09:29 20/06/2007

Hải Phòng: Nan giải nhân lực cho khu công nghiệp

Minh Khôi

Từ đầu năm đến nay, doanh nghiệp FDI tại các khu công nghiệp ở Hải Phòng đang “đau đầu” về nguồn nhân lực

Xem ra, lương thấp vẫn là nguyên nhân chính khiến công nhân không muốn làm việc trong các khu công nghiệp.
Xem ra, lương thấp vẫn là nguyên nhân chính khiến công nhân không muốn làm việc trong các khu công nghiệp.
Từ đầu năm đến nay, các doanh nghiệp FDI Hải Phòng đang “đau đầu” về nguồn nhân lực, đặc biệt là lao động phổ thông và nhân viên giỏi tiếng Anh và tiếng Nhật.

Vấn đề cốt lõi được nhiều doanh nghiệp FDI tại các khu công nghiệp của Hải Phòng nêu ra là tình trạng không tuyển dụng được lao động phục vụ cho quá trình mở rộng quy mô sản xuất – kinh doanh.

Thiếu lao động do mở rộng sản xuất và người lao động bỏ việc

Mở rộng quy mô sản xuất cần thêm nhân lực đó là điều dễ hiểu, còn với vấn đề thiếu lao động do người lao động bỏ việc thì ông Takashi Inada Tổng giám đốc Công ty Yazaky (khu công nghiệp Nomura Hải Phòng) thuộc tập đoàn Yazaky, Nhật Bản khẳng định: Không phải là do lương, thưởng thấp mà là vì công nhân phải đi làm từ một khoảng cách quá xa, thiếu chỗ ở.

Hơn nữa trước đây, thường các thành phố lớn phát triển công nghiệp mạnh, cần nhiều công nhân nhưng đến nay đã khác: các địa phương lân cận phát triển công nghiệp, thu hút đầu tư cũng không kém và cũng cần rất nhiều lao động. Do vậy phần lớn những lao động rời quê ra thành phố làm và phải thuê nhà trước đây, thì nay đều đã nhanh chóng trở về chính các khu công nghiệp của địa phương mình phục vụ để không phải đi xa, không phải mất tiền thuê nhà... Đây chính là lý do làm cho nguồn lao động phục vụ cho các khu công nghiệp tại các thành phố lớn như Hải Phòng trở nên thâm hụt nghiêm trọng.

Không chỉ vậy, từ trước đến nay, hầu hết các doanh nghiệp FDI đầu tư vào Việt Nam là nhằm vào lợi thế nguồn nhân lực dồi dào, giá thuê nhân công rẻ, không mất phí tuyển dụng nhiều mà tự công nhân tìm đến. Ông Jiro Takano - TGĐ Công ty Toyoda Gosei cho rằng phần lớn công nhân hiện có của Công ty Toyoda Gosei là do người lao động bảo nhau và tự tìm đến. Họ không mất nhiều công sức và tài chính để tuyển dụng.

Rõ ràng từ thực tế của những năm trước đây cộng với tâm lý quá tin vào sự dồi dào của nguồn nhân lực ở Việt Nam và thiếu sự chủ động trong vấn đề đi liên hệ tuyển dụng, đồng thời trông chờ quá nhiều vào sự giúp đỡ của các cấp chính quyền địa phương, nên các doanh nghiệp nước ngoài rất bức xúc khi lâm vào cảnh thiếu lao động như hiện nay.

Không ít doanh nghiệp nước ngoài đã lớn tiếng đổ lỗi cho các cấp chính quyền địa phương là đã không quan tâm đến họ trong vấn đề xúc tiến đưa người lao động đến với các nhà máy, các khu công nghiệp. Không tuyển dụng được nguồn nhân lực không phải là do không có người lao động, mà là do người cần việc và các doanh nghiệp cần người lao động chưa gặp được nhau.

Người lao động và doanh nghiệp chưa gặp được nhau

Hiện nay ở Việt Nam đã xuất hiện sự cạnh tranh trong việc thu hút nguồn nhân lực giữa các nhà máy, giữa các khu công nghiệp, giữa các địa phương và đang ngày một trở nên “nóng” dần và sẽ đến lúc gay gắt. Đây thật ra là một sự cạnh tranh lành mạnh chứ không mang tính tiêu cực. Do vậy các doanh nghiệp, các nhà đầu tư cũng phải làm quen dần với vấn đề này chứ đừng nghĩ rằng tại Việt Nam nguồn nhân lực vẫn dồi dào, người lao động sẽ phải tìm đến họ mãi, mà đã đến lúc cả hai cùng phải tìm đến nhau.

Trong thời gian qua, cái yếu nhất của các đơn vị phụ trách vấn đề nhân lực của ta là ở khâu dự báo và hoạt động thiếu tính chuyên nghiệp, không có chiến lược đào tạo lâu dài. Điều này dẫn đến sự “mò mẫm” trong khâu đào tạo và huy động lao động có số lượng lớn từ các miền quê phục vụ cho các khu công nghiệp, nhà máy.

Do thiếu sự liên kết và đến lúc quá cần lao động, nhiều doanh nghiệp đã tự đi đến các địa phương để tuyển dụng. Công ty XF (khu công nghiệp Nomura, Hải Phòng) hiện nay đang thiếu khoảng 1.000 công nhân, họ đang phải tản đi từng địa phương, từng trường đại học để tuyển người.

Từ trước đến nay, khi quy hoạch khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các địa phương chỉ nghĩ đến việc dành đất cho khu công nghiệp, xây hàng rào, hệ thống điện, nước..., nhưng diện tích đất dành để xây nhà cho công nhân phục vụ cho các khu công nghiệp thì bị quên, hoặc có nghĩ đến cũng chỉ là dự phòng, chậm triển khai. Thế mới có chuyện hàng ngàn công nhân các khu công nghiệp Hải Phòng hiện nay, trung bình ở cách xa khu công nghiệp 10 đến trên 20 km.

Xe đạp và xe máy là 2 phương tiện chính mà người lao động ở Việt Nam sử dụng trong quá trình đi làm. Trong khi đó, lương mà các doanh nghiệp nước ngoài trả cho lao động phổ thông ở Việt Nam hiện đang phổ biến nhất là từ 900-1.200 ngàn đồng/tháng/người.

Nếu với khoảng cách trên, số tiền trên, thì một công nhân dùng xe máy đi làm, họ phải chi tiền mua xăng từ 30.000 - 400.000đồng/tháng, cộng với tiền thuê nhà, ăn uống... xem ra lương không đủ sống. Đây chính là lý do đang làm cho nhiều công nhân không muốn làm cho các khu công nghiệp.