14:38 04/07/2017

Hà Nội chính thức cấm xe máy tại các quận từ năm 2030

Kiều Linh

Đề án quản lý phương tiện giao thông chính thức được Hội đồng Nhân dân Tp.Hà Nội thông qua sáng 4/7

Hà Nội chính thức thông qua đề án cấm xe máy từ năm 2030.
Hà Nội chính thức thông qua đề án cấm xe máy từ năm 2030.
Tại phiên họp sáng 4/7, kỳ họp thứ 4, với 95/96 số đại biểu có mặt tán thành, Hội đồng Nhân dân Tp.Hà Nội đã thông qua Nghị quyết về đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn 2017-2020 tầm nhìn 2030”.

“Lộ trình 13 năm để hạn chế xe máy là phù hợp”

Nghị quyết về quản lý phương tiện giao thông, giảm ùn tắc và ô nhiễm môi trường giai đoạn 2017 - 2020 tầm nhìn 2030 nhận được sự quan tâm đặc biệt của các đại biểu HĐND Tp.Hà Nội với 10 ý kiến tham gia liên tục trong 2 tiếng.

Theo ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, giai đoạn 2011 - 2016, tốc độ tăng trưởng về chiều dài đường đô thị là 3,85%/năm, về diện tích đường đô thị là 0,25%/năm. Trong khi đó, phương tiện giao thông đường bộ tăng lên quá nhanh, gây áp lực ùn tắc giao thông ngày càng nghiêm trọng. Bên cạnh đó, tình hình ô nhiễm môi trường không khí trên địa bàn thành phố Hà Nội diễn biến phức tạp.

“Nếu không có các biện pháp quản lý kịp thời thì trong tương lai, tình trạng ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường sẽ trở nên nghiêm trọng”, ông Viện nhấn mạnh sự cần thiết và cấp bách của đề án.

Thảo luận cho ý kiến về đề án, đại biểu Nguyễn Tiến Minh (huyện Thường Tín) cho rằng, ngoài hai mục đích của đề án là giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường thì cần bổ sung mục đích giảm tai nạn giao thông.

Đại biểu Minh cũng cho rằng, lộ trình 13 năm để hạn chế xe máy tại các quận là phù hợp bởi trong thời gian đó thành phố đã làm được nhiều việc về phát triển cơ sở hạ tầng và không gian ngầm, nhiều tuyến đường, đường sắt đô thị hoàn thành sẽ đáp ứng với mục tiêu đặt ra.

Đại biểu Nguyễn Thanh Bình (huyện Sóc Sơn) nêu ý kiến, đề án có tính đột phá và thể hiện quyết tâm lớn của Tp.Hà Nội trong quản lý phương tiện giao thông, nếu triển khai đề án Hà Nội sẽ là địa phương đi đầu, tiên phong, đột phá của cả nước.

Đề án có tầm nhìn xa so với các đề án đã triển khai, có cách đặt vấn đề dài về thời gian để trong quá trình thực hiện có thời gian chuẩn bị và tuyên truyền, nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận của người dân.

Trên cơ sở đó, đại biểu Nguyễn Thanh Bình đề nghị những nghiên cứu trong đề án cần quan tâm đến tác động quy hoạch và thiết kế đô thị bởi mục tiêu lớn nhất của đề án là xây dựng Hà Nội thành đô thị văn minh hiện đại.

Còn đại biểu Trần Việt Anh (quận Ba Đình) đề nghị sớm thông qua đề án vì nếu chậm triển khai, thành phố sẽ trở thành một bãi xe di động.

Trong khi đó, đại biểu Phạm Đình Đoàn (quận Hoàng Mai) đề xuất nên có xe buýt miễn phí bởi nếu so sánh với sự mất mát do tắc đường và ô nhiễm môi trường 1 năm thành phố mất đến nửa tỷ USD thì đầu tư cho các phương tiện công cộng là rất cần thiết.

Tuy nhiên, về giải pháp dài hạn, đại biểu Đoàn bày tỏ chưa an tâm với giải pháp thành phố đưa ra.

"Giao thông Hà Nội như một quỹ nào đó, chỉ tương đương như 1 bát cơm cho 1 người ăn nhưng bây giờ có đến 3 người ăn, rất khó giải quyết được triệt để", ông băn khoăn.

Ba giai đoạn thực hiện

Nghị quyết đã đưa ra các giải pháp tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn 2017-2020 tầm nhìn 2030.

Lộ trình thực thực hiện các giải pháp được chia thành 3 giai đoạn.

Giai đoạn 2017-2018 sẽ Tập trung thực hiện các giải pháp về quản lý phương tiện tham gia giao thông và tăng cường công tác quản lý nhà nước về giao thông vận tải.

Giai đoạn 2017-2020 sẽ tập trung thực hiện các giải pháp về quản lý số lượng, chất lượng phương tiện tham gia giao thông và phát triển vận tải hành khách công cộng. Áp dụng giải pháp hạn chế phương tiện cá nhân theo ngày chẵn, lẻ đối với những khu vực, tuyến phố ùn tắc thường xuyên, nghiêm trọng.

Giai đoạn 2017-2030 sẽ từng bước hạn chế hoạt động trên một số khu vực và thời gian, đồng thời, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để đến năm 2030 dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030.

UBND thành phố đề xuất HĐND thành phố giao UBND thành phố hoàn thiện, phê duyệt đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn 2017-2020 tầm nhìn 2030”. Xây dựng kế hoạch, phân công rõ trách nhiệm cho các cấp, các ngành trong triển khai thực hiện đảm bảo tiến độ, đồng bộ, chất lượng, hiệu quả.

Đối với những vấn đề vượt thẩm quyền, chủ động phối hợp với các bộ, ngành Trung ương xây dựng các đề án, đề xuất cụ thể để báo cáo Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các quy định của pháp luật thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành trung ương trước khi tổ chức thực hiện. Hàng năm, tổng hợp kết quả thực hiện báo cáo HĐND thành phố tại kỳ họp cuối năm.