Giới quan sát quốc tế nói gì về việc hạ lãi suất của Việt Nam?
Với lạm phát và tăng trưởng cùng giảm, thì đợt hạ lãi suất thứ 5 từ đầu năm của Việt Nam là không ngoài dự báo
Giới chuyên gia quốc tế cho rằng, với lạm phát và tăng trưởng kinh tế cùng giảm tốc, thì đợt hạ lãi suất thứ 5 từ đầu năm của Việt Nam là không ngoài dự báo.
Ngày 29/6, Ngân hàng Nhà nước công bố các lãi suất điều hành tiếp tục giảm thêm 1%/năm, là lần cắt giảm thứ 5 liên tiếp kể từ đầu năm. Theo đó, lãi suất tái cấp vốn là 10%/năm; lãi suất tái chiết khấu là 8%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước đối với các ngân hàng là 11%/năm. Các mức lãi suất mới này có hiệu lực từ ngày 1/7 tới.
Đợt cắt giảm lãi suất này được công bố sau khi thống kê cho thấy, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam 6 tháng đầu năm 2012 đã tăng 4,38%, một mức tăng theo đánh giá của Tổng cục Thống kê là “đạt mức thấp”. Trong tháng 6, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Việt Nam tăng 6,9% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn so với mức tăng 8,9% trong tháng 5 và mức đỉnh 23% vào tháng 8 năm ngoái.
Ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước công bố giảm lãi suất, ngân hàng HSBC đã ra một báo cáo ngắn cho rằng, lạm phát và tốc độ tăng trưởng kinh tế suy giảm là động lực cho đợt cắt giảm lãi suất mới này.
“Trong lần cắt giảm lãi suất cách đây 2 tuần, Ngân hàng Nhà nước tuyên bố sẽ không giảm thêm lãi suất. Tuy nhiên, lạm phát giảm tốc và tốc độ tăng trưởng kinh tế dưới 5% trong 6 tháng đầu năm, đã thúc đẩy Ngân hàng Nhà nước giảm thêm lãi suất”, báo cáo của HSBC có đoạn viết.
Một số chuyên gia khác không ngạc nhiên về việc Việt Nam hạ thêm lãi suất, nhưng lại bất ngờ đôi chút về thời điểm của đợt cắt giảm này. “Mặc dù chúng tôi đã dự báo Việt Nam còn giảm thêm lãi suất, đợt cắt giảm này đến sớm hơn kỳ vọng của chúng tôi”, ông Louis Taylor, Giám đốc điều hành ngân hàng Standard Chartered ở Việt Nam, Lào và Campuchia, nhận xét với hãng tin tài chính Bloomberg.
Tuy nhiên, trong bối cảnh tăng trưởng GDP của Việt Nam đi xuống, “thì chúng tôi cũng cảm thấy bớt ngạc nhiên hơn về lần hạ lãi suất này”, ông Taylor cho biết thêm. Cũng theo ông Taylor, với tốc độ lạm phát giảm tốc, thì lãi suất thực tế ở Việt Nam hiện đang được cho là cao hơn so với thời điểm cách đây 3 tháng.
Chuyên gia kinh tế khu vực châu Á Sukhy Ubhi của Capital Economics thì cho rằng, đợt cắt giảm lãi suất này của Việt Nam đã cho thấy sự dịch chuyển ưu tiên chính sách. “Lạm phát giảm mạnh trong năm qua và tăng trưởng đi xuống đồng nghĩa với việc ưu tiên đối với các nhà hoạch định chính sách giờ đã dịch chuyển nhiều từ chỗ kiểm soát lạm phát sang hỗ trợ nhu cầu”.
Đây cũng là cách nhìn nhận của ông Kevin Snowball, Giám đốc điều hành quỹ PXP Vietnam Asset Management. “Chúng tôi cho rằng, Chính phủ Việt Nam đang một lần nữa chứng tỏ quyết tâm sẽ đưa ra bất kỳ giải pháp cần thiết nào để kích thích nền kinh tế”, ông Snowball viết trong một báo cáo mới đây.
“Đây là động thái phản ứng của Ngân hàng Nhà nước trước mức tăng GDP thấp của quý 2”, ông Alan Phạm, chuyên gia kinh tế trưởng của quỹ VinaCapital, nói với Reuters.
Một số chuyên gia kỳ vọng Việt Nam sẽ tiếp tục hạ lãi suất trong năm nay. “Chúng tôi kỳ vọng chính sách tiền tệ của Việt Nam sẽ được nới lỏng thêm trong thời gian tới, với mức cắt giảm lãi suất thêm 100 điểm cơ bản từ nay tới cuối năm năm”, ông Ubhi, chuyên gia của Capital Economics, dự báo.
Tuy nhiên, cũng có một số chuyên gia có cách nhìn nhận khác. Theo ngân hàng HSBC, lạm phát cơ bản của Việt Nam (không tính tới giá lương thực-thực phẩm và năng lượng) vẫn duy trì vững ở mức 7-8%, đồng nghĩa với việc lãi suất OMO có thể sẽ duy trì ở mức 8%/năm.
“Lãi suất này có thể giảm xuống 7%/năm nếu nhu cầu của thị trường nội địa vẫn chịu sức ép suy giảm. Tuy nhiên, chúng tôi không cho là lãi suất sẽ giảm quá mức này, vì tác dụng của những đợt hạ lãi suất vừa qua sẽ dần được thể hiện rõ trong thời gian từ nay đến quý 4 và có thể làm gia tăng những áp lực lạm phát”, báo cáo của HSBC viết.
