09:58 03/02/2010

Hàn Quốc bội thu về xuất khẩu

Quốc Trung

Hàn Quốc vừa công bố xuất khẩu của nước này trong tháng 1/2010 tăng trưởng tới 47,1% so với cùng kỳ năm 2009

Ôtô Hyundai đang được đưa lên tàu để xuất khẩu - Ảnh: Reuters.
Ôtô Hyundai đang được đưa lên tàu để xuất khẩu - Ảnh: Reuters.
Chính phủ Hàn Quốc vừa công bố một báo cáo cho biết, xuất khẩu của nước này trong tháng 1 tăng trưởng tới 47,1% so với cùng kỳ năm 2009, là mức cao nhất trong vòng hơn hai thập kỷ qua. Thành tích xuất khẩu ấn tượng này là một minh chứng về sự phục hồi nhanh của kinh tế Hàn Quốc.

 Bộ Kinh tế Tri thức Hàn Quốc hôm 1/2 cho biết, xuất khẩu của nước này trong tháng 1 đạt 31,08 tỉ USD, tăng 47,1% so với cùng kỳ năm 2009. Đây là mức tăng cao nhất kể từ đợt tăng mạnh 52,6% hồi năm 1988.

Nền kinh tế trên đà phục hồi nhanh

Các nhóm hàng xuất khẩu của Hàn Quốc tăng trưởng mạnh là: phụ tùng ô tô tăng 158%, linh kiện bán dẫn tăng 121,6%, hàng điện tử gia dụng, sản phẩm hóa dầu và ô tô đều tăng ở mức hai con số so với cùng kỳ năm ngoái. Về thị trường, xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc tăng mạnh nhất, ở mức 88,5% so với cùng kỳ năm 2009, tiếp sau là các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) với 50,3%.

Tuy nhiên, xuất khẩu của Hàn Quốc tăng mạnh, song cũng không thể ngăn chặn được thâm hụt thương mại ở mức 470 triệu USD trong tháng 1/2010. Đây là lần đầu tiên trong hơn 1 năm qua, Hàn Quốc phải đối mặt với thâm hụt thương mại. Lần thâm hụt gần đây nhất là tháng 1/2009, ở mức 3,76 tỉ USD.

Theo Thứ trưởng Bộ Kinh tế Tri thức Lee Dong Geun, nguyên nhân thâm hụt là do thời tiết lạnh bất thường khiến giá dầu mỏ, nguyên liệu thô và nhu cầu về nhiên liệu tăng cao, góp phần đẩy nhập khẩu trong tháng 1 lên mức 31,55 tỉ USD, tăng 26,7% so với cùng kỳ năm 2009.

Theo ông Lee Dong Geun, cán cân thương mại của Hàn Quốc trong tháng 2 có thể đạt thặng dư khoảng 2 tỉ USD nhờ xuất khẩu tàu thuyền và công nghệ thông tin có chiều hướng tăng mạnh.

xuất khẩu của Hàn Quốc tăng mạnh trở lại đặc biệt có ý nghĩa với nền kinh tế vốn lệ thuộc nhiều vào xuất khẩu của nước này và trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc (thị trường xuất khẩu lớn của Hàn Quốc) đã không đạt được tốc độ tăng trưởng dự kiến là 10%. Trong khi đó, giá trị thương mại toàn cầu năm 2009 giảm tới 12%.

Tuần trước, Chính phủ nước này cũng đã công bố báo cáo cho biết, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này đã tăng trưởng 0,2% so với năm ngoái, thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 1998. Nhưng vượt xa mức dự báo, cho rằng kinh tế Hàn Quốc sẽ tăng trưởng âm 5% năm 2009.

Xuất khẩu sẽ tăng mạnh trong năm 2010

Theo công bố của IMF vào tháng 1, Hàn Quốc có tốc độ tăng trưởng cao thứ ba thế giới vào năm ngoái, sau Trung Quốc và Ấn Độ. Vì vậy, xét bối cảnh hiện tại trên toàn cầu, Hàn Quốc đã làm khá tốt việc vực dậy nền kinh tế sau khủng hoảng.

Năm 2009, chính phủ Hàn Quốc đã đưa ra các gói cứu trợ đúng lúc và quyết liệt, giúp các ngành sản xuất và nền kinh tế sớm phục hồi, tạo đà cho xuất khẩu tăng trưởng. Theo thống kê của IMF, Hàn Quốc đã chi gần 4% GDP cho các biện pháp kích thích. Nếu không có những khoản trợ giúp tài chính, sẽ là rất khó khăn để nền kinh tế Hàn Quốc hồi phục một cách nhanh chóng. Hàn Quốc cũng đã bảo đảm ổn định hệ thống ngân hàng và thị trường tài chính.

Giới phân tích của Hàn Quốc dự báo, với đà phục hồi kinh tế, xuất khẩu tăng trưởng mạnh, năm 2010, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc dễ dàng đạt khoảng 4%. Trong khi, các tổ chức kinh tế quốc tế tiếp tục nâng cao dự báo tăng trưởng của Hàn Quốc lên mức dự 5% trong năm nay.

Dự kiến, xuất khẩu của Hàn Quốc năm nay tiếp tục tăng trưởng mạnh ở các ngành ôtô và công nghệ thông tin, vì hai lĩnh vực đầu tàu của xuất khẩu Hàn Quốc này được hưởng lợi nhiều từ sự hồi phục của kinh tế thế giới.

Theo các chuyên gia, một trong những trở ngại lớn nhất của ngành xuất khẩu nói riêng và kinh tế Hàn Quốc nói chung hiện nay là việc các ngân hàng lớn có thể siết chặt quản lý tài chính; tăng lãi suất để tránh rủi ro, theo đó, nhu cầu tiêu dùng của thế giới có thể giảm.

Đầu tháng 1 vừa qua, Chính phủ Trung Quốc đã yêu cầu các ngân hàng tăng tỷ lệ dự trữ tiền mặt lên gấp đôi và chính phủ Mỹ đã tuyên bố các biện pháp siết chặt tài chính, gây lo ngại cho giới doanh nghiệp và nhiều nền kinh tế.