07:00 04/03/2024

Gỡ điểm nghẽn để Công viên phần mềm số 2 Đà Nẵng đi vào hoạt động

Ngô Anh Văn

Dự án Khu Công viên phần mềm số 2, toạ lạc trên địa bàn quận Hải Châu, tuy đã hoàn thành thi công phần thô và xây dựng cơ sở hạ tầng gần 2 năm qua nhưng vẫn chưa được đưa vào sử dụng, do gặp vướng mắc về pháp lý...

 Toàn cảnh các khối nhà Khu Công viên phần mềm số 2 Đà Nẵng. Ảnh Ngô Anh Văn.
Toàn cảnh các khối nhà Khu Công viên phần mềm số 2 Đà Nẵng. Ảnh Ngô Anh Văn.

Sau khi có kiến nghị của TP. Đà Nẵng, ngày 01/02/2024, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã ký ban hành Nghị định số 09/2024/NĐ-CP của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 144/2016/NĐ-CP, là cơ sở để Đà Nẵng tháo gỡ vướng mắc, hoàn thiện sớm đưa công trình nghìn tỷ vào sử dụng.

GỠ ĐIỂM NGHẼN PHÁP LÝ

Dự án đầu tư xây dựng Công viên phần mềm số 2 có tổng mức đầu tư gần 800 tỷ đồng được UBND TP. Đà Nẵng phê duyệt tại Quyết định số 1565/QĐ-UBND ngày 04/5/2020, sau đó được điều chỉnh mức đầu tư lên gần 1.000 tỷ đồng. Công trình được xây dựng trên khu đất gần 29.000 m2 thuộc địa bàn quận Hải Châu, là dự án trọng điểm của TP. Đà Nẵng, được triển khai từ năm 2020. Sau nhiều lần tổ chức đấu giá theo hình thức thu hút đầu tư không thành công, UBND TP. Đà Nẵng đã quyết định đầu tư từ nguồn ngân sách thành phố.

Công trình gồm khối tòa nhà Văn phòng ICT 20 tầng; 02 khối Văn phòng kết hợp trụ sở 8 tầng gồm ICT1 và ICT2 cùng hệ thống sân bãi, đường giao thông nội bộ, cảnh quan cây xanh, hệ thống thoát nước, điện chiếu sáng…

Theo dự kiến, sau khi hoàn thành dự án, Công viên phần mềm số 2 Đà Nẵng sẽ đáp ứng cho khoảng 6.000 vị trí việc làm trực tiếp về công nghệ thông tin, sản phẩm công nghệ số... Tuy nhiên, mặc dù công trình đã cơ bản hoàn chỉnh phần xây dựng hạ tầng hơn 2 năm qua nhưng phải tạm dừng chưa thể đưa vào hoạt động do vướng mắc về hành lang pháp lý. 

“Là kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phục vụ cho phát triển công nghệ thông tin của TP. Đà Nẵng được đầu tư bằng nguồn ngân sách Nhà nước nên Công viên phần mềm số 2 là tài sản công do Nhà nước quản lý. Nhưng, quy định của pháp luật về hành lang pháp lý của tài sản là kết cấu hạ tầng công thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin mà cụ thể là quy định về quản lý, sử dụng tài sản và khai thác công viên phần mềm thời gian qua vẫn chưa được Chính phủ ban hành. Đây là vướng mắc chính- là “điểm nghẽn” đối với dự án này cần được tháo gỡ", ông Lê Sơn Phong, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng, cho biết trong một cuộc họp báo do UBND TP. Đà Nẵng tổ chức.

Cũng theo ông Phong, từ năm 2022, TP. Đà Nẵng đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành, cơ quan liên quan xem xét, giúp thành phố tháo gỡ vướng mắc về vấn đề pháp lý để hoàn thiện công trình sớm đưa vào khai thác hiệu quả sử dụng, tránh lãng phí nguồn vốn đầu tư. Đến ngày 21/3/2023, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho phép thành phố bổ sung nội dung này vào quy định cơ chế đặc thù của TP. Đà Nẵng và thực hiện theo hướng xây dựng nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 144/2016/NĐ-CP của Chính phủ về quy định một số cơ chế đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý đối với TP. Đà Nẵng.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, quá trình xây dựng nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 144/2016/NĐ-CP của Chính phủ, Bộ Tài chính đã 2 lần lấy ý kiến các Bộ, ngành; phía TP. Đà Nẵng đã 3 lần có văn bản giải trình, kiến nghị, đề xuất những vấn đề liên quan đến Dự án Công viên phần mềm số 2 Đà Nẵng…

Từ kiến nghị của TP. Đà Nẵng và các ý kiến tham mưu của các Bộ, ngành, Thủ tướng Chính phủ thống nhất tháo gỡ vướng mắc cho dự án khu Công viên phần mềm số 2, thể hiện bằng việc Chính phủ đã ban hành Nghị định số 09/2024/NĐ-CP ngày 01/02/2024, bổ sung Điều 9a về đầu tư, quản lý, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng thông tin là Khu công nghệ thông tin tập trung Công viên phần mềm Đà Nẵng.