Về tăng trưởng GDP của Việt Nam, HSBC cho rằng, mức tăng 4,7% của quý 2 phản ánh nhu cầu suy giảm mạnh cả ở thị trường trong và ngoài nước. “Trong thời gian tới, chúng tôi kỳ vọng GDP sẽ tăng tốc. Chúng tôi dự báo, kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 5,1% trong năm 2012”.
Ngày 29/6, Ngân hàng Nhà nước công bố các lãi suất điều hành tiếp tục giảm thêm 1%/năm, là lần cắt giảm thứ 5 liên tiếp kể từ đầu năm. Theo đó, lãi suất tái cấp vốn là 10%/năm; lãi suất tái chiết khấu là 8%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước đối với các ngân hàng là 11%/năm. Các mức lãi suất mới này có hiệu lực từ ngày 1/7 tới.
Đợt cắt giảm lãi suất này được công bố sau khi thống kê cho thấy, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam 6 tháng đầu năm 2012 đã tăng 4,38%, một mức tăng theo đánh giá của Tổng cục Thống kê là “đạt mức thấp”. Trong tháng 6, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Việt Nam tăng 6,9% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn so với mức tăng 8,9% trong tháng 5 và mức đỉnh 23% vào tháng 8 năm ngoái.
Ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước công bố giảm lãi suất, ngân hàng HSBC đã ra một báo cáo ngắn cho rằng, lạm phát và tốc độ tăng trưởng kinh tế suy giảm là động lực cho đợt cắt giảm lãi suất mới này.
“Trong lần cắt giảm lãi suất cách đây 2 tuần, Ngân hàng Nhà nước tuyên bố sẽ không giảm thêm lãi suất. Tuy nhiên, lạm phát giảm tốc và tốc độ tăng trưởng kinh tế dưới 5% trong 6 tháng đầu năm, đã thúc đẩy Ngân hàng Nhà nước giảm thêm lãi suất”, báo cáo của HSBC có đoạn viết.
Một số chuyên gia khác không ngạc nhiên về việc Việt Nam hạ thêm lãi suất, nhưng lại bất ngờ đôi chút về thời điểm của đợt cắt giảm này. “Mặc dù chúng tôi đã dự báo Việt Nam còn giảm thêm lãi suất, đợt cắt giảm này đến sớm hơn kỳ vọng của chúng tôi”, ông Louis Taylor, Giám đốc điều hành ngân hàng Standard Chartered ở Việt Nam, Lào và Campuchia, nhận xét với hãng tin tài chính Bloomberg.
Tuy nhiên, trong bối cảnh tăng trưởng GDP của Việt Nam đi xuống, “thì chúng tôi cũng cảm thấy bớt ngạc nhiên hơn về lần hạ lãi suất này”, ông Taylor cho biết thêm. Cũng theo ông Taylor, với tốc độ lạm phát giảm tốc, thì lãi suất thực tế ở Việt Nam hiện đang được cho là cao hơn so với thời điểm cách đây 3 tháng.
Chuyên gia kinh tế khu vực châu Á Sukhy Ubhi của Capital Economics thì cho rằng, đợt cắt giảm lãi suất này của Việt Nam đã cho thấy sự dịch chuyển ưu tiên chính sách. “Lạm phát giảm mạnh trong năm qua và tăng trưởng đi xuống đồng nghĩa với việc ưu tiên đối với các nhà hoạch định chính sách giờ đã dịch chuyển nhiều từ chỗ kiểm soát lạm phát sang hỗ trợ nhu cầu”.
Đây cũng là cách nhìn nhận của ông Kevin Snowball, Giám đốc điều hành quỹ PXP Vietnam Asset Management. “Chúng tôi cho rằng, Chính phủ Việt Nam đang một lần nữa chứng tỏ quyết tâm sẽ đưa ra bất kỳ giải pháp cần thiết nào để kích thích nền kinh tế”, ông Snowball viết trong một báo cáo mới đây.
“Đây là động thái phản ứng của Ngân hàng Nhà nước trước mức tăng GDP thấp của quý 2”, ông Alan Phạm, chuyên gia kinh tế trưởng của quỹ VinaCapital, nói với Reuters.
Một số chuyên gia kỳ vọng Việt Nam sẽ tiếp tục hạ lãi suất trong năm nay. “Chúng tôi kỳ vọng chính sách tiền tệ của Việt Nam sẽ được nới lỏng thêm trong thời gian tới, với mức cắt giảm lãi suất thêm 100 điểm cơ bản từ nay tới cuối năm năm”, ông Ubhi, chuyên gia của Capital Economics, dự báo.
Tuy nhiên, cũng có một số chuyên gia có cách nhìn nhận khác. Theo ngân hàng HSBC, lạm phát cơ bản của Việt Nam (không tính tới giá lương thực-thực phẩm và năng lượng) vẫn duy trì vững ở mức 7-8%, đồng nghĩa với việc lãi suất OMO có thể sẽ duy trì ở mức 8%/năm.
“Lãi suất này có thể giảm xuống 7%/năm nếu nhu cầu của thị trường nội địa vẫn chịu sức ép suy giảm. Tuy nhiên, chúng tôi không cho là lãi suất sẽ giảm quá mức này, vì tác dụng của những đợt hạ lãi suất vừa qua sẽ dần được thể hiện rõ trong thời gian từ nay đến quý 4 và có thể làm gia tăng những áp lực lạm phát”, báo cáo của HSBC viết.
Về tăng trưởng GDP của Việt Nam, HSBC cho rằng, mức tăng 4,7% của quý 2 phản ánh nhu cầu suy giảm mạnh cả ở thị trường trong và ngoài nước. “Trong thời gian tới, chúng tôi kỳ vọng GDP sẽ tăng tốc. Chúng tôi dự báo, kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 5,1% trong năm 2012”.