Hà Nội: Dành 500 tỷ đồng cho cải tạo chung cư cũ
Theo kế hoạch 171/KH - UBND, Thành phố sẽ bố trí nguồn vốn ngân sách dự kiến khoảng 500 tỷ đồng trong giai đoạn 2021-2025 để thực hiện tổng kiểm tra, rà soát, kiểm định, đánh giá chất lượng toàn bộ các chung cư cũ...
UBND Thành phố Hà Nội vừa ban hành kế hoạch khắc phục tồn tại, hạn chế trong công tác thực hiện cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn thành phố được chỉ ra sau Hội nghị kiểm điểm năm 2020 theo tinh thần Nghị quyết TƯ 4 và thúc đẩy giai đoạn 2021 – 2025.
DÀNH 500 TỶ ĐỒNG ĐỂ RÀ SOÁT, PHÂN LOẠI
Kế hoạch nêu rõ ba yêu cầu của Thành phố.
Thứ nhất là đề xuất được một số giải pháp kịp thời nhằm giải quyết tháo gỡ được những khó khăn, vướng mắc trong thực tế triển khai cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn Thành phố, nhằm đảm bảo sự an toàn, tính mạng và tài sản, tái định cư, ổn định, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân;
Thứ hai, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ, xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, đồng bộ kết nối với các khu chức năng đô thị hiện hữu, phát huy tối đa nguồn lực đất đai đô thị, nhằm làm thay đổi cơ bản nâng cao chất lượng đô thị, chất lượng cuộc sống, nâng cao giá trị kiến trúc cảnh quan, hướng tới đô thị xanh, văn minh hiện đại, bền vững;
Thứ ba, tăng cường sự đồng thuận của nhân dân, các tổ chức kinh tế, xã hội cùng phối hợp quyết liệt triển khai thực hiện; xây dựng quy trình, phương pháp, giải pháp và chính sách hiệu quả, đồng bộ cơ chế chính sách pháp luật về nhà ở, quy hoạch, đầu tư, xây dựng, đất đai và pháp luật hiện hành có liên quan, làm cơ sở pháp lý, công cụ thực hiện, đẩy nhanh tiến độ cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ, tái định cư, chỉnh trang, tái thiết đô thị, góp phần phát triển đô thị và kinh tế đô thị toàn Thành phố giai đoạn tới.
Theo lãnh đạo UBND TP. Hà Nội, giai đoạn trước đây, từ 2005 - 2014, các doanh nghiệp tham gia tái thiết chung cư cũ được hưởng khá nhiều ưu đãi. Tuy nhiên, sau khi Luật Nhà ở ngày 25/11/2014, Nghị định số 101/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ được ban hành và có hiệu lực thi hành thì ngoài miễn tiền đất, các cơ chế, chính sách cũ không được áp dụng.
Đồng thời hiện còn thiếu các quy định cụ thể về hệ số bồi thường tái định cư tại chỗ, quy trình lựa chọn chủ đầu tư, phương án đền bù, hỗ trợ tái định cư, giải phóng mặt bằng… Cùng với đó là khó khăn về việc kiểm định chất lượng và lập kế hoạch cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ, thiếu quy định cụ thể về tạo lập quỹ nhà tạm cư, thiếu các cơ chế chính sách ưu đãi đầu tư...
Hơn nữa, các chung cư cũ đa phần thuộc khu vực các quận nội thành và nội đô lịch sử, hạn chế phát triển tầng cao, dân số theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô. Từ đó, dẫn đến khó đầu tư dự án, không thu hút được các nhà đầu tư tham gia. Đến nay, không có dự án mới nào được bổ sung thêm, dẫn đến tiến độ thực hiện chậm, kém hiệu quả.
Với kế hoạch 171, Thành phố sẽ bố trí nguồn vốn ngân sách dự kiến khoảng 500 tỷ đồng trong giai đoạn 2021-2025 để thực hiện tổng kiểm tra, rà soát, kiểm định, đánh giá chất lượng toàn bộ các chung cư cũ theo các đối tượng, phân loại quy định của Nghị định số 69/2021/NĐ-CP ngày 15/7/2021; Xây dựng và ban hành kế hoạch cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ giai đoạn 2021 - 2025 đối với các chung cư cũ đã có kết quả kiểm định để triển khai thực hiện quy trình tổ chức lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, dự án đầu tư.
THỰC HIỆN NHIỀU CHÍNH SÁCH ƯU ĐÃI
Đồng thời sẽ xây dựng và ban hành kế hoạch và bố trí nguồn vốn ngân sách lập các đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, tổng mặt bằng, đề án quy gom theo ba mô hình cấp độ là: Khu chung cư cũ (quy mô lập quy hoạch chi tiết >2ha); Nhóm chung cư cũ (quy mô lập tổng mặt bằng <2ha); Tập hợp các chung cư cũ độc lập, đơn lẻ (quy mô lập tổng mặt bằng nhà đơn lẻ và đề án nghiên cứu quy gom tái định cư tại chỗ trên địa bàn phường, quận).
Việc tổ chức lựa chọn nhà đầu tư theo ba hình thức, gồm: các chủ sở hữu thống nhất lựa chọn; đấu thầu lựa chọn; Nhà nước thực hiện bằng nguồn vốn ngân sách (điều 113 Luật Nhà ở).
Thành phố cũng quy định và tổ chức triển khai thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ tái định cư; Tạo lập quỹ nhà tạm cư thông qua sử dụng quỹ nhà tái định cư có sẵn; đầu tư xây dựng nhà tạm cư, nhà tái định cư (phục vụ tạm cư) mới bằng vốn ngân sách, nhà ở thương mại, sử dụng quỹ nhà ở xã hội kết hợp; rà soát quỹ đất trống trong các khu chung cư cũ có khả năng giải phóng mặt bằng để đầu tư xây dựng tạo lập quỹ nhà tạm cư tại chỗ.
Đặc biệt, sẽ thực hiện các chính sách về ưu đãi đầu tư (tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và tiền chuyển mục đích sử dụng đất; áp dụng thuế suất, thuế thu nhập doanh nghiệp; lệ phí trước bạ đối với diện tích nhà ở phục vụ tái định cư tại chỗ cho các hộ dân;...); Tuyên truyền, vận động trong công tác phá dỡ, di dời các hộ dân, cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ; tạo sự đồng thuận của xã hội, các chủ sở hữu nhà chung cư cũ, người dân khi thực hiện di dời các hộ dân khỏi nhà chung cư nguy hiểm, phá dỡ, giải phóng mặt bằng, cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ; vận động người dân tổ chức thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.
Cũng theo kế hoạch 171, Thành phố đã giao trách nhiệm cụ thể cho các Sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã liên quan. Trong đó, Sở Xây dựng có nhiệm vụ chủ trì tổng hợp, báo cáo UBND Thành phố định kỳ hàng quý, 6 tháng, hàng năm kết quả thực hiện của các cơ quan, đơn vị được UBND Thành phố giao nhiệm vụ theo Kế hoạch này và tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện khi kết thúc thời gian thực hiện Kế hoạch này;
UBND các quận, huyện, thị xã phải phối hợp rà soát, đề xuất danh mục các khu chung cư cũ/ nhóm chung cư cũ/ tập hợp các chung cư cũ độc lập, đơn lẻ cần nghiên cứu lập quy hoạch hoạch chi tiết/ tổng mặt bằng…; Khẩn trương thực hiện chỉ đạo, phân cấp của UBND Thành phố đối với việc di dời các chủ sử dụng, chủ sở hữu ra khỏi chung cư cũ nguy hiểm cấp độ D theo quy định...