17:36 27/02/2019

Hạ viện Mỹ bác tình trạng khẩn cấp biên giới do ông Trump công bố

Thăng Điệp

Hạ viện Mỹ ngày 26/2 thông qua một đạo luật chấm dứt tình trạng khẩn cấp mà ông Trump công bố mới đây

Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi (giữa) và các nghị sỹ Dân chủ trong một cuộc họp báo ngày 26/2 - Ảnh: Reuters.
Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi (giữa) và các nghị sỹ Dân chủ trong một cuộc họp báo ngày 26/2 - Ảnh: Reuters.

Hạ viện Mỹ ngày 26/2 thông qua một đạo luật chấm dứt tình trạng khẩn cấp mà ông Trump công bố mới đây đối với biên giới Mỹ-Mexico, hãng Reuters đưa tin.

Cách đây ít lâu, ông Trump công bố tình trạng khẩn cấp đối với khu vực biên giới phía Nam, giữa Mỹ với Mexico, nhằm có ngân sách xây dựng một bức tường dọc theo đường biên giới này mà không cần phải có sự thông qua của Quốc hội Mỹ.

Một bức tường như vậy là lời hứa mà ông Trump đã đưa ra với cử tri Mỹ trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2016. Ông Trump nói bức tường là cần thiết để ngăn dòng người di cư vượt biên trái phép vào Mỹ và chặn hoạt động buôn lậu ma túy. Trong khi đó, Đảng Dân chủ cho rằng bức tường là không cần thiết và tốn kém, nên tìm mọi cách ngăn cản.

Trong một dự luật ngân sách mới đây, ông Trump không được cấp khoản ngân sách 5,7 tỷ USD để phục vụ cho việc xây tường trong 2018 như ông đề nghị trước đó. Thay vào đó, ông chỉ được cấp gần 1,4 tỷ USD để dựng hàng rào ngăn biên giới. Vì lý do này, ông công bố tình trạng khẩn cấp để có thể chuyển ngân sách từ các mục đích khác sang cho xây tường.

Với 245 phiếu thuận và 182 phiếu chống, Hạ viện Mỹ do phe Dân chủ nắm quyền quyền soát, đã thông qua dự luật chấm dứt tình trạng khẩn cấp mà ông Trump ban bố. Reuters cho biết khả năng dự luật này được thông qua ở Thượng viện do Đảng Cộng hòa của ông Trump kiểm soát là khá mong manh, nhưng đang có chiều hướng gia tăng.

Các nghị sỹ Dân chủ và một số nghị sỹ Cộng hòa lo ngại rằng việc ông Trump đơn phương huy động ngân sách xây tường mà không có sự phê chuẩn của Quốc hội có thể đặt ra một thách thức lớn đối với quy định của Hiến pháp Mỹ về cân bằng quyền lực giữa Quốc hội và Chính phủ.

Về phần mình, ông Trump lập luận rằng ông có đủ thẩm quyền để ban bố tình trạng khẩn cấp để đơn phương điều động ngân sách xây tường biên giới. Ông cũng đã tuyên bố sẽ phủ quyết bất kỳ dự luật nào mà Quốc hội Mỹ thông qua để chấm dứt tình trạng khẩn cấp mà ông ban bố.

Nếu ông Trump phủ quyết dự luật trên, thì đây sẽ là lần đầu tiên ông Trump dùng đến quyền phủ quyết trong nhiệm kỳ Tổng thống của ông.

"Tình hình hiện nay ở biên giới phía Nam cho thấy một cuộc khủng hoảng nhân đạo và an ninh đe dọa đến các lợi ích an ninh quốc gia cốt lõi, và cấu thành tình trạng khẩn cấp quốc gia", một tuyên bố ngày 26/2 của Nhà Trắng viết.

"Chẳng có tình trạng khẩn cấp nào ở biên giới cả. Số người vượt biên trái phép đang ở mức thấp nhất 4 thập kỷ", hạ nghị sỹ Dân chủ Joaquin Castro, người dẫn đầu dự luật nói trên, phát biểu trong phiên tranh luận ở Hạ viện trước cuộc bỏ phiếu.

Trong chiến dịch tranh cử Tổng thống, ông Trump hứa với cử tri Mỹ rằng ông sẽ buộc Mexico trả tiền cho việc xây tường biên giới ngăn giữa hai nước. Tuy nhiên, Mexico đã từ chối yêu cầu này của ông Trump.

Không chỉ vấp phải sự phản đối trong Quốc hội Mỹ, ông Trump còn bị một loạt bang của Mỹ đâm đơn kiện vì việc ông công bố tình trạng khẩn cấp. Một liên minh gồm 16 tiểu bang, dẫn đầu là California, đã kiện ông Trump nhằm xóa bỏ tình trạng khẩn cấp mà ông ban bố.