11:12 15/07/2021

Hà Nội có nguy cơ thiếu điện năm 2022?

Hoài Phương

Theo kế hoạch, công trình Đường dây 500kV Tây Hà Nội - Thường Tín hoàn thành đóng điện vào tháng 3/2020; nhưng đến nay, dự án đã chậm tiến độ so với kế hoạch 16 tháng vì vướng giải phóng mặt bằng…

Công trình Đường dây 500 kV Tây Hà Nội – Thường Tín khởi công ngày 31/7/2018, là công trình năng lượng cấp đặc biệt, nhóm B do Tổng công ty Truyền tải Điện Quốc gia (EVNNPT) làm chủ đầu tư. Đường dây có chiều dài 40,7 km, điểm đầu từ trạm biến áp 500 kV Tây Hà Nội và điểm cuối là trạm biến áp 500 kV Thường Tín, đi qua các huyện: Quốc Oai, Chương Mỹ, Thanh Oai và Thường Tín.

CHẬM VÌ VƯỚNG GIẢI PHÓNG MẶT BẰNG 

Theo ông Lê Văn Khải - Phó Giám đốc NPMB, công trình sau khi hoàn thành được kỳ vọng sẽ nâng cao chất lượng điện năng, đảm bảo cung cấp điện an toàn và tin cậy cho khu vực phía Tây Thủ đô Hà Nội, giảm tải cho TBA 500kV Thường Tín và các đường dây 220kV trong khu vực; kết nối giữa TBA 500kV Tây Hà Nội và TBA 500kV Thường Tín, tạo mạch vòng liên kết lưới điện 500kV xung quanh TP. Hà Nội. Đặc biệt, đảm bảo cung cấp điện cho TP. Hà Nội vào giai đoạn mùa nắng nóng năm nay.

Tuy nhiên, hơn một năm nay, dự án vẫn vướng mắc 2 khoảng néo nên không thể thi công.

Đơn vị được giao quản lý thực hiện dự án là Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Bắc (NPMB) khẳng định rằng tiến độ thi công luôn đáp ứng với tiến độ giao mặt bằng. Phần móng và cột đều đã thi công xong 96/96 vị trí. Tuy nhiên, công trình hiện đang vướng mắc giải phóng mặt bằng tại khoảng cột 59 – 62, trên địa bàn xã Thanh Mai (huyện Thanh Oai), có 6 hộ dân có đất ở nằm trong hành lang an toàn lưới điện không nhận tiền đền bù.

Hơn 1 năm nay, dự án vẫn vướng mắc 2 khoảng néo nên không thể thi công.
Hơn 1 năm nay, dự án vẫn vướng mắc 2 khoảng néo nên không thể thi công.

Tại khoảng cột 90 - 91, trên địa bàn xã Tiền Phong (huyện Thường Tín), cũng có 7 hộ dân phải thu hồi đất nằm trong hành lang an toàn. Công tác kiểm kê, lập và công khai phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho các hộ dân đã được thực hiện xong từ tháng 11/2020, tuy nhiên, do chưa có khu tái định cư nên chưa phê duyệt được phương án bồi thường, hỗ trợ.

DẤU HIỆU CẢNH BÁO CỦA TÌNH TRẠNG THIẾU ĐIỆN 

Theo báo cáo từ Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Bắc, đến nay, khối lượng thi công đường dây 500 kV Tây Hà Nội – Thường Tín đã hoàn thành kéo dây được 90% và chỉ còn lại 10%. Nhưng, nếu việc kéo dây còn lại không sớm được giải quyết thì công trình không thể đóng điện và trạm biến áp 500 kV Tây Hà Nội cũng không thể nhận điện từ lưới 500 kV. Những mục tiêu về đáp ứng tăng trưởng phụ tải cho khu vực Nam Sông Hồng; trong đó, có Thủ đô Hà Nội, tăng cường độ an toàn, linh hoạt trong vận hành và ổn định cho Hệ thống điện Quốc gia sẽ không đạt được.

Hà Nội được cấp điện từ hệ thống điện Quốc gia qua lưới điện truyền tải cấp điện áp 220kV- 500kV và lưới điện phân phối từ cấp điện áp 110kV trở xuống. Để đảm bảo vận hành tin cậy và linh hoạt, lưới điện 110kV-220kV-500kV trên địa bàn Hà Nội có kết cấu mạch vòng, các trạm biến áp đều được cấp điện từ ít nhất hai đường dây.

Tuy nhiên, mức độ dự phòng lưới điện còn thấp, đặc biệt đối với khu vực trung tâm thành phố có mật độ phụ tải lớn nên một số đường dây, trạm biến áp mang tải cao trong giờ cao điểm. Nếu tình trạng này không được khắc phục sẽ ảnh hưởng xấu đến cung cấp điện.

Hà Nội là địa phương có phụ tải điện cho sinh hoạt quản lý tiêu dùng cao nhất trong cả nước. Đây là thành phần phụ tải diện biến động bất thường, nhạy cảm do tình hình thời tiết bốn mùa ở khu vực Bắc bộ. Yếu tố này đã gây áp lực lớn đối với đầu tư xây dựng hệ thống điện do phải đầu tư rất lớn để phủ đỉnh phụ tải nhưng chỉ khai thác tối đa trong 3 tháng mùa hè.

Trong đợt nắng nóng cuối tháng 5 đầu tháng 6-2021, Hà Nội đã ghi nhận những số liệu cao kỷ lục mới về sản lượng điện tiêu thụ và công suất. Sản lượng tiêu thụ điện ngày cao nhất đã đạt 96,2 triệu kWh; công suất đỉnh đã đạt mức cao nhất trong lịch sử là 4.662 MW. Vì vậy, EVNHANOI đã phải thực hiện giải pháp điều chỉnh và tiết giảm phụ tải trong một số thời điểm.

Đường dây 500kV Tây Hà Nội – Thường Tín đã chậm tiến độ và việc tiết giảm phụ tải trong một số thời điểm trong 2 đợt nắng nóng vừa qua chỉ là dấu hiệu cảnh báo của tình trạng thiếu điện. Nếu tiếp tục chậm, Hà Nội có thể sẽ có nguy cơ thiếu điện vào năm 2022.