10:00 02/06/2021

Giữa bão giá nguyên liệu, vì sao CPI 5 tháng vẫn thấp nhất 5 năm?

Vũ Khuê

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5/2021 tăng 0,16% so với tháng trước, tăng 1,43% so với tháng 12/2020 và tăng 2,9% so với tháng 5/2020...

Giá xăng dầu tăng là một trong những nguyên nhân làm tăng CPI tháng 5/2021.
Giá xăng dầu tăng là một trong những nguyên nhân làm tăng CPI tháng 5/2021.

Bình quân 5 tháng đầu năm 2021, CPI chỉ tăng 1,29% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016; lạm phát cơ bản 5 tháng tăng 0,82%.

GIÁ XĂNG DẦU, NGUYÊN VẬT LIỆU KÉO CPI LÊN

Nguyên nhân chính làm CPI tháng 5/2021 tăng được chỉ ra là do giá xăng dầu tăng theo giá thế giới; giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tăng do giá nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào tăng; giá điện, nước sinh hoạt tăng theo nhu cầu tiêu dùng.

Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính tháng 5, có 8 nhóm tăng giá so với tháng trước và 3 nhóm giảm giá.

Phân tích cụ thể, theo Tổng cục Thống kê, trong 8 nhóm hàng tăng giá, nhóm giao thông có mức tăng so với tháng trước cao nhất với 0,76%, làm CPI chung tăng 0,07 điểm phần trăm. 2 đợt điều chỉnh giá xăng, dầu vào cuối tháng 4 và giữa tháng 5 vừa qua là tác nhân của việc tăng giá nhóm hàng này.

Tiếp đến là nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,4% so với tháng trước, kéo CPI chung tăng 0,08 điểm phần trăm. Điều này dễ nhận thấy, bởi giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 2,93% theo giá nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào.

Trong 3 nhóm hàng giảm giá, số liệu thống kê cho thấy, nhóm văn hóa, giải trí và du lịch chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 có mức giảm so với tháng trước nhiều nhất. Mức giảm 0,23% do du lịch trọn gói giảm 0,7%.

Giữa bão giá nguyên liệu, vì sao CPI 5 tháng vẫn thấp nhất 5 năm? - Ảnh 1

Nếu so với cùng kỳ năm trước, CPI tháng 5/2021 tăng 2,9%. Trong 11 nhóm hàng tiêu dùng chính có 9 nhóm tăng giá và 2 nhóm giảm giá. Nhóm giao thông tăng cao nhất 21,24% so với tháng 5/2020, chủ yếu do cùng kỳ năm trước giá xăng, dầu trong nước giảm sâu theo giá nhiên liệu thế giới.

Ở chiều ngược lại, trong nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống, nhóm thực phẩm tháng 5/2021 giảm 1,12% do cùng thời điểm này năm 2020, giá thịt lợn ở mức cao vì nguồn cung thiếu khi chịu ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi. Đồng thời các quán ăn, nhà hàng mở cửa trở lại sau thời gian thực hiện giãn cách xã hội nên nhu cầu thực phẩm tăng làm giá các mặt hàng thực phẩm tăng cao. Nhóm bưu chính, viễn thông có chỉ số giá giảm nhiều nhất với 0,88% do giá các loại điện thoại giảm.

Còn so với tháng 12/2020, CPI tháng 5/2021 tăng 1,43%. Trong đó có 9 nhóm hàng tăng giá, có 2 nhóm hàng giảm giá là nhóm bưu chính, viễn thông và nhóm văn hóa, giải trí và du lịch giảm lần lượt 0,55% và 0,17%. Nhóm giao thông tháng 5/2021 tăng cao nhất với 7,98% do giá xăng, dầu trong nước từ đầu năm đến nay đã điều chỉnh 8 đợt.

VÀNG TĂNG, USD GIẢM

Cũng theo Tổng cục Thống kê, trong một số nhóm hàng chính tháng 5, chỉ số giá vàng có mức tăng cao nhất, tăng 1,68%. Giá vàng trong nước biến động cùng chiều với giá vàng thế giới. Tính đến ngày 25/5/2021, bình quân giá vàng thế giới ở mức 1.837 USD/ounce, tăng 4,38% so với tháng 4/2021.

Còn các đồng tiền kỹ thuật số sụt giá mạnh. Nên dòng tiền có xu hướng đổ vào thị trường vàng. Đồng USD và lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm tiếp tục giảm là những yếu tố tạo đà cho vàng tăng giá.

Bên cạnh đó, giới đầu tư lo ngại về tình hình tài chính của Mỹ và các nước châu Âu cũng làm tăng tính hấp dẫn của vàng. Trong nước, chỉ số giá vàng tháng 5/2021 tăng 1,68% so với tháng trước; giảm 0,88% so với tháng 12/2020 và tăng 13,02% so với cùng kỳ năm 2020. Như vậy, bình quân 5 tháng đầu năm 2021, chỉ số giá vàng tăng 19,24%.

