14:09 09/01/2023

Hàng giả “tung hoành” dịp sát Tết Nguyên đán

Như Nguyệt

Để đối phó với cơ quan chức năng, nhiều đối tượng lựa chọn hình thức bán hàng online để tiêu thụ hàng giả...

Phòng Cảnh sát kinh tế kiểm tra kho hàng của Lương Biên Cương. Ảnh: Công an TP Hà Nội.
Phòng Cảnh sát kinh tế kiểm tra kho hàng của Lương Biên Cương. Ảnh: Công an TP Hà Nội.

Thực hiện cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, đảm bảo an ninh, an toàn Tết nguyên đán Quý Mão 2023, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an TP Hà Nội vừa triệt phá ổ nhóm sản xuất hàng giả là keo dán công nghiệp với quy mô lớn.

Theo điều tra, Lương Biên Cương (SN 1984, trú tại xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, Hà Nội) là giám đốc Công ty TNHH đầu tư xây dựng Lương Gia Phát. Năm 2012, Công ty Lương Gia Phát là có kinh doanh thương mại và phân phối hóa chất keo cấy thép nhãn hiệu Ramset Epco G5 pro chính hãng. Nhãn hiệu Ramset Epcon G5 thuộc quyền sở hữu của tập đoàn Illinois Tool Work Inc (Hoa Kỳ) được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và công nghệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu.

Công ty TNHH thương mại MFC Việt Nam là đơn vị được ủy quyền, bảo vệ các thương hiệu trên tại Việt Nam. Sau một thời gian nắm được thị trường và thấy kinh doanh có lợi nhuận, nên từ khoảng đầu năm 2020, Cương đã nảy sinh ý định sản xuất keo giả để kiếm lời.

Để sản xuất hàng giả, Cương đặt mua keo không rõ nguồn gốc từ Trung Quốc, đặt mua vỏ tuýp đựng keo, tự đặt in tem nhãn giả. Cương thuê nhân viên dán tem nhãn giả hoàn thiện sản phẩm và giao bán cho những người có nhu cầu sử dụng trên mạng internet, Shoppe, Lazada.

Ngày 3/1/2023, tại tổ dân phố 11, phường Nguyễn Trãi, quận Hà Đông, Tổ công tác Phòng Cảnh sát kinh tế kiểm tra phát hiện Nguyễn Xuân Tân (SN 1991; trú tại Sơn Tây, Hà Nội) đang bốc xếp 03 thùng cát tông đựng 45 sản phẩm hóa chất cấy thép, nhãn hiệu Ramset Epcon G5 Pro không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ.

Đại diện cho Công ty TNHH thương mại MFC Việt Nam khẳng định toàn bộ số hàng hóa trên là hàng giả, không phải là chính hãng.

Tân khai nhận toàn bộ số hàng hóa trên do Cương chỉ đạo sản xuất. Ngày 03/01/2023, Tân lấy hàng giả từ địa chỉ trên đi giao cho khách thì bị Cơ quan Công an kiểm tra phát hiện.

Khám xét khẩn cấp các kho hàng của Cương, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã thu giữ của các đối tượng 1.083 sản phẩm hóa chất keo giả nhãn hiệu Ramset Epcon G5, trị giá so với hàng thật là gần 748 triệu đồng cùng nhiều sản phẩm nhãn hiệu khác, sản phẩm chưa hoàn thiện, nguyên liệu, công cụ, nhiều tem nhãn dùng để sản xuất hàng giả.
 
Cơ quan Cảnh sát điều tra đã tạm giữ hình sự đối với Lương Biên Cương, Lương Hồng Quân (SN 1995, trú tại Viên Sơn, Sơn Tây, Hà Nội), Trương Công Lanh (SN 1990, trú tại Yên Định, Thanh Hóa) về hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả.

Hiện Phòng Cảnh sát kinh tế đang tiếp tục củng cố hồ sơ, xử lý các đối tượng theo quy định của pháp luật.

Kho xưởng - nơi sản xuất hàng giả. Ảnh: Công an TP Hà Nội.
Kho xưởng - nơi sản xuất hàng giả. Ảnh: Công an TP Hà Nội.

Trước đó, Cơ quan An ninh điều tra Công an TP Hà Nội đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự Nguyễn Tiến Đạt cùng đồng phạm sản xuất, buôn bán hàng giả xảy ra tại thành phố Hà Nội.

Ngày 28/12/2022, Cơ quan điều tra tiếp tục ra Quyết định khởi tố bị can, lệnh tạm giam đối với 3 đối tượng, gồm: Nguyễn Tiến Đạt (SN  1993; trú tại Khu đô thị Nam Trung Yên, phường Yên Hoà, Cầu Giấy, Hà Nội); Phan Thành Long (SN 1999; trú tại xóm 2, thôn Liệp Mai, xã Ngọc Liệp, huyện Quốc Oai, Hà Nội) và Đinh Văn Thịnh (SN 1993; trú tại thôn Liệp Mai, xã Ngọc Liệp, huyện Quốc Oai, Hà Nội) cùng về tội Sản xuất, buôn bán hàng giả, quy định tại điều 192 - Bộ luật Hình sự.

Ngày 29/12/2022, Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội đã phê chuẩn các quyết định khởi tố và Lệnh tạm giam nên trên.

Cơ quan điều tra đã khám xét khẩn cấp 08 địa điểm, thu giữ hơn 100 tấn sách với gần 400 đầu sách, tương đương gần 400.000 cuốn sách và nhiều máy móc, thiết bị, phương tiện dùng để sản xuất,buôn bán sách giả.

 

Tội sản xuất, buôn bán hàng giả xâm phạm các quy định của Nhà nước trong quản lý thị trường, xâm phạm lợi ích người tiêu dùng, quyền được bảo hộ của các doanh nghiệp, các nhà sản xuất kinh doanh đứng đắn.

Theo Điều 192 Bộ luật Hình sự 2015, người phạm tội có thể bị phạt tù đến 15 năm tù nếu hàng giả có giá thành sản xuất 100 triệu đồng trở lên; hàng giả có giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn từ 200 triệu đồng trở lên; hàng giả tương đương với số lượng hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tình năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 500 triệu đồng trở lên; thu lời bất bất chính 500 triệu đồng trở lên.

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.