu cử vào tháng 11/2012. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhận định Thượng viện khó mà thông qua được kế hoạch này.

Các nghị sỹ Cộng hòa cũng lên kế hoạch tập trung sức lực cho kế hoạch cắt giảm, giới hạn và cân bằng ngân sách với mục đích giảm chi tiêu hơn 100 tỷ USD năm tới, giới hạn tiêu dùng và yêu cầu sửa đổi ngân sách phải được Quốc hội thông qua rồi gửi tới chính quyền các bang phê chuẩn trước khi thống nhất nâng mức nợ trần.

Những công bố của Tổng thống Barack Obama về tiến triển trong cuộc đàm phán ngày 19/7 đã góp phần giúp nhà đầu tư chứng khoán Mỹ lấy lại niềm tin vốn đã lung lay, rơi rớt trong vài tuần qua, từ đó đẩy bật các chỉ số chứng khoán tăng điểm mạnh trong phiên giao dịch cùng ngày.

Thêm vào đó, theo báo cáo của Bộ Thương mại Mỹ, trong tháng 6 vừa qua, số lượng nhà xây mới ở nước này đã tăng nhanh hơn dự báo của giới chuyên gia và chạm mức cao nhất trong 6 tháng. Số lượng giấy phép xây dựng tương lai bất ngờ tăng. Nhu cầu đối với căn hộ cho thuê có thể đang tăng lên.

Cụ thể, số lượng nhà xây mới tháng 6/2011 tăng 14,6% lên mức 629.000 căn, mức cao nhất kể từ tháng Giêng tới nay. Trong khi, theo các chuyên gia tham dự khảo sát của hãng tin Reuters, số lượng nhà xây mới dự kiến sẽ tăng lên mức 575.000 căn.

Cũng xung quanh câu chuyện bài toán nợ nần của nước Mỹ, giới phân tích thuộc ngân hàng HSBC cho rằng, Mỹ sẽ không bán vàng trong quốc khố, bởi lượng dự trữ vàng chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng dư nợ nên lợi nhuận thu về sẽ tác động không đáng kể lên mức nợ.

Thêm vào đó, việc bán vàng từ quốc khố sẽ ảnh hưởng tới sự ổn định của đồng bạc xanh, tác động xấu tới niềm tin của các nhà đầu tư trên các thị trường tài chính. Một nguyên nhân khác nữa, là giá vàng đang trong giai đoạn tăng lên, bán ra lúc này không hề có lợi.

Trong một diễn biến khác, theo đánh giá của tổ chức định mức tín nhiệm Fitch Ratings, các quỹ tiền tệ với khoảng 1.300 USD tài sản liên quan tới chính phủ Mỹ sẽ chịu nguy cơ từ hoàn trả nợ nhiều hơn vỡ nợ. Các quỹ này sẽ không bị buộc phải bán chứng khoán đã mất khả năng thanh toán Mỹ trừ khi cần doanh số để đáp ứng các khoản chi trả của nhà đầu tư.

Liên quan tới kinh tế Trung Quốc, theo nhận định của ngân hàng Standard Chartered, nguy cơ khủng hoảng hàng nghìn tỷ USD tiền vay nợ của Trung Quốc có thể được giảm bớt và thiệt hại cho hệ thống ngân hàng và nền kinh tế có thể được hạn chế.

Theo ước tính của Standard Chartered, trong số 1.500 - 2.100 tỷ USD mà ngân hàng cho các cơ quan trung ương và địa phương vay, có tới 1.200- 1.600 tỷ USD về nguyên tắc sẽ không bao giờ được hoàn trả. Ngoài ra, các khoản nợ của ngành đường sắt lên tới 1.800 tỷ Nhân dân tệ cũng làm gia tăng nguy cơ vỡ nợ.

Tuy nhiên, theo một chuyên gia của Standard Chartered, Trung Quốc có thể giải quyết khủng hoảng miễn là chính phủ phải đi đầu trong việc phối hợp giải cứu. Thực tế, Trung Quốc rất thành công trong việc theo dõi các khoản nợ, có các khoản bảo lãnh sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á.

Trong khi đó, Bộ Tài chính Trung Quốc cho biết, 6 tháng đầu năm nay, doanh thu thuế của Trung Quốc tăng 29,6% lên 5.000 tỷ Nhân dân tệ, tương đương khoảng 773 tỷ USD. Điều này sẽ hỗ trợ thêm cho Chính phủ Trung Quốc trong việc ứng phó vấn nạn nợ chính quyền các địa phương đang ở mức cao.

Theo Bộ Tài chính Trung Quốc, lý do chính khiến nguồn thu thuế của Trung Quốc tăng chính là tăng trưởng kinh tế ổn định và lợi nhuận doanh nghiệp cao. Tăng trưởng kinh tế của nước này có chậm lại nhưng tính chung trong quý 2, GDP vẫn tăng trưởng 9,5% so với cùng kỳ năm trước.

Các nền kinh tế châu Á cần giảm bớt phụ thuộc vào xuất khẩu sang Mỹ và châu Âu, thông qua nỗ lực tăng cường buôn bán nội khối, Ủy ban Liên hợp quốc về Kinh tế và Xã hội khu vực châu Á-Thái Bình Dương (ESCAP) nhận định.

Thương mại nội khối châu Á-Thái Bình Dương hiện chiếm khoảng 50% tổng giá trị xuất khẩu, thấp hơn đáng kể so với tỷ trọng 72% tại châu Âu. Nếu chỉ xét về mặt chủng loại hàng hóa sản phẩm, nguồn cung của khu vực châu Á-Thái Bình Dương mới chỉ đáp ứng chừng trên 50% nhu cầu của khu vực.

Để có thể tăng cường giao dịch nội khối, theo ESCAP, các nước cần dỡ bỏ các hàng rào trực tiếp và gián tiếp trong thương mại. Mặc dù châu Á-Thái Bình Dương đã ký khoảng 150 hiệp định khu vực và song phương để cắt giảm thuế quan và thúc đẩy cơ hội tiếp cận thị trường của nhau, nhưng các rào cản thủ tục hiện vẫn tồn tại.

Để hoàn thành các thủ tục giao dịch giao thương tại châu Á, các nhà xuất khẩu hiện cần tới 30 ngày, nhiều hơn gấp ba lần so với thời gian tiến hành tại những nước thuộc Tổ chức Phát triển và Hợp tác Kinh tế (OECD). Trong khi chi phí thương mại nội khối đang cao hơn rất nhiều so với buôn bán giữa các nước khu vực với bên ngoài.

Theo một báo cáo nghiên cứu của ESCAP, riêng chi phí liên quan đến tệ quan liêu hành chính và rào cản về mặt thủ tục trong họat động thương mại khu vực ước lên tới 300 tỷ USD/năm. Vì thế nếu sớm bãi bỏ được những rào cản trên, số tiền trên có thể sẽ được chuyển vào túi của các nhà xuất khẩu.