Hạ nhiệt giá thép, cổ phiếu xây dựng rục rịch tăng, nhóm thép “bay màu”
Phiên giao dịch cuối tuần thể hiện rõ rệt hai thái cực khác nhau, cổ phiếu xây dựng bật tăng trở lại, còn nhóm thép tạm thời quay đầu giảm…
Kết thúc phiên giao dịch 14/5, VN-Index tăng 4,37 điểm (+0,35%) lên 1266.36 điểm, HNX tăng 7,69 điểm (+2,68%) lên 294.72 điểm, nhóm ngành Chứng khoán, Ngân hàng và Xây dựng đóng góp nhiều nhất vào đà tăng chỉ số VN-Index. Riêng nhóm Xây dựng có 3 mã kịch trần và 29 mã tăng.
Giới đầu tư kỳ vọng cổ phiếu xây dựng bật tăng trở lại từ một hai phiên trước đó nhưng cuối tuần thị trường mới thể hiện. CTD vẫn giảm nhưng HBC của Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình đã tăng 0,65% lên 15.500 đồng. Sau chuỗi ngày miệt mài leo dốc từ đầu năm, phiên 5/4 HBC đạt 19.000 đồng, đây là mức giá cao nhất trong vòng 2 năm qua. Tuy nhiên, ngay sau đó, HBC quay đầu sụt giảm 20% và đang ở trạng thái đi ngang tích luỹ.
Cùng chịu áp lực từ giá thép (chiếm 20% giá trị trong công trình xây dựng) tăng điên đảo nguy cơ bào mòn lợi nhuận nhà thầu xây dựng, HTN của Hưng Thịnh Icons cũng lao đầu giảm suốt từ giữa tháng 4. Tính đến phiên 13/4, thị giá HTN đã giảm từ 46.900 đồng xuống 39.100 đồng, tương ứng giảm 15% nhưng đã dần hồi phục, giá đóng cửa phiên cuối tuần 14/5 tăng 0,51% lên 39.300 đồng/cổ phiếu.
Tương tự, cổ phiếu VCG của Công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam cũng tăng 0,43%, giao dịch ở mức giá 46.400 đồng/cổ phiếu. THD của Công ty CP Thaiholdings tiếp tục tăng 1,52% được mua bán mức giá 193.600 đồng/cổ phiếu. REE của Công ty CP Cơ Điện lạnh tiếp tục tăng 1,82%, chốt phiên giao dịch cuối tuần thị giá REE 56.000 đồng, tăng 12% kể từ cuối tháng 4...
Cổ phiếu xây dựng đồng loạt tăng được cho là nhờ thông tin giá quặng sắt nguyên liệu đầu vào sản xuất thép đã giảm sau chuỗi ngày tăng liên tiếp.
Cụ thể, theo Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương), phiên giao dịch 14/5, giá quặng sắt tại Trung Quốc giảm 9,5% từ mức cao kỷ lục lịch sử của phiên liền trước, kết thúc chuỗi những ngày liên tiếp lập những mức cao kỷ lục mới. Giá quặng sắt kỳ hạn tháng 9/2021 trên sàn Đại Liên giảm 7,5% xuống 1.217 nhân dân tệ (188,66 USD)/tấn, sau khi chạm 1.190 nhân dân tệ /tấn trong đầu phiên giao dịch và rời khỏi chuỗi tăng 5 phiên liên tiếp.
Đối với thép, trên sàn Thượng Hải giá thép cây kỳ hạn tháng 10/2021 giảm 2,9% xuống 5.915 nhân dân tệ /tấn. Giá thép cuộn cán nóng giảm 2,5% xuống 6.438 nhân dân tệ /tấn. Giá thép không gỉ kỳ hạn tháng 6/2021 giảm 2% xuống 15.260 nhân dân tệ/tấn.
Bên cạnh đó, trong nước cơ quan quản lý đã có nhiều quyết sách hạ giá thép. Cụ thể, Bộ Công Thương đề nghị Hiệp hội Thép Việt Nam và các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thép khẩn trương rà soát, xem xét các vấn đề liên quan đến nguyên liệu đầu vào, tiết giảm các chi phí sản xuất nhằm hạ giá thành sản phẩm.
Đồng thời có biện pháp tăng công suất sản xuất thép để đáp ứng tối đa nhu cầu trong nước, hạn chế xuất khẩu các mặt hàng, sản phẩm thép trong nước đang có nhu cầu. Rà soát các đại lý phân phối trong việc cung cấp hàng đến các hộ tiêu thụ, người tiêu dùng, tránh các hiện tượng găm hàng, đẩy giá và cạnh tranh không lành mạnh.
Trong khi đó, ở chiều ngược lại, nhóm cổ phiếu thép đã chìm trong sắc đỏ với hàng loạt mã quay giảm mạnh, tạm thời chấm dứt những ngày leo dốc không mệt mỏi.
Trong nhóm VN30, HPG của Tập đoàn HPG giảm 0,2% xuống còn 61.400 đồng/cổ phiếu. HSG của Tập đoàn Hoa Sen bốc hơi 1,6% xuống còn 36.800 đồng/cổ phiếu; NKG của Thép Nam Kim cũng “bay màu” 3,93% còn 30.550 đồng/cổ phiếu; TLH của Thép Tiến Lên cũng giảm 5,19% còn 19.200 đồng/cổ phiếu; POM của Thép Pomina giảm 3,76% còn 19.200 đồng/cổ phiếu…
Trong báo cáo thị trường mới đây, chứng khoán Yuanta nhận định, tháng 5, nhóm cổ phiếu kim loại và ngân hàng tiếp tục dẫn dắt xu hướng của thị trường. Tuy nhiên, dư địa tăng trưởng của nhóm cổ phiếu kim loại sẽ không còn nhiều. VN-Index có thể điều chỉnh và kiểm định vùng hỗ trợ 1.180 – 1.200 điểm.