Theo đó, Khu công nghệ thông tin tập trung Công viên phần mềm Đà Nẵng do UBND TP. Đà Nẵng đầu tư theo quy định của pháp luật về ngân sách Nhà nước, pháp luật về đầu tư là tài sản kết cấu hạ tầng thông tin. HĐND TP. Đà Nẵng được xem xét, quyết định việc đầu tư, nâng cấp, mở rộng, phát triển tài sản kết cấu hạ tầng thông tin đối với Khu công nghệ thông tin tập trung Công viên phần mềm Đà Nẵng. Cơ quan quản lý Nhà nước đối với Khu công nghệ thông tin tập trung Công viên phần mềm Đà Nẵng là UBND TP. Đà Nẵng…

Những nội dung mới bổ sung nghị định tập trung vào việc quản lý, khai thác Khu công nghệ thông tin tập trung Công viên phần mềm Đà Nẵng như: nguyên tắc quản lý, khai thác; đối tượng, trình tự, thủ tục bàn giao, tiếp nhận tài sản kết cấu hạ tầng thông tin là Khu công nghệ thông tin tập trung Công viên phần mềm Đà Nẵng; việc lập và tổ chức thực hiện đề án khai thác tài sản kết cấu hạ tầng thông tin là Khu công nghệ thông tin tập trung Công viên phần mềm Đà Nẵng.

Như vậy, Nghị định số 09/2024/NĐ-CP của Chính phủ vừa ban hành đã xác định cơ chế cụ thể, rõ ràng trong việc xác định tài sản hình thành sau đầu tư là tài sản kết cấu hạ tầng thông tin và quy định chi tiết về quản lý, sử dụng, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng thông tin do Nhà nước đầu tư, quản lý.

MỞ RỘNG KHÔNG GIAN PHÁT TRIỂN PHẦN MỀM, ĐỔI MỚI SÁNG TẠO

Nghị định số 09/2024/NĐ-CP đã tháo gỡ “điểm nghẽn”, tạo điều kiện cho TP. Đà Nẵng đưa vào sử dụng, khai thác dự án Công viên phần mềm số 2 giúp hỗ trợ các doanh nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông; mở rộng không gian phát triển phần mềm cũng như các chính sách liên quan nhằm hỗ trợ nghiên cứu phát triển chuyển đổi số, phát triển không gian đổi mới sáng tạo tại Công viên phần mềm số 2 Đà Nẵng.

Ông Lê Sơn Phong, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng, cho biết sau khi Nghị định số 09/2024/NĐ-CP của Chính phủ ban hành có hiệu lực, UBND TP. Đà Nẵng chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng tập trung thực hiện khẩn trương hai việc chính, đó là: Triển khai đầu tư hoàn thiện dự án Khu Công viên phần mềm số 2; lập Đề án khai thác tài sản kết cấu hạ tầng thông tin là Khu công nghệ thông tin tập trung Công viên phần mềm Đà Nẵng. Cả hai việc này được hai đơn vị (Ban Quản lý dự án và Sở Thông tin và Truyền thông) thực hiện song song để sớm hoàn thành và kịp đưa dự án vào hoạt động, khai thác, đáp ứng nhu cầu đăng ký sử dụng trong không gian phần mềm để hỗ trợ phát triển doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin hiện đã vượt quá khả năng cung ứng của thành phố.

Theo kế hoạch, trong năm 2024, TP. Đà Nẵng quyết tâm hoàn thành các công việc, thủ tục để đưa tòa nhà ICT1 vào hoạt động trước, sau đó tiếp tục triển khai lắp đặt trang, thiết bị cho 2 tòa nhà ICT và ICT 2 để đưa vào hoạt động trong thời gian sớm nhất.

Được biết, trong năm 2023, Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng đã nhận được nhiều yêu cầu của các doanh nghiệp trong và ngoài nước về mở rộng không gian phát triển phần mềm cũng như các chính sách liên quan nhằm hỗ trợ chuyển đổi số, phát triển không gian sáng tạo tại Công viên phần mềm số 2.

Vừa qua, trong buổi gặp gỡ doanh nghiệp trong và ngoài nước đang hoạt động trên địa bàn thành phố, ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Đà Nẵng, một lần nữa khẳng định: Đà Nẵng là địa phương có nhiều khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung, công viên phần mềm nhất ở khu vực miền Trung. Cùng với nguồn nhân lực chất lượng cao, hạ tầng giao thông đô thị thuận lợi, phát triển, có thể nói Đà Nẵng đã đặt những viên gạch đầu tiên trong hành trình thực hiện giấc mơ biến Đà Nẵng thành "một Silicon Valley của Đông Nam Á".

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Đà Nẵng cũng thông tin đến các doanh nghiệp về chủ trương của thành phố là phát triển mạnh công nghiệp công nghệ cao và công nghệ thông tin, gắn với xây dựng đô thị khởi nghiệp sáng tạo, thành phố thông minh là một trong 3 định hướng trọng tâm của Đà Nẵng trong những năm tới. Trong đó, đặc biệt chú trọng thu hút các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao.

“Đà Nẵng kỳ vọng sẽ thu hút thêm nhiều nguồn lực, nhiều chuyên gia cả trong nước và quốc tế đến thành phố, góp phần tạo ra một cộng đồng các chuyên gia, sớm hình thành những sản phẩm đẳng cấp quốc tế, đủ năng lực cạnh tranh và là lựa chọn hàng đầu của các khách hàng trên toàn cầu”, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Đà Nẵng nhấn mạnh.

Đồng thời, lãnh đạo UBND TP. Đà Nẵng cũng cam kết Đà Nẵng sẽ tạo điều kiện, môi trường thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp; đồng thời, sẽ tiếp tục xây dựng và kiến nghị với Trung ương bổ sung các cơ chế, chính sách để khuyến khích đầu tư, nhất là các điều kiện để hình thành trung tâm tài chính; trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; trung tâm nghiên cứu và phát triển tại Đà Nẵng.