Ngân sách nhà nước nhìn từ kết quả 2022
Dự toán ngân sách nhà nước năm 2023 với tổng thu ngân sách nhà nước là 1.620.744 tỷ đồng, trong đó tổng thu ngân sách trung ương là 863.567 tỷ đồng và tổng thu ngân sách địa phương là 757.177 tỷ đồng. Dự toán thu ngân sách nhà nước như vậy là thấp và chỉ bằng 88,9% so với thực tế ước thu năm 2022 (1.803.600 tỷ đồng), trong khi về tổng thể, kinh tế dự kiến tăng trưởng 6-6,5%...
Năm 2022, tổng thu ngân sách ước đạt 1.803,6 nghìn tỷ đồng, bằng 127,8% dự toán, tăng 15% so với năm 2021 (ngân sách trung ương đạt 125,8% dự toán; ngân sách địa phương đạt 129,9% dự toán).
Dự toán thu ngân sách năm 2023 tăng thấp được cho là do khó khăn của thị trường bất động sản nên thu từ nhà đất giảm khoảng 25% (năm 2022, thu từ nhà đất đạt 251.954 tỷ đồng). Mức giảm này chưa giải thích hết chênh lệch dự toán 2023 và thực hiện năm 2022, trong khi thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh, thuế thu nhập cá nhân vẫn dự toán tăng ở mức 10-12%.
THỰC HIỆN THU, CHI NGÂN SÁCH 2022
Tổng thu ngân sách các tháng trong năm đều vượt tiến độ kế hoạch. Năm 2022, mặc dù GDP chỉ tăng 8,02% nhưng thu ngân sách tăng 13,8% so với năm trước. Chênh lệch lớn này có thể được giải thích bởi tăng giá và các khoản giãn thu hết hạn vào năm 2022. Bên cạnh đó, việc tăng cường sử dụng hóa đơn điện tử, giao dịch không dùng tiền mặt, tăng cường kiểm tra kiểm soát (từ thuế giá trị gia tăng cho đến thuế thu nhập cá nhân), đã giúp tăng đáng kể nguồn thu ngân sách.
Về chi ngân sách, năm 2022 chính sách tài khóa tiếp tục được thắt chặt. Điều này có tác dụng tích cực là giảm áp lực tăng phát hành tiền, góp phần ổn định vĩ mô. Cả chi thường xuyên và chi đầu tư không đạt dự toán, nhưng nợ gốc và lãi trái phiếu chính phủ đến hạn được đảm bảo thanh toán toàn bộ (164.701 tỷ đồng).
Năm 2022 đã thực hiện nhiều chương trình, cả ngắn hạn và dài hạn để hỗ trợ và khuyến khích phục hồi kinh tế như giảm 2% thuế giá trị gia tăng, giảm thuế môi trường đối với xăng dầu (ước thực hiện khoảng 30,7 nghìn tỷ đồng), giãn hoãn thuế thu nhập đối với các doanh nghiệp gặp khó khăn…
Chênh lệch thu chi ngân sách trong nhiều tháng đều có kết dư, nhưng cả năm ước bội chi ngân sách nhà nước 421.300 tỷ đồng, tương đương 4,5% GDP, nếu trừ đi số tiền thực hiện Chương trình Phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội thì mức bội chi còn khoảng 4,09% GDP.
Dự toán tổng chi ngân sách nhà nước năm 2023 là 2.076.244 tỷ đồng. Tổng chi ngân sách trung ương là hơn 1,29 triệu tỷ đồng (chiếm 62,3% tổng chi ngân sách nhà nước), trong đó 436.204 tỷ đồng để bổ sung cân đối ngân sách, bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương (gần 33,8%).
Tổng mức vay của ngân sách nhà nước là 648.213 tỷ đồng, trong khi mức bội chi ngân sách nhà nước là 455.500 tỷ đồng (4,42% GDP). Với dự toán thu ngân sách khá thấp nên mức bội chi vượt mục tiêu trung hạn (3% GDP) khá nhiều. Không rõ mức vay được phê duyệt cao hơn mức bội chi là dự kiến cho mục tiêu vay nào.
