Hàng chục nghìn người biểu tình, quận tài chính Hồng Kông tê liệt
Cảnh tượng hỗn loạn đã diễn ra ở khu vực quận tài chính trung tâm Hồng Kông vào buổi sáng ngày thứ Tư
Cảnh tượng hỗn loạn đã diễn ra ở khu vực quận tài chính trung tâm Hồng Kông vào buổi sáng ngày thứ Tư, khi hàng chục nghìn người xuống đường biểu tình phản đối dự luật cho phép dẫn độ tội phạm từ Hồng Kông sang Trung Quốc đại lục để xét xử.
Theo tin từ Reuters, người biểu tình đã tập trung trên và xung quanh đại lộ Lung Wo Road, một tuyến đường quan trọng gần văn phòng của trưởng đặc khu hành chính Hồng Kông Carrie Lam. Hàng trăm cảnh sát chống bạo động đã được triển khai để ngăn người biểu tình tiến sâu vào khu vực này.
Nhiều người biểu tình đã dựng rào chắn gây cản trở giao thông, phớt lờ sự ngăn chặn và những lời kêu gọi giải tán của cảnh sát. Cảnh tượng này khiến nhiều người nhớ lại các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ từng khiến Hồng Kông rơi vào tình trạng tê liệt kéo dài hồi cuối năm 2014.
Biểu tình đã bắt đầu từ đêm ngày thứ Ba, và số lượng người tham gia đã gia tăng mạnh trong buổi sáng ngày thứ Tư trước khi Hội đồng Lập pháp Hồng Kông (LegCo), tức nghị viện của vùng lãnh thổ, bắt đầu vòng thảo luận thứ hai về dự luật dẫn độ gây tranh cãi.
Vào cuối tuần trước, người Hồng Kông đã rầm rộ biểu tình phản đối dự luật này. Nhiều học giả và doanh nhân cũng đã lên tiếng cảnh báo rằng việc thông qua dự luật sẽ gây tổn hại uy tín của Hồng Kông với tư cách một trung tâm tài chính quốc tế.
Tuy nhiên, bà Lam vẫn thể hiện quyết tâm thúc đẩy dự luật. Hiện chưa rõ liệu dự luật có thể được thông qua trong tháng 7 như bà Lam mong muốn hay không.
Trong cuộc biểu tình sáng nay, rào chắn đã được dựng lên trên những con đường xung quanh khu trung tâm tài chính với những cao ốc là văn phòng của nhiều công ty hàng đầu thế giới như ngân hàng HSBC. Nhiều công ty có văn phòng ở khu này như HSBC và Standard Chartered đã bố trí công việc linh động cho nhân viên trong ngày thứ Tư - truyền thông Hồng Kông cho hay.
Anh trao trả lại Hồng Kông cho Trung Quốc vào năm 1997, và kể từ đó công thức "một quốc gia, hai chế độ" đã được áp dụng đối với vùng lãnh thổ này. Theo đó, Hồng Kông là một phần của Trung Quốc, nhưng được độc lập về kinh tế, chính trị và luật pháp.
Tuy nhiên, có nhiều ý kiến cho rằng Trung Quốc đại lục đã can thiệp nhiều vào Hồng Kông trong 22 năm qua, bao gồm cản trở các cải cách dân chủ ở Hồng Kông. Bắc Kinh phủ nhận những cáo buộc như vậy.
Tuần này, truyền thông nhà nước Trung Quốc nói rằng "các thế lực nước ngoài" đang tìm cách gây tổn hại cho Trung Quốc bằng cách kích động biểu tình phản đối dự luật dẫn độ của Hồng Kông.
Dưới đây là một số hình ảnh về cuộc biểu tình ở Hồng Kông sáng 12/6:
Biểu tình bắt đầu từ tối ngày thứ Ba và đến sáng ngày thứ Tư có thêm một lượng lớn người tham gia - Ảnh: Reuters
Một lực lượng lớn cảnh sát được huy động để ngăn người biểu tình - Ảnh: Reuters.
Nhiều người biểu tình đeo khẩu trang và kính để phòng hơi cay của cảnh sát - Ảnh: AP.
Người biểu tình dựng rào chắn trên đường - Ảnh: Reuters.
Người biểu tình dùng ô che chắn khi đối diện lực lượng cảnh sát - Ảnh: AP.