10:41 23/10/2008

Hàng hiệu ế

Doanh thu hàng hiệu cao cấp tại thị trường Việt Nam đã sụt giảm so với cùng kỳ năm ngoái

Nhiêu người vẫn tiếp tục xài hàng hiệu, nhưng giảm bớt số lần mua sắm.
Nhiêu người vẫn tiếp tục xài hàng hiệu, nhưng giảm bớt số lần mua sắm.
Kết quả khảo sát của một công ty nghiên cứu thị trường cho thấy doanh thu hàng hiệu cao cấp tại thị trường Việt Nam đã sụt giảm khoảng 25% so với cùng kỳ năm ngoái.

Thay đổi cách tiêu dùng

Hai tháng gần đây, bà Nguyễn Thị Kim Thuỷ đã chịu khó vào các tiệm spa nhỏ để chăm sóc da với chi phí khoảng 17 - 25 USD/lần. Trước, bà chỉ chọn các spa cao cấp có mức giá từ 48 USD/lần chăm sóc da.

Cô Nguyễn Thị Thuỳ Anh, đã sáu tháng qua chỉ tốn 120 USD mua nước hoa sau khi đã xài hết chai cũ. Trước đây, cô thường chi tiêu cả ngàn USD cho nhu cầu này.

Nhận xét về sự thay đổi trong  mua sắm hàng hoá của những khách hàng cao cấp, ông Trần Quốc Chung, Tổng giám đốc Công ty Phương Phát - một trong những công ty đang nắm quyền phân phối nhiều nhãn nước hoa hàng hiệu cao cấp hàng đầu thị trường hiện nay, nói: “Những người có thu nhập ở vào khoảng trung bình khá, trong đó có cả những người giàu mới phất từ các cơ hội kinh doanh bất động sản, chứng khoán hoặc vàng đã chia thành hai nhóm: một nhóm vẫn tiếp tục sử dụng hàng cao cấp nhưng giảm bớt số lần mua sắm, một nhóm chuyển hẳn sang dùng hàng thấp cấp hơn để vẫn giữ mức độ chi dùng nhưng tốn kém ít hơn. Nhưng nhìn chung, hành vi của cả hai nhóm vẫn là hành vi giảm chi tiêu”.

Bà Nguyễn Thị Màu, chủ quầy trang sức cao cấp tại thương xá Tax nhận xét: “Số khách sắm trang sức bộ với mức giá vài trăm đến vài ngàn USD/lần đã giảm gần một nửa so với trước. Khách đến đổi kiểu, đổi hột để luôn có trang sức mới cũng giảm hẳn. Lý do là thời gian qua họ không trúng được các khoản lớn từ chứng khoán, đất đai như năm rồi. Trong các tháng qua, chỉ còn lại khách mua trang sức làm quà tặng là vẫn giữ như cũ”.

Hàng hiệu gặp khó

Ông Chung cho biết, theo số liệu thống kê của một công ty nghiên cứu thị trường thì năm ngoái, tiêu dùng hàng hiệu cao cấp tăng khoảng 35% và dự kiến mức độ tiêu thụ hàng hiệu tại Việt Nam năm 2008 cũng tăng khoảng 20 - 30%.

Thế nhưng thực tế nhiều nhãn hiệu đã bị giảm khoảng 10 - 15%, một số ít nhãn hiệu bị giảm tới 25% so với cùng kỳ. Nếu tính cả dự kiến tăng trưởng thì thị phần hàng hiệu đã bị giảm đến gần 50%.

Bà Kim Thuỷ kể: "Trước đây tôi đi shopping hễ thấy thích là mua. Đến trung tâm thương mại mới khai trương, shop đang khuyến mãi thấy giá rẻ một chút là mua. Bởi lẽ mỗi lần mua sắm chi vài trăm hay vài ngàn đô, nhưng mức chi này chẳng thấm vào đâu so lợi nhuận thu được mỗi khi bảng chứng khoán xanh, mũi tên giá bất động sản đi lên. Nay thì khác, toàn lấy vốn ra xài nên chi tiêu cũng phải xem lại."

Thống kê ở một số trung tâm thương mại cao cấp tại Tp.HCM, lượng khách đến mua sắm hàng hiệu cao cấp đã giảm khoảng 20% trong vòng ba tháng qua. Cụ thể tại Zen Plaza, theo bà Triệu Thị Hương Giang - Phó tổng giám đốc: giai đoạn tháng 6 - 7 - 8 là thời điểm hầu như nhãn hàng thời trang nào cũng bị giảm doanh số.

Ngoại trừ một số ít nhãn hàng cao cấp có đối tượng khách mua là lứa tuổi trung niên có mức giảm ít, còn lại đa phần các nhãn khác đều bị giảm 5 - 15%. Mãi đến tháng 9 vừa qua, nhờ có đợt big sale lớn nhất trong năm suốt 10 ngày, mới kéo tổng doanh thu của Zen tăng được vài phần trăm.

Tổng giám đốc của một tập đoàn đang nắm quyền phân phối 23 nhãn hiệu mỹ phẩm, quần áo, phụ kiện thời trang cao cấp của Anh - Pháp - Mỹ - Ý tại Việt Nam nhận xét: mức sụt giảm của thị trường hàng hiệu Việt Nam tương đương với các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, khoảng 25% so với cùng kỳ.

Sự sụt giảm này được chính các tập đoàn hàng hiệu đánh giá là tình hình chung của toàn thế giới, sự tất yếu trong bối cảnh lạm phát. Nhưng vấn đề là hiện nay Việt Nam đang đứng thứ nhất trong tổng xếp hạng của thế giới về vị trí thị trường bán lẻ hấp dẫn toàn cầu, nên bằng mọi giá các nhãn hiệu nước ngoài đều tìm cách mở cho bằng được cửa hàng, hoặc đại lý ở Việt Nam.

Vì thế mà tuy doanh thu có sụt giảm, các điểm mua sắm mới, các trung tâm thương mại mới cũng sẽ liên tục khai trương để đón tương lai khởi phát lại của thị trường hàng hiệu.

Minh Thành (SGTT)