Hàng chục dự án nghiên cứu đầu tư vào Đà Nẵng với tổng vốn 5,6 tỷ USD
Bên cạnh 15 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư/quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, tổng vốn đầu tư khoảng 8.505 tỷ đồng (369,8 triệu USD), TP Đà Nẵng còn cấp chủ trương nghiên cứu đầu tư cho 12 dự án đầu tư vào Khu công nghệ cao, tổng vốn đầu tư khoảng 5,2 tỷ USD...
Tại Diễn đàn đầu tư Đà Nẵng 2022, UBND TP Đà Nẵng đã trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư/quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, chủ trương nghiên cứu đầu tư, thông báo về việc nghiên cứu, tìm hiểu cơ hội đầu tư, đóng góp ý tưởng quy hoạch, Bản ghi nhớ hợp tác nghiên cứu đầu tư cho 27 dự án với tổng vốn đầu tư đề xuất hơn 5,6 tỷ USD.
15 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư/quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, tổng vốn đầu tư khoảng 8.505 tỷ đồng, tương đương 369,8 triệu USD.
Trong đó có 6 dự án ngoài Khu Công nghệ cao, khu công nghiệp và khu công nghệ thông tin tập trung , tổng vốn đầu tư khoảng 4.472 tỷ đồng tương đương 194,4 triệu USD. Có 9 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trong Khu Công nghệ cao, khu công nghiệp và khu công nghệ thông tin tập trung, tổng vốn đầu tư khoảng 4.033 tỷ đồng, tương đương 175,3 triệu USD.
12 dự án được cấp chủ trương nghiên cứu đầu tư, thông báo về việc nghiên cứu, tìm hiểu cơ hội đầu tư, đóng góp ý tưởng quy hoạch, bản ghi nhớ hợp tác nghiên cứu đầu tư, tổng vốn đầu tư khoảng 5,2 tỷ USD.
Phát biểu bế mạc Diễn đàn đầu tư Đà Nẵng 2022, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành uỷ TP Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng đã thay mặt lãnh đạo thành phố khẳng định và cam kết 5 vấn đề.
Thứ nhất, trong phạm vi thẩm quyền của mình, thành phố sẽ tiếp tục xây dựng và kiến nghị với Trung ương bổ sung các cơ chế, chính sách để khuyến khích đầu tư, nhất là các điều kiện để hình thành Trung tâm tài chính; Khu phi thuế quan; Trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; Trung tâm tổ chức sự kiện quốc tế; Trung tâm nghiên cứu và phát triển. Đồng thời, Đà Nẵng sẽ nghiên cứu cơ chế, chính sách và hỗ trợ đầu tư trên lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp công nghệ thông tin, chuyển đổi số, công nghiệp phụ trợ, hình thành các trung tâm thương mại, khu vui chơi đẳng cấp, có các cơ chế xã hội hóa để mời gọi, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư thiết lập và triển khai dự án về y tế và văn hóa tại thành phố Đà Nẵng.
Thứ hai, chuẩn bị đầy đủ điều kiện về quy hoạch, hạ tầng để đón dòng vốn đầu tư, sớm phê duyệt các quy hoạch phân khu làm cơ sở quan trọng để kêu gọi đầu tư; chuẩn bị sẵn sàng quỹ đất gắn với hạ tầng đồng bộ trong các khu, cụm công nghiệp. Đẩy nhanh đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng giao thông, như đường vành đai phía Tây, xây dựng Nhà ga hàng hóa tại Cảng Hàng không Quốc tế Đà Nẵng, mở thêm các đường bay quốc tế, đặc biệt là đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án đầu tư xây dựng Bến cảng Liên Chiểu và nhiều công trình, hạ tầng kỹ thuật khác.
Thứ ba, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính. Đà Nẵng cam kết chấn chỉnh thái độ làm việc, xử lý nghiêm những trường hợp cán bộ, công chức gây cản trở, thiếu trách nhiệm trong quá trình xử lý hồ sơ các dự án đầu tư.
Thứ tư, đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Thời gian tới, thành phố sẽ sớm ban hành và triển khai có hiệu quả Đề án Phát triển và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao vào thành phố đến năm 2030; tăng cường tổ chức các chương trình, hoạt động kết nối cung - cầu nhân lực theo nhu cầu của doanh nghiệp. Có cơ chế khuyến khích, hỗ trợ tăng cường kết nối giữa doanh nghiệp và cơ sở đào tạo địa phương, giải quyết khó khăn của doanh nghiệp trong việc thu hút lao động lành nghề, đáp ứng tiêu chuẩn, kỹ năng thực tiễn mà doanh nghiệp cần. Có chính sách thu hút nguồn nhân lực kỹ thuật cao, chuyên sâu đến làm việc tại thành phố. Đặc biệt, Đà Nẵng đang phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội hình thành Trung tâm đào tạo nghề chất lượng cao của khu vực miền Trung - Tây Nguyên trên cơ sở Trường Cao đẳng nghề Đà Nẵng.
Thứ năm, thành phố đang và sẽ quyết tâm báo cáo cấp có thẩm quyền tháo gỡ các vướng mắc cho các công trình, dự án gặp khó khăn, vướng mắc trong nhiều năm trên tinh thần đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân để khơi thông các nguồn lực, phục vụ sự phát triển của thành phố và doanh nghiệp.