16:00 30/10/2023

Giúp doanh nghiệp vượt qua thách thức chuyển đổi số

Song Hà

Để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nền kinh tế số, cần cả vai trò của Nhà nước và tinh thần chủ động, đổi mới, sáng tạo của cộng đồng doanh nghiệp, nắm bắt kịp thời các công nghệ mới, chủ động đầu tư cải tiến công nghệ, nghiên cứu, học hỏi và ứng dụng những mô hình, phương thức kinh doanh mới...

Chuyển đổi số là quá trình tự thân, doanh nghiệp phải tự làm. Ảnh minh hoạ.
Chuyển đổi số là quá trình tự thân, doanh nghiệp phải tự làm. Ảnh minh hoạ.

Kết quả khảo sát từ Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy: đa phần doanh nghiệp đã nhận thức và ý thức được việc cần thiết phải chuyển đổi số, nhưng thực hiện chuyển đổi số lại chưa như kỳ vọng. Nguyên nhân chính là được chỉ ra là khó khăn về nguồn lực tài chính, nhân sự, chiến lược…

ĐẠI ĐA SỐ DOANH NGHIỆP CHƯA THỰC SỰ BẮT TAY VÀO CUỘC

Tại diễn đàn “Nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp trong nền kinh tế số”, các chuyên gia đã chỉ ra phần lớn doanh nghiệp ở nước ta có quy mô nhỏ và siêu nhỏ (chiếm tới 97%) nên trình độ quản trị và công nghệ lạc hậu, khả năng cạnh tranh và hiệu quả hoạt động thấp.

Nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất vẫn đang sử dụng công nghệ lạc hậu so với mức trung bình của thế giới. Cùng với đó là những khó khăn về thị trường; môi trường pháp lý, môi trường cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh và hội nhập quốc tế; kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, nhất là hạ tầng kỹ thuật, công nghệ thông tin; chi phí dịch vụ, kho vận cao; tâm lý, tập quán và thói quen tiêu dùng của nhân dân và khả năng của khách hàng; bảo đảm an ninh mạng, bảo mật, an toàn thông tin…

Theo bà Bùi Thị Hải Yến, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Hanel, chuyển đổi số được nhắc tới rất nhiều nhưng đến thời điểm này đại đa số doanh nghiệp chưa thực sự bắt tay vào cuộc. Có hiện tượng khá phổ biến là không ít doanh nghiệp nhận thấy có những ứng dụng trước kia chưa làm như làm việc trực tuyến, sử dụng hệ thống phần mềm tổng hợp…, thì nay thử áp dụng. Kết quả là có doanh nghiệp thấy hiệu quả, hài lòng, nhưng cũng có doanh nghiệp thấy không hiệu quả và ngừng lại.

Đáng chú ý, theo Báo cáo thường niên năm 2022 của Cục Phát triển doanh nghiệp, tỷ lệ doanh nghiệp trong nước đã ngừng áp dụng chuyển đổi số lên tới gần 50%. Ngoài lý do giải pháp chưa phù hợp hay không còn nhu cầu, còn một lý do đáng chú ý khác cho thực trạng này là các doanh nghiệp chưa xác định được mục tiêu và chiến lược chuyển đổi số đúng đắn, cũng như thiếu nhân sự phục vụ chuyển đổi số cả về lượng và chất. Điều này thể hiện rõ khi chỉ có một phần nhỏ doanh nghiệp được hỏi đã hoàn thành xác định mục tiêu chuyển đổi số và đã từng bước xây dựng kế hoạch trong ngắn, dài hạn.

Kết quả khảo sát cũng cho thấy chưa đến 40% doanh nghiệp có ngân sách để đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số từ mức trung bình đến đầy đủ để tiếp nhận các tư vấn và giải pháp. Trong khi đó, có đến gần 45% doanh nghiệp được hỏi có dự toán ngân sách đầu tư cho chuyển đổi số nhưng không đáp ứng đủ nhu cầu thực tế.

Thậm chí có tới 20% doanh nghiệp hoàn toàn không có dự toán ngân sách đầu tư cho chuyển đổi số. Trên thực tế, việc thiếu ngân sách dành cho chuyển đổi số cũng là thách thức phổ biến tại các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa.

“Không ít doanh nghiệp đang nhầm lẫn giữa tự động hóa (kết quả của ứng dụng công nghệ thông tin) với thông minh hóa (kết quả ứng dụng công nghệ số). Nhiều sản phẩm được doanh nghiệp sử dụng không làm thay đổi phương thức sản xuất của doanh nghiệp mà chỉ cải thiện thêm cho phương thức sản xuất hiện có”, bà Yến nhận định.

Trong khi đó, bà Đinh Thị Thuý, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần MISA, lại cho rằng doanh nghiệp đang sử dụng các giải pháp rời rạc, mỗi bộ phận, phòng ban dùng một giải pháp khác nhau nên không kết nối được với nhau. Bên cạnh đó, khi doanh nghiệp muốn thay thế một ứng dụng giải pháp mới thì khó có thể kế thừa dữ liệu lịch sử rất quan trọng ở ứng dụng cũ. Ngoài ra là vấn đề chi phí cao. Cuối cùng là doanh nghiệp nhỏ và vừa luôn trong tình trạng thiếu tài sản đảm bảo, khó tiếp cận vốn vay.

NHÀ NƯỚC CẦN SÁT CÁNH CÙNG DOANH NGHIỆP

Muốn nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam trong nền kinh tế số, theo bà Yến, trước tiên và quan trọng nhất là nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp về bản chất thực sự của chuyển đổi số. Chỉ khi hiểu đúng thì mới làm đúng. Đặc biệt, giúp doanh nghiệp hiểu rõ chuyển đổi số là quá trình tự thân, doanh nghiệp phải tự làm.

“Các chuyên gia công nghệ số chỉ cung cấp phương pháp và công cụ thực hiện, còn lại là doanh nghiệp tự lựa chọn con đường chuyển đổi, hướng tới thông minh hóa sản xuất kinh doanh và quản lý doanh nghiệp của mình. Đây là quá trình dài và không có điểm dừng, doanh nghiệp chuyển dần từ thấp lên cao tùy thuộc vào mức độ trưởng thành số của mình”, bà Yến nhấn mạnh.

Đồng thời, bà Yến đề xuất tham vấn cho các doanh nghiệp lựa chọn một số công cụ và dịch vụ số (như nền tảng số, giải pháp kho thông minh, trợ lý số…) có thể giúp họ làm quen với phương thức sản xuất kinh doanh mới và kiểm chứng được ngay hiệu quả thông qua việc so sánh với cách làm hiện thời.

Thứ hai, Nhà nước cần sát cánh cùng doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi số, khuyến khích và hỗ trợ xây dựng một số mô hình mẫu về doanh nghiệp chuyển đổi số, ưu tiên một số lĩnh vực mà Nhà nước đã chọn trong chiến lược phát triển kinh tế số quốc gia, như nông nghiệp, công nghiệp chế biến, thương mại, du lịch và logistics...

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 44-2023 phát hành ngày 30-10-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Giúp doanh nghiệp vượt qua thách thức chuyển đổi số - Ảnh 1