Hà Nội cho trẻ mầm non trở lại trường học trực tiếp từ ngày 13/4
Ngày 8/4, UBND TP. Hà Nội đã có văn bản số 1052/UBND-KGVX đồng ý với đề xuất của Sở Giáo dục và Đào tạo về việc cho trẻ mầm non trở lại trường học trực tiếp và cho phép các trung tâm khác thuộc 30 quận, huyện, thị xã được tổ chức các hoạt động giáo dục từ ngày 13/4/2022...
Theo đề xuất của Sở Giáo dục và Đào tạo gửi UBND TP. Hà Nội tại Tờ trình số 917/TTr- SGDĐT ngày 8/4/2022, hiện nay tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố đang có những chuyển biến tích cực, số ca F0 là cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh đã giảm mạnh trong thời gian gần đây.
Được sự đồng ý của UBND TP, từ ngày 6/4/2022 Sở Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với Sở Y tế và UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức cho học sinh các trường Tiểu học trên địa bàn trở lại trường học. Như vậy, tính đến nay 100% học sinh phổ thông và học viên của các Trung tâm giáo dục nghề nghiệp-giáo dục thường xuyên được đi học trực tiếp với tỉ lệ học sinh đi học đạt 93,7%.
Nhằm chuẩn bị cho cấp học mầm non trở lại trường, Sở Giáo dục và Đào tạo cũng chỉ đạo phòng Giáo dục và Đào tạo các quận, huyện, thị xã lấy ý kiến cha mẹ trẻ mầm non, kết quả đã có hơn 80% phụ huynh trẻ mầm non thống nhất cho các cháu đi học trực tiếp tại trường.
Vì vậy, Sở Giáo dục và Đào tạo đề xuất phương án cho trẻ mầm non được trở lại trường học trực tiếp và cho phép các trung tâm khác thực hiện nhiệm vụ giáo dục thường xuyên trên địa bàn 30 quận, huyện, thị xã được tổ chức các hoạt động giáo dục từ ngày 13/4/2022 (thứ Tư). Các đơn vị tổ chức học trực tiếp các ngày trong tuần theo kế hoạch giáo dục của các trường, cơ sở giáo dục.
Sở Giáo dục và Đào tạo nhấn mạnh một số nguyên tắc thực hiện, đó là việc đi học trực tiếp thực hiện trên tinh thần tự nguyện, đồng thuận của cha mẹ học sinh, tổ chức hoạt động bán trú, dạy học 2 buổi/ngày.
Các trường học, các cơ sở giáo dục phải đạt yêu cầu an toàn trong phòng, chống dịch Covid- 19 theo các tiêu chí tại Hướng dẫn Liên ngành số 489/HDLN SGDĐT-SYT ngày 28/02/2022 của Sở Giáo dục và Đào tạo và Sở Y tế; chuẩn bị tốt các điều kiện về cơ sở vật chất, xây dựng kế hoạch diễn tập xử lý khi có tình huống cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh là F0; tổ chức tổng vệ sinh môi trường, khử khuẩn trước và sau buổi học.
Trong quá trình tổ chức dạy học trực tiếp, nếu xảy ra các trường hợp liên quan đến vấn đề dịch tễ, không bảo đảm an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19, nhà trường, cơ sở giáo dục chủ động xử lý theo hướng dẫn và báo cáo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch tại địa phương. Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 cấp quận/huyện/thị xã có trách nhiệm xem xét, cho dừng việc học tập trực tiếp để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho học sinh; có các kịch bản xử lý tình huống nếu xảy ra F0, F1 tại các lớp học, trường học.
Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 cấp quận/huyện/thị xã phê duyệt phương án cụ thể cho trẻ mầm non và học viên đi học trở lại của các trường, các cơ sở giáo dục trên địa bàn các xã/phường/thị trấn trực thuộc, chịu hoàn toàn trách nhiệm trước lãnh đạo thành phố về công tác phòng, chống dịch trên địa bàn.
Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương căn cứ tình hình thực tiễn dịch bệnh để quyết định và chịu trách nhiệm về việc cho học sinh đi học trở lại trên địa bàn; tiếp tục hoàn thiện, tăng cường cơ sở vật chất, nhân lực cho lực lượng y tế trường học bảo đảm y tế trường học được trang bị đầy đủ và sẵn sàng khi học sinh đến trường.
Ngoài nội dung thống nhất về nguyên tắc với đề xuất trên, UBND TP cũng đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp Sở Y tế thường xuyên cập nhật, quán triệt đầy đủ, kịp thời thông tin, quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế về việc triển khai hoạt động giáo dục và đảm bảo an toàn công tác phòng, chống dịch trong các cơ sở giáo dục đào tạo tại địa phương để hướng dẫn UBND quận, huyện, thị xã triển khai thực hiện.