08:42 11/03/2023

Hai tháng chống thất thu hơn 2.600 tỷ đồng, Bộ Tài chính lên danh mục đối tượng thanh kiểm tra trong năm nay

Trâm Anh

Công tác thanh, kiểm tra ngành tài chính góp phần chống thất thu ngân sách hơn 2.600 tỷ đồng trong hai tháng đầu năm, với tổng số tiền kiến nghị xử lý qua thanh tra, kiểm tra gần 17.500 tỷ đồng...

Năm 2023 tiếp tục thanh tra doanh nghiệp xin hoàn thuế lớn, tăng đột biến.
Năm 2023 tiếp tục thanh tra doanh nghiệp xin hoàn thuế lớn, tăng đột biến.

Bộ Tài chính vừa cho biết, qua công tác thanh, kiểm tra hai tháng đầu năm, cơ quan thanh tra bộ và các đơn vị có chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc bộ thực hiện 11.365 cuộc thanh tra, kiểm tra và tiến hành kiểm tra 146.122 hồ sơ khai thuế tại trụ sở cơ quan.

Qua đó, đã kiến nghị xử lý tài chính 17.489 tỷ đồng, bao gồm kiến nghị thu hồi nộp ngân sách nhà nước 4.724 tỷ đồng, kiến nghị xử lý tài chính khác 11.429 tỷ đồng và xử phạt vi phạm hành chính 1.336 tỷ đồng. Số tiền thu nộp ngân sách nhà nước 2.632 tỷ đồng.

NỘP NGÂN SÁCH HƠN 2.000 TỶ ĐỒNG TỪ THANH, KIỂM TRA NGÀNH THUẾ

Trong năm 2023, Thanh tra Bộ Tài chính và các đơn vị có chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc bộ tiếp tục tập trung vào những lĩnh vực, địa bàn, vị trí dễ xảy ra tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; nơi có nhiều đơn thư tố cáo, khiếu nại, lĩnh vực nhạy cảm, dư luận xã hội quan tâm, bức xúc để phát hiện, xử lý kịp thời các vụ việc, vụ án tham nhũng.

Một số nội dung cơ quan Thanh tra Bộ Tài chính tập trung như: ngân sách địa phương; thanh tra tài chính bộ, ngành tại một số bộ, ngành, địa phương theo kế hoạch được phê duyệt; thanh tra tài chính doanh nghiệp; giá và quỹ tài chính tại một số đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng; Bộ Xây dựng; một số tổng công ty tại TP. Hồ Chí Minh…

Bên cạnh đó, Thanh tra Bộ Tài chính còn thực hiện thanh tra vốn đầu tư xây dựng tại một số dự án, bao gồm cả dự án sử dụng vốn ODA, thanh tra hành chính tại một số cục hải quan, cục thuế...

Bộ Tài chính cũng có hướng dẫn cụ thể tới các đơn vị trong ngành như: Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, Tổng cục Dự trữ Nhà nước, Kho bạc Nhà nước, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm về kế hoạch thanh tra, kiểm tra tài chính năm 2023.

Cũng theo Bộ Tài chính, tính đến giữa tháng 2, cơ quan thuế thực hiện hơn 3.000 cuộc thanh tra, kiểm tra; kiểm tra 25,8 nghìn hồ sơ khai thuế của doanh nghiệp.

 

Qua thanh kiểm tra ngành thuế kiến nghị xử lý tài chính 5.000 tỷ đồng; trong đó, thu nộp ngân sách nhà nước khoảng 2,16 nghìn tỷ đồng (đã nộp vào ngân sách khoảng 1,03 nghìn tỷ đồng), giảm khấu trừ và giảm lỗ gần 2,85 nghìn tỷ đồng; đôn đốc thu hồi và xử lý nợ đọng thuế ước đến hết hai tháng là 8,3 nghìn tỷ đồng.

Riêng kế hoạch thanh tra, kiểm tra tài chính năm 2023 đối với Tổng cục Thuế theo hướng tăng cường thanh kiểm tra thuế giá trị gia tăng, không để xảy ra tình trạng trục lợi chính sách gây thất thoát tiền của ngân sách nhà nước; thanh tra hoàn thuế giá trị gia tăng đối với các doanh nghiệp có hoàn thuế lớn, các doanh nghiệp có dấu hiệu sử dụng hóa đơn bất hợp pháp... 