Ngược lại, chỉ số giá đôla Mỹ tháng 5 giảm 0,21%. Đồng USD trên thị trường thế giới giảm do giới đầu tư lo ngại về lạm phát của Mỹ gia tăng. Tính đến ngày 25/5/2021, chỉ số Đôla Mỹ trên thị trường quốc tế đạt mức 90,39 điểm, giảm 1,36 điểm so với tháng trước.

Trong nước, lượng dự trữ ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam bảo đảm đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp nhập khẩu, giá USD bình quân trên thị trường tự do quanh mức 23.160 VND/USD. Chỉ số giá Đôla Mỹ tháng 5/2021 giảm 0,21% so với tháng trước; giảm 0,02% so với tháng 12/2020 và giảm 1,15% so với cùng kỳ năm 2020. Bình quân 5 tháng đầu năm 2021 giảm 0,85%.

Giữa bão giá nguyên liệu, vì sao CPI 5 tháng vẫn thấp nhất 5 năm? - Ảnh 2

Tất cả những yếu tố trên khiến lạm phát cơ bản tháng 5/2021 tăng 0,15% so với tháng trước, tăng 1,13% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 5 tháng đầu năm 2021, lạm phát cơ bản tăng 0,82% so với cùng kỳ năm 2020, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 1,29%).

“Điều này phản ánh biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực, giá xăng, dầu và giá gas tăng. Mức lạm phát cơ bản tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2021 so với cùng kỳ năm trước đều là mức thấp nhất trong 5 năm trở lại đây”, Tổng cục Thống kê nhận định.

DOANH THU DU LỊCH, LỮ HÀNH GIẢM MẠNH

Cũng do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp ở một số địa phương đã làm ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động thương mại, dịch vụ trong tháng. Nhiều cơ sở lưu trú, ăn uống, lữ hành phải tạm đóng cửa.

Do vậy, ước tính tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 5 giảm 3,1% so với tháng trước và giảm 1% so với cùng kỳ năm trước. Nếu tính chung 5 tháng đầu năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 7,6%.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 5 ước tính đạt 393,6 nghìn tỷ đồng, giảm 3,1% so với tháng trước và giảm 1% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 318,2 nghìn tỷ đồng, giảm 1,7% và tăng 0,5%. Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 34,3 nghìn tỷ đồng, giảm 13,4% và giảm 11,8%. Đặc biệt, doanh thu du lịch lữ hành chỉ đạt 387 tỷ đồng, giảm 53,5% và giảm 17,8%. Doanh thu từ các dịch vụ khác đạt 40,7 nghìn tỷ đồng, giảm 3,9% và giảm 2,7%.

Tính chung 5 tháng đầu năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 2.086,1 nghìn tỷ đồng, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 6,27% (cùng kỳ năm 2020 giảm 6,56%).

Doanh thu bán lẻ hàng hóa 5 tháng đầu năm 2021 ước tính đạt 1.670,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 80,1% tổng mức và tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2020 tăng 3,1%). Trong đó, phương tiện đi lại tăng 11,3%; lương thực, thực phẩm tăng 9%; may mặc tăng 7,5%; vật phẩm văn hoá, giáo dục tăng 6,9%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 2%.

Nếu nhìn vào các địa phương, thấy doanh thu bán lẻ hàng hóa trong 5 tháng đầu năm 2021 của Cần Thơ tăng 10,7%; Hải Phòng tăng 9,6%; Thành phố Hồ Chí Minh tăng 7,9%; Hà Nội tăng 7,6%.

Đáng chú ý, do ảnh hưởng của Covid-19, dịch vụ du lịch lữ hành chịu tác động nhiều nhất. Doanh thu du lịch lữ hành 5 tháng đầu năm 2021 ước tính đạt 4,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 0,2% tổng mức và giảm 48,2% so với cùng kỳ năm trước.

Điều này dễ hiểu do Việt Nam tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, chưa mở cửa du lịch quốc tế đồng thời người dân vẫn lo lắng về dịch bệnh nên hạn chế đi du lịch.

Một số địa phương có doanh thu du lịch lữ hành 5 tháng đầu năm 2021 giảm nhiều so với cùng kỳ năm trước, như Khánh Hòa giảm 85,6%; Quảng Nam giảm 68,4%; Thừa Thiên - Huế giảm 48,8%; Thành phố Hồ Chí Minh giảm 46,7%; Bắc Ninh giảm 38,1%; Bình Định giảm 33%; Hà Nội giảm 29,7%; Quảng Ninh giảm 16,6%; Hải Phòng giảm 14,3%; Cần Thơ giảm 13,6%.