09:01 27/02/2021

Hai tháng đầu năm, giá dầu tăng gần 30%

Diệp Vũ

Xu hướng của giá dầu thế giới từ đầu năm tới nay là tăng mạnh, với giá dầu WTI hiện đã tăng 29,5%

Ảnh minh họa - Ảnh: Bloomberg.
Ảnh minh họa - Ảnh: Bloomberg.

Giá dầu thế giới giảm mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu (26/2), khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ sụt giảm và kỳ vọng rằng khi giá dầu đi lên, nguồn cung dầu sẽ tăng.

Lúc đóng cửa, giá dầu WTI giao sau tại thị trường New York giảm 2,3 USD/thùng, tương đương giảm 3,2%, còn 61,5 USD/thùng. Giá dầu Brent giao sau tại thị trường London chốt phiên giảm 0,91 USD/thùng, tương đương giảm gần 1,4%, còn 65,97 USD/thùng.

Tính cả tuần này, giá dầu WTI tăng 3,8%. Tính cả tháng, giá dầu WTI tăng 17,8%. Trong phiên ngày thứ Năm, loại dầu này đạt mức giá đóng cửa gần cao nhất 22 tháng.

Giá dầu tăng mạnh trong tuần này và tháng này là do "kỳ vọng cải thiện nhu cầu trong khi nguồn cung dầu toàn cầu vẫn đang hạn chế", nhà phân tích Marshall Steeves thuộc IHS Markit nói với trang MarketWatch.

Tuy nhiên, ông Steeves cũng cho rằng nguồn cung dầu của Mỹ sẽ nhanh chóng hồi phục sau đợt gián đoạn vì những cơn bão mùa đông ở Mỹ, và "có khả năng sẽ không ảnh hưởng nhiều đến dữ liệu hàng tuần về lượng dầu tồn kho mà Mỹ sẽ công bố vào tuần tới".

Trong phiên ngày thứ Sáu, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ đã giảm về ngưỡng 1,4%, sau khi tăng vọt lên ngưỡng cao nhất 1 năm là 1,6% trong phiên ngày thứ Năm.

Thời gian gần đây, giá dầu tăng theo lợi suất trái phiếu vì đà tăng của lợi suất phản ánh kỳ vọng tăng về lạm phát và triển vọng phục hồi kinh tế. Phiên này, lợi suất giảm xuống kéo giá dầu xuống theo. Ngoài ra, đồng USD tăng giá cũng tạo thêm sức ép giảm lên giá dầu.

Xu hướng của giá dầu thế giới từ đầu năm tới nay là tăng mạnh, với giá dầu WTI hiện đã tăng 29,5%, nhờ nỗ lực hạn chế sản lượng của liên minh OPEC+, kỳ vọng phục hồi kinh tế nhờ vaccine Covid-19, kỳ vọng lạm phát, và gần đây là sự suy giảm sản lượng dầu vì thời tiết đóng băng ở bang Texas - "vựa dầu" của Mỹ.

Hai tháng đầu năm, giá dầu tăng gần 30% - Ảnh 1.

Diễn biến giá dầu WTI ở New York từ đầu năm đến nay. Đơn vị: USD/thùng - Nguồn: Trading View.

Với mức tăng như vậy của giá dầu, nhiều nhà đầu tư hiện tin rằng trong cuộc họp tuần tới, OPEC+ sẽ đi đến một quyết định nới sản lượng, nhất là khi nhu cầu tiêu thụ dầu ở vùng bán cầu Nam sẽ tăng lên khi mùa hè đến gần và các biện pháp phong tỏa chống Covid-19 được nới lỏng.

OPEC+ là liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và đồng minh gồm Nga.

"Đối với OPEC+, một quyết định về vấn đề sản lượng ở thời điểm này rất quan trọng, vì giá dầu đã hồi phục vượt mức trước đại dịch, lượng dầu tồn kho trên toàn cầu đang rút xuống, và tốc độ triển khai vaccine được đẩy nhanh", ông Lachlan Shaw - trưởng bộ phận hàng hóa cơ bản của National Australia Bank - nhận xét.

"Có lẽ thị trường đúng khi tin rằng ở mức giá này, và với những yếu tố nền tảng như hiện nay, nguồn cung dầu trên thị trường sẽ dần tăng lên".