Cùng với đó, ngành thuế tập trung thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp có dư địa thu lớn hoặc có rủi ro cao như: dầu khí; xăng dầu; điện lực; viễn thông; ngân hàng; bảo hiểm; chứng khoán; cho thuê tài chính; dược phẩm; bất động sản; hạ tầng; khu công nghiệp; công ty xổ số kiến thiết; kinh doanh dịch vụ cảng; xây dựng; sản xuất, kinh doanh nguyên vật liệu xây dựng; doanh nghiệp khai thác kinh doanh cát, sỏi lòng sông; khai thác vàng...

Ngành thuế cho biết, sẽ tập trung thanh tra các tập đoàn, tổng công ty, công ty có phát sinh số thu nộp thuế lớn; các doanh nghiệp quy mô lớn nhiều năm chưa được thanh tra, kiểm tra thuế; các doanh nghiệp phát sinh chuyển nhượng vốn, thương hiệu, chuyển nhượng dự án, chia tách, sáp nhập; các doanh nghiệp có giao dịch liên kết, chuyển giá, kết quả hoạt động kinh doanh lỗ nhiều năm...

Ngoài ra, tăng cường kiểm tra nội bộ ngành thuế thông qua kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về thanh tra, kiểm tra thuế của cơ quan thuế; kiểm tra tính liêm chính của công chức thuế trong công tác chống thất thu thuế đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản; công tác quản lý, sử dụng tài sản, kinh phí...

KHÔNG LƠ LÀ HÀNG NHẬP KHẨU THUẾ SUẤT CAO, KIM NGẠCH LỚN

Liên quan đến lĩnh vực hải quan, cũng trong thời gian này, ngành hải quan phát hiện, bắt giữ và xử lý 1.259 vụ việc vi phạm pháp luật hải quan, với trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 465 tỷ đồng. Cơ quan hải quan khởi tố 3 vụ và chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 12 vụ. Số tiền thu nộp ngân sách nhà nước là 27,5 tỷ đồng.

Năm nay, công tác thanh tra, kiểm tra của Tổng cục Hải quan tập trung vào việc chấp hành pháp luật về hải quan, pháp luật về thuế đối với doanh nghiệp nhập khẩu, xuất khẩu.

Trong đó tập trung thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về hải quan, pháp luật về thuế đối với doanh nghiệp nhập khẩu, xuất khẩu với các mặt hàng trọng tâm gồm: mặt hàng nhập khẩu có thuế suất cao, kim ngạch lớn, trong đó, chú trọng các mặt hàng có khả năng gian lận về mã số, trị giá, quản lý chính sách mặt hàng, có ảnh hưởng tới sức khỏe con người; có dấu hiệu gian lận về nguồn gốc xuất xứ: máy móc, nguyên vật liệu…; có dấu hiệu gian lận về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm như: phế liệu, đồ điện tử tiêu dùng, đồ uống, thực phẩm đông lạnh…

Cùng với đó, thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực: nhập khẩu hàng hóa được miễn thuế theo loại hình ưu đãi đầu tư, doanh nghiệp chế xuất nhập khẩu máy móc, thiết bị từ nước ngoài; xuất khẩu khoáng sản và các sản phẩm có nguồn gốc từ khoáng sản có dấu hiệu gian lận về mã số, trị giá và quản lý chính sách, các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa xin hoàn thuế lớn, tăng đột biến.

Công tác kiểm tra nội bộ tập trung kiểm tra việc tổ chức, triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao theo từng chuyên đề: kiểm tra sau thông quan; kiểm tra về thuế xuất nhập khẩu; kiểm tra về quản lý rủi ro; kiểm tra về công tác kiểm định; kiểm tra về công tác giám sát quản lý; kiểm tra về công tác tổ chức cán bộ; kiểm tra công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; kiểm tra về công nghệ thông tin và thống kê hải quan; kiểm tra về hợp tác quốc tế.

Riêng đối với chuyên đề về kiểm tra sau thông quan sẽ tập trung thực hiện thanh tra chuyên ngành đối với các trường hợp: hồ sơ thuế hải quan quá thời hạn kiểm tra sau thông quan; các trường hợp kiểm tra tại trụ sở người khai hải quan nhưng phát hiện có thông tin mới hoặc có vụ việc có tính chất phức tạp hoặc có dấu hiệu vi phạm khác.

Ngoài ra, thực hiện kiểm tra chuyên đề xuất xứ hàng hóa xuất khẩu đi Mỹ, Ấn Độ; chuyên đề phế liệu; chuyên đề máy móc qua sử dụng; chuyên đề thuốc tân dược; chuyên đề lốp ô tô rơ moóc; chuyên đề kính ô tô; chuyên đề mặt hàng hai thuế suất...