Theo Bộ Kế hoạch đầu tư, Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội 2022-2023 đã giải ngân được hơn 80.800 tỷ đồng trong năm 2022, trong đó các khoản mục giải ngân nhanh là chi liên quan đến thuế, phí như giảm thuế, phí, lệ phí (52.623 tỷ đồng), hỗ trợ chi phí cơ hội thông qua gia hạn thời gian nộp thuế, tiền thuê đất (7.400 tỷ đồng); gói gia hạn thuế giải ngân được 72,5%.
Có ý kiến cho rằng cần chuyển kinh phí các gói chậm giải ngân sang cho các gói miễn giảm thuế phí, gia hạn thời gian nộp thuế, tiền thuê đất, hỗ trợ an sinh, hỗ trợ nhà ở cho người lao động... Tuy nhiên, có thể thấy rằng nhiều doanh nghiệp khó khăn đến mức không có lãi, không có nghĩa vụ nộp thuế thu nhập nên hỗ trợ giảm thuế thu nhập doanh nghiệp không có nghĩa như giảm thuế giá trị gia tăng, tiền thuê đất…
Đáng chú ý là hỗ trợ 2% lãi suất chỉ đạt hơn 134 tỷ đồng. Doanh nghiệp như Hiệp hội Vận tải, Da giày công nhận chủ trương là đúng đắn nhưng rất ít doanh nghiệp được hưởng do điều kiện hỗ trợ không hiện thực (không nợ thuế, kinh doanh phải có lãi hoặc hòa vốn).
Trong khi đó, hầu hết doanh nghiệp vận tải đều thua lỗ, kiệt quệ trong hai năm dịch bệnh Covid-19. Thủ tục phức tạp, tốn kém chi phí đối với cả doanh nghiệp và ngân hàng thương mại (chi phí xét duyệt, thẩm định các tiêu chí), trong khi đang phải xử lý một loạt các vấn đề khác không kém phần quan trọng trong tình hình mới.
Ngân hàng Nhà nước đã kiến nghị Chính phủ hai giải pháp đối với gói hỗ trợ lãi suất 2%. Một, điều chuyển nguồn tiền sang các nhiệm vụ chi có khả năng hấp thụ tốt hơn; ví dụ, chương trình cho vay giải ngân qua ngân hàng CSXH, chương trình cho vay giải quyết việc làm. Hai, doanh nghiệp có thể tiếp cận thông qua biện pháp miễn giảm thuế. Để giảm lãi suất đỡ tốn kém chi phí hơn thì có thể xem xét chuyển gói hỗ trợ lãi suất 2% cho Ngân hàng Nhà nước với yêu cầu giảm lãi suất điều hành tương ứng.
Kho bạc Nhà nước khẳng định việc giải ngân vốn đầu tư công không hoàn thành kế hoạch là do không có khối lượng thanh toán; còn ở khâu cuối cùng (rút tiền từ Kho bạc Nhà nước) không có bất cứ trở ngại nào. Kho bạc Nhà nước đã chủ động rút ngắn thời gian kiểm soát chi đối với hồ sơ, hợp đồng theo hướng “thanh toán trước, kiểm soát sau”, tiếp nhận và giải quyết hồ sơ, chứng từ trong vòng một ngày đối với các khoản tạm ứng và thanh toán từng lần. Có thời điểm Kho bạc Nhà nước còn giải ngân theo khối lượng báo cáo của đơn vị trên hệ thống internet và hậu kiểm.
Tuy nhiên, vẫn có ý kiến cho rằng vướng mắc nhất trong lĩnh vực đầu tư công là thanh quyết toán với dẫn chứng có công trình kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long từ năm 2010 đến nay chưa quyết toán được; do đó, cần thay đổi điều kiện, cách thức, thủ tục thanh toán cho nhà thầu ở Kho bạc Nhà nước. Với quy định hiện nay, cuối năm doanh nghiệp mới thanh toán được, trong khi doanh nghiệp làm cả năm, từ đó dẫn tới nợ lẫn nhau rất nhiều, hoặc doanh nghiệp phải đi vay ngân hàng, nhưng hiện nay vay vốn ngân hàng rất khó khăn...
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 10-2023 phát hành ngày 06-03-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam