Gỡ vướng cho sản xuất nông nghiệp Thủ đô
Những băn khoăn, kiến nghị của nông dân đã được Bí thư Thành ủy Hà Nội tiếp thu, giải đáp và chỉ đạo hướng giải quyết
Ngày 27/2 tại huyện Chương Mỹ, ông Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội gặp gỡ, tiếp xúc với nông dân.
Tại buổi gặp gỡ, đại diện cho nông dân, các hợp tác xã Thủ đô đã phát biểu ý kiến, đề xuất, kiến nghị với Thành ủy, UBND thành phố nhằm góp phần giải quyết nhu cầu về vốn cho phát triển sản xuất, kinh doanh; các khó khăn khi làm các thủ tục hành chính, tiêu thụ nông sản; vấn đề ô nhiễm môi trường nước sản xuất nông nghiệp...
Ông Nguyễn Văn Luân, Hội viên Hội Nông dân xã Cổ Đông, thị xã Sơn Tây nêu vấn đề: "Từ thực tế tổ chức khu chăn nuôi 70.000-80.000 con lợn từ năm 2010, tôi gặp nhiều khó khăn về thủ tục vay ngân hàng. Khi đó, ngân hàng nêu ra tiêu chí vay vốn phải có sổ đỏ nhưng tại xã, số hộ có sổ đỏ chỉ đếm trên đầu ngón tay. Khi đi làm các thủ tục, tôi cũng gặp nhiều khó khăn về giấy tờ".
Vì vậy, ông Luân đề nghị, Phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã bãi bỏ bớt các giấy phép con bởi nếu không, nhiều hộ chăn nuôi sẽ lâm vào cảnh không thể hoạt động, dẫn đến vỡ nợ.
Tiếp thu ý kiến này, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, Nguyễn Minh Mười khẳng định, đó là thiếu sót của cán bộ tài nguyên môi trường cấp cơ sở khi không hướng dẫn cụ thể về thủ tục cho người dân. Sở sẽ cho kiểm tra cụ thể.
Một số đại biểu khác kiến nghị về tình trạng nước thải gây ô nhiễm ảnh hưởng đến nguồn nước sản xuất, đặc biệt là tình trạng ô nhiễm sông Đáy, sông Nhuệ, sông Vân Đình...
Đại diện Hội Nông dân huyện Ứng Hòa đề nghị thành phố xây dựng trạm kiểm soát nước thải, xử lý triệt để cơ sở gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến người dân; khuyến khích sự tham gia của cộng đồng trong giám sát ô nhiễm nguồn nước...
Ông Nguyễn Xuân Đại, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội giải đáp, Hà Nội đang triển khai xây dựng trạm bơm Liên Mạc để lấy nước sông Hồng vào cải tạo môi trường sông Nhuệ, nạo vét sông Nhuệ từ Liên Mạc đến Hà Đông. Đối với hệ thống sông Đáy, ngoài các dự án xử lý môi trường nước thải, thành phố đang triển khai 2 dự án: nạo vét dòng dẫn sông Đáy và tiếp nước cải tạo sông Tích.
Tuy nhiên, để làm ngay và có hiệu quả nhanh thì cần khối lượng tiền khổng lồ.
Về kiến nghị của nông dân cần có chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp hữu cơ, theo ông Đại, các chính sách hỗ trợ mới đang được thành phố soạn thảo. Đối với tích tụ đất đai, ngành nông nghiệp Hà Nội đã đi học tập tham quan cách làm ở một số địa phương và tham mưu cho UBND thành phố tiến hành thí điểm ở một số nơi.
"Có 2 cách khả thi, là những hộ nông dân có đất thì góp đất vào hợp tác xã cùng sản xuất quy mô lớn; hoặc nông dân cho doanh nghiệp thuê đất. Nhưng nông dân băn khoăn chưa dám cho doanh nghiệp thuê lâu dài, hầu hết chỉ mới đồng ý cho thuê 5 năm. Với thời gian ngắn như vậy, doanh nghiệp cũng chưa dám đầu tư", ông Đại nói.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cho biết, năm 2008 khi diện tích Thủ đô vừa mới mở rộng, tỷ lệ dân ở khu vực nông nghiệp nông thôn chiếm tới 60%. Đến nay sau 10 năm, tỷ lệ này chỉ còn chiếm 38%.
Nếu để số lượng lao động nông nghiệp quá lớn sẽ khó phát triển, vì vậy thành phố đã đưa ra những nghị quyết, chính sách cho phát triển nông nghiệp. Nhờ vậy, tỷ lệ nông nghiệp trong cơ cấu kinh tế của thành phố đã giảm nhanh, hiện chỉ còn chiếm 2,94%; cơ cấu chăn nuôi trong nông nghiệp tăng nhanh, cơ cấu trồng trọt giảm.
Năm 2017, thu nhập bình quân trên một ha đất nông nghiệp của Hà Nội đã đạt 239 triệu đồng/ha, trở thành địa phương đạt thu nhập trong nông nghiệp cao nhất cả nước.
Bí thư Thành ủy Hà Nội cho rằng, nhiều chính sách về nông nghiệp vừa được Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn liệt kê ra rất đầy đủ nhưng nông dân nói thủ tục hành chính còn rất phức tạp.
Do vậy phải đánh giá lại hiệu quả của các chính sách. Đối với vấn đề nông dân kêu thiếu vốn, ông nếu quan điểm: cứ kêu thành phố hỗ trợ vốn, trong khi có nguồn tiền vô cùng lớn ở các doanh nghiệp thì nông dân lại không quan tâm. Nhiều doanh nghiệp muốn liên kết, hợp tác với nông dân, nhưng nông dân thờ ơ.
"Vừa rồi, tôi đến tham quan mô hình bà con nông dân góp ruộng, cho doanh nghiệp thuê lại ruộng. Bà con trồng lúa thì mỗi ha chỉ cho thu nhập 30 triệu đồng/năm, nhưng cho doanh nghiệp thuê lại thì được trả 120 triệu đồng/ha, đấy là chưa tính đến nông dân được doanh nghiệp nhận vào làm việc. Nhà nước hỗ trợ nông dân bằng chính sách, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, liên kết, chuyển giao công nghệ, chứ không thể cấp vốn cho nông dân", ông Hải nhấn mạnh.