11:30 21/01/2016

Giới lãnh đạo doanh nghiệp bi quan về kinh tế toàn cầu

An Huy

Kết quả một cuộc khảo sát được thực hiện với sự tham gia của 1.409 giám đốc điều hành (CEO) từ 83 quốc gia

Kết quả thăm dò cho thấy chỉ có 27% CEO được hỏi tin triển vọng kinh tế 
sẽ khởi sắc trong năm nay, giảm từ mức 37% trong cuộc khảo sát năm 
ngoái.
Kết quả thăm dò cho thấy chỉ có 27% CEO được hỏi tin triển vọng kinh tế sẽ khởi sắc trong năm nay, giảm từ mức 37% trong cuộc khảo sát năm ngoái.
Các giám đốc điều hành (CEO) trên thế giới đang có cái nhìn bi quan về tăng trưởng kinh tế toàn cầu, hãng tin Bloomberg dẫn kết quả một cuộc thăm dò vừa được hãng tư vấn-kiểm toán PricewaterhouseCoopers LLC (PwC) công bố cho biết.

Đây là cuộc khảo sát được thực hiện với sự tham gia của 1.409 vị CEO từ 83 quốc gia và được công bố kết quả ngay trước thềm hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ở Davos, Thụy Sỹ.

Kết quả thăm dò cho thấy chỉ có 27% CEO được hỏi tin triển vọng kinh tế sẽ khởi sắc trong năm nay, giảm từ mức 37% trong cuộc khảo sát năm ngoái.

23% nói nền kinh tế thế giới sẽ xấu đi trong năm 2016, tăng từ mức 17% trong cuộc khảo sát năm 2015.

Kết quả này cho thấy tâm lý bi quan bủa vây Davos trong hội nghị WEF năm nay - sự kiện diễn ra trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc giảm tốc mạnh, giá hàng hóa toàn cầu lao dốc, và những mối quan ngại tăng cao về bất ổn địa chính trị ở Trung Đông và bán đảo Triều Tiên.

Hội nghị WEF khai mạc vào ngày 20/1, với sự tham gia của 2.500 nhà hoạch định chính sách, lãnh đạo doanh nghiệp, nhà đầu tư và học giả. Trong số các CEO xuất hiện tại Davos lần này, có những tên tuổi như Lloyd Blankfein của Goldman Sachs hay Mary Barra của General Motors (GM).

“Không còn nghi ngờ gì nữa, niềm tin của giới lãnh đạo doanh nghiệp vào triển vọng tăng trưởng của cả nền kinh tế toàn cầu và công ty họ đã sụt giảm”, ông Dennis Nally, Chủ tịch PwC toàn cầu, nhận định.

Kinh tế Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới, tăng 6,9% trong năm 2015, mức tăng thấp nhất kể từ năm 1990. Việc các nền kinh tế mới nổi, bao gồm kinh tế Trung Quốc, giảm tốc, và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) bắt đầu một chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ mới đã thúc đẩy Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Trong báo cáo công bố ngày 19/1, IMF dự báo nền kinh tế thế giới tăng trưởng 3,4% trong năm nay và 3,6% trong năm 2017, đồng loạt giảm 0,2 điểm phần trăm so với lần dự báo hồi tháng 10.

Cũng trong cuộc khảo sát của PwC, 2/3 CEO được hỏi cho biết đã suy giảm niềm tin vào triển vọng tăng trưởng doanh thu của công ty do chính họ điều hành. Chỉ 35% nói rất tin tưởng vào triển vọng tăng trưởng doanh thu của công ty, so với tỷ lệ 39% vào năm ngoái.

Trong số các sếp doanh nghiệp Trung Quốc được khảo sát, chỉ 24% nói lạc quan, so với tỷ lệ 36% trong cuộc khảo sát năm 2015. Đối với các CEO Mỹ, tỷ lệ lạc quan về triển vọng của công ty trong năm nay là 33%, so với 46% trong năm ngoái.

Bi quan hơn cả là các CEO đến từ Thụy Sỹ. Chỉ 16% các sếp doanh nghiệp Thụy Sỹ được khảo sát nói tự tin vào tăng trưởng doanh thu năm nay, so với mức 24% trong năm ngoái.

2/3 số CEO được khảo sát nói họ nhận thấy công ty của mình đối mặt với nhiều nguy cơ hơn so với cách đây 3 năm.

79% nói sự thắt chặt thái quá các biện pháp kiểm soát của chính phủ là rủi ro lớn nhất đối với triển vọng tăng trưởng của doanh nghiệp. Những rủi ro lớn khác bao gồm bất ổn chính trị (74%) và biến động tỷ giá các đồng tiền (73%).

48% CEO được hỏi nói vẫn có kế hoạch tuyển thêm nhân sự trong 12 tháng tới, so với tỷ lệ 50% trả lời tương trong cuộc khảo sát năm ngoái.