09:07 25/07/2007

Hàng hóa xuất khẩu: “Doanh nghiệp phải tự chịu trách nhiệm”

Đức Thành

Từ đầu năm đến nay đã có khoảng 240 lô hàng thực phẩm của Việt Nam xuất sang Mỹ bị từ chối do vệ sinh an toàn thực phẩm

"Các doanh nghiệp phải tự mình thực hiện đúng để đảm bảo thương hiệu của doanh nghiệp và thị trường của mình."
"Các doanh nghiệp phải tự mình thực hiện đúng để đảm bảo thương hiệu của doanh nghiệp và thị trường của mình."
Theo thông báo mới nhất của Cơ quan Quản lý thực phẩm, dược phẩm Mỹ (FDA), từ đầu năm đến nay đã có khoảng 240 lô hàng thực phẩm của Việt Nam xuất sang Mỹ bị từ chối do vệ sinh an toàn thực phẩm.

Chúng tôi vừa có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Thứ trưởng thường trực Bộ Thương mại, xung quanh chđề này.

Bà có bình luận gì về chuyện hiện nay có nhiều lô hàng xuất khẩu của chúng ta bị trả lại từ một số thị trường lớn, nhất là từ Mỹ?

Có thể nói chất lượng hàng hoá xuất khẩu của chúng ta bị kiểm định và không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và bị trả lại cũng có. Đương nhiên về phía Bộ Thương mại cũng khuyến cáo tất cả các doanh nghiệp và hiệp hội ngành hàng phải cố gắng thực hiện, đảm bảo tất cả các tiêu chuẩn an toàn chất lượng vệ sinh thực phẩm đối với thị trường xuất khẩu.

Các doanh nghiệp phải tự mình thực hiện đúng để đảm bảo thương hiệu của doanh nghiệp và thị trường của mình.

Trong thực tế các doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm trước những sai phạm này, Nhà nước sẽ đưa ra hệ thống chỉ tiêu những tiêu chuẩn nào để xuất khẩu và các thương vụ của Việt Nam ở nước ngoài sẽ cung cấp thông tin là có những tiêu chuẩn mới nào để cho doanh nghiệp biết.

Ví dụ như thị trường Nhật đang ban hành một số quy định mới, tiêu chí mới cao hơn thì các thương vụ Việt Nam ở Nhật sẽ cập nhật và đưa thông tin về Việt Nam thông báo cho doanh nghiệp biết và tập huấn cho họ.

Liệu những vụ việc như vậy có tác động đến hoạt động xuất khẩu của chúng ta?

Tôi nghĩ ảnh hưởng là có nhưng sẽ cục bộ theo từng mặt hàng chứ không phải toàn bộ các mặt hàng. Chính những doanh nghiệp có hàng hoá bị trả lại đó phải có những giải pháp ngay để lấy lại uy tín và thương hiệu của mình.

Tất nhiên Bộ Thương mại sẽ làm các động tác như đã từng làm, tức là sẽ làm việc với các doanh nghiệp, hiệp hội, địa phương để khắc phục, không để tình trạng xấu thêm.

Thưa bà, rõ ràng là vai trò của Bộ Thương mại sẽ phải rất khác trước, nhất là trong bối cảnh chúng ta thực hiện các cam kết WTO, nhìn thấy được các khó khăn của doanh nghiệp trước những thách thức mới?

Chúng ta sẽ phổ biến cho các doanh nghiệp trong nước biết tất cả các hệ thống cam kết mà Việt Nam đã ký kết và hoàn chỉnh các thể chế về pháp luật, thương mại và hướng dẫn cho họ biết phải làm gì.

Hiện Bộ Thương mại không còn bao cấp, giúp đỡ như trước đây mà thay vào đó là cung cấp thông tin, đào tạo nguồn nhân lực, phổ biến các cam kết cho doanh nghiệp biết và làm.

Thưa bà, không chỉ là chuyện các doanh nghiệp chúng ta gặp khó khăn trong việc xuất khẩu hàng hoá, nhiều chuyên gia dự đoán, các doanh nghiệp sẽ khó cạnh tranh, nhất là trong lĩnh vực phân phối hàng hoá ở thị trường trong nước và nước ngoài?

Chắc chắn khó cạnh tranh không chỉ ở lĩnh vực thương mại mà còn có nