14:00 18/07/2023

Hải quan TP.HCM thu ngân sách hơn 63.000 tỉ nhưng vẫn khó hoàn thành "KPI"

Hồng Vinh

6 tháng đầu năm 2023, Cục Hải quan TP.HCM thu ngân sách đạt 63.271 tỉ đồng, thực hiện 43,4% chỉ tiêu kế hoạch và dẫn đầu toàn ngành với 34,43%, chiếm 27,77% tổng số thu của TP.HCM…

Chi cục Hải quan Hiệp Phước là đơn vị duy nhật có số thu ngân sách nhà nước tăng hơn 6.000 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2022. (Ảnh minh họa).
Chi cục Hải quan Hiệp Phước là đơn vị duy nhật có số thu ngân sách nhà nước tăng hơn 6.000 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2022. (Ảnh minh họa).

Ngày 17/7, Cục Hải quan TP.HCM đã tổ chức sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm 2023 và triển khai kế hoạch 6 tháng cuối năm. Theo báo cáo, đơn vị này thu ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2023 đạt 63.271 tỉ đồng, thực hiện 43,4% chỉ tiêu pháp lệnh được giao, dẫn đầu toàn ngành (chiếm 34,43% số thu của toàn ngành hải quan 183.744 tỉ đồng), chiếm 27,77% tổng số thu ngân sách của TP.HCM (227.872,43 tỉ đồng).

TỔNG KIM NGẠCH XUẤT NHẬP KHẨU 56,98 TỶ USD

Theo Hải quan TPHCM, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu trong 6 tháng đầu năm đạt 56,98 tỷ USD, đứng thứ 2 toàn ngành (sau Bắc Ninh), chiếm 18% tổng kim ngạch của toàn ngành. Trong đó, kim ngạch nhập khẩu đạt 30,39 tỷ USD, giảm 23,34%; kim ngạch xuất khẩu đạt 26,59 tỷ USD, giảm 18,69% so với cùng kỳ năm 2022. Do đó, cán cân thương mại TP.HCM trong 6 tháng đầu năm năm 2023 là nhập siêu 3,8 tỷ USD.

Tuy nhiên, tình hình xuất nhập khẩu trên địa bàn TP.HCM sụt giảm 21,23% (giảm tuyệt đối 15,36 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2022 do chịu ảnh hưởng của những rủi ro, thách thức từ bối cảnh nền kinh tế thế giới và nội tại kinh tế Việt Nam đang trong giai đoạn phục hồi: lượng cầu của thế giới giảm mạnh; giá các mặt hàng xuất nhập khẩu giảm; chi phí logistics cao, tiến trình xanh hoá một số lĩnh vực còn chậm khiến năng lực cạnh tranh của một số mặt hàng xuất nhập khẩu của Việt Nam kém hơn các quốc gia khác.

Trong đó, nhóm mặt hàng nhập khẩu có trị giá kim ngạch cao như: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 6,39 tỷ USD, giảm mạnh hơn 30%; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác đạt 2,91 tỷ USD, xăng dầu đạt 1,25 tỷ USD, vải các loại đạt 1,19 tỷ USD đều có xu hướng giảm từ 15-18% so với cùng kỳ năm 2022, riêng chỉ có nhóm mặt hàng dược phẩm tăng hơn 3,8%, đạt 1,3 tỷ USD.

Nhóm mặt hàng xuất khẩu có trị giá kim ngạch cao như: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 6,56 tỷ USD, giảm mạnh gần 30%; hàng dệt may đạt 2,59 tỷ USD, giảm gần 8%; hàng thuỷ sản đạt 1,59 tỷ USD, giảm 40,31%; riêng chỉ có nhóm mặt hàng gạo đạt 1,94 tỷ USD, tăng 35,5% và cà phê đạt 1,42 tỷ USD, tăng 11,42%.

Cũng trong 6 tháng đầu năm 2023, Hải quan TP.HCM đã làm thủ tục thông quan cho số lượng tờ khai xuất nhập khẩu mậu dịch đạt trên 1,5 triệu tờ khai, giảm 10,97% so với cùng kỳ 2022. Mặc dù kim ngạch xuất nhập khẩu do Cục Hải quan TP.HCM làm thủ tục thông quan chỉ đứng thứ 2, nhưng số thu ngân sách nhà nước lại dẫn đầu toàn ngành hải quan.

Ngoài ra, Cục Hải quan TP.HCM cho hay từ 1/4/2022 đến 6/7/2023 đã có 64.542 doanh nghiệp đăng ký khai báo nộp phí và chấp hành nghĩa vụ nộp phí hạ tầng cảng biển, với tổng số tiền hơn 2.863 tỉ đồng.

NHIỀU KHÓ KHĂN, KHÓ HOÀN THÀNH CHỈ TIÊU 2023

Nhiều dự báo trong thời gian tới, ngành hải quan vẫn còn nhiều khó khăn thách thức cho hoạt động thu ngân sách. Chẳng hạn, tình hình xuất nhập khẩu sụt giảm 22,21% do chịu tác động tiêu cực, bởi cầu thế giới giảm mạnh; giá các mặt hàng xuất nhập khẩu giảm; chi phí logistics còn cao, tiến trình xanh hóa một số lĩnh vực còn chậm, khiến một số mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam kém cạnh tranh hơn các quốc gia khác.

Trong đó, thực trạng doanh nghiệp đối mặt với nhiều khó khăn và ngày càng rõ nét hơn; các vấn đề về tài chính như mặt bằng lãi suất dần hạ nhiệt nhưng còn cao, khả năng hấp thụ vốn và đáp ứng điều kiện vay vốn ở mức thấp, thị trường trái phiếu doanh nghiệp thu hẹp; chi phí đầu vào vẫn ở mức cao trong khi thị trường đầu ra khó khăn, đơn hàng xuất khẩu giảm; thị trường lao động gặp khó khăn khi doanh nghiệp phải giảm giờ làm, giảm lương, sa thải nhân viên…; tình trạng cung ứng điện không ổn định, qui định phòng cháy chữa cháy, vấn đề đăng kiểm…dù đã dần khắc phục nhưng vẫn là nỗi lo của nhiều doanh nghiệp.

Theo Cục Hải quan TP.HCM, số thu ngân sách nhà nước trong 6 tháng đầu năm 2023 đạt 63.271,1 tỷ đồng, bằng 43,4% chỉ tiêu pháp lệnh được giao, đứng thứ nhất toàn ngành (chiếm 34,43% số thu của toàn ngành và chiếm 27,77% tổng số thu ngân sách nhà nước của TP.HCM). Tuy nhiên, số thu ngân sách nhà nước trong 6 tháng đầu năm giảm 10,77% (giảm tuyệt đối 7.635,6 tỷ đồng) so với cùng kỳ năm 2022.

Trước đó, Cục Hải quan TPHCM được giao chỉ tiêu pháp lệnh là 145.800 tỷ đồng, tăng 25,15% (tăng tuyệt đối 29.300 tỷ đồng) so với chỉ tiêu pháp lệnh năm 2022 (116.500 tỷ đồng).

Theo phân tích của Hải quan TPHCM, nguyên nhân làm giảm số thu ngân sách nhà nước so với cùng kỳ năm 2022 phần lớn là do chịu ảnh hưởng sự thắt chặt chính sách tiền tệ dẫn đến xu hướng, chỉ tiêu mua sắm của người tiêu dùng trên thế giới giảm mạnh (đặc biệt là một số nền kinh tế lớn là đối tác xuất khẩu của Việt Nam như Hoa Kỳ, EU); khối lượng đơn đặt hàng giảm; chuỗi cung ứng toàn cầu tiếp tục đứng trước nguy cơ bị gián đoạn, đứt gãy.

Chưa kể, tuy lượng nhập khẩu dầu thô trong 6 tháng đầu năm hơn 2 triệu tấn, tăng 7,7% nhưng trị giá nhập khẩu mặt hàng lại giảm 13,7% so với cùng kỳ. Điều này dẫn đến số thuế phải thu ngân sách chỉ đạt 7.735 tỉ đồng, giảm 18,73% so với cùng kỳ.

Bên cạnh đó, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện giảm 43,3% kim ngạch nhập khẩu có thuế, làm giảm thu ngân sách nhà nước khoảng 1.236,4 tỷ đồng; sắt thép các loại giảm 38,2% kim ngạch nhập khẩu có thuế, làm giảm thu ngân sách nhà nước khoảng 898,6 tỷ đồng.

Đáng lưu ý, thu ngân sách nhà nước tại 11/12 các chi cục đều giảm, đa số đều đạt khoảng 40-45% so với chỉ tiêu pháp lệnh, và có xu hướng giảm so với cùng kỳ năm 2022. Một số đơn vị cửa khẩu lớn có số thu giảm mạnh như: Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng sài Gòn khu vực 1, giảm hơn 4.500 tỷ đồng; Chi cục Hải quan quản lý hàng Đầu tư, giảm hơn 2.400 tỷ đồng; Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 3, giảm hơn 4.300 tỷ đồng, Chi cục Hải quan sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, giảm hơn 900 tỷ đồng.

Điểm sáng về tăng trưởng, Chi cục Hải quan Hiệp Phước là đơn vị duy nhất có số thu ngân sách nhà nước tăng hơn 6.000 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2022, đạt gần 60% so với chỉ tiêu pháp lệnh được giao. Nguyên nhân khách quan là nhóm mặt hàng nhập khẩu qua chi cục này là xe ô tô nguyên chiếc các loại có kết quả thu ngân sách nhà nước khá khả quan trong 6 tháng đầu năm 2023, tăng 11,4% về lượng và tăng 4,7% về trị giá.

Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện giảm 50% lệ phí trước bạ cho ô tô lắp ráp, sản xuất trong nước có hiệu từ ngày 1/7/2023 sẽ tạo áp lực lớn cho công tác thu ngân sách trong nửa cuối năm 2023 trong bối cảnh sức mua trên thị trường ô tô Việt Nam liên tục sụt giảm.

Bên cạnh đó, thực hiện chính sách giảm thuế GTGT 2% theo Nghị quyết 43/2022/QH15 bắt đầu từ 1/7/2023, số thu ngân sách nhà nước từ thuế GTGT của Cục Hải quan TP.HCM trong 6 tháng cuối năm ước giảm 2.588 tỷ đồng.

Cục Hải quan TP.HCM dự báo, số thuế thực nộp ngân sách nhà nước đến ngày 31/12/2023 ước đạt 125.200 tỷ đồng, chỉ đạt 85,87% dự toán pháp lệnh, giảm 12,47% (giảm tuyệt đối 17.835,4 tỷ đồng) so với cùng kỳ năm 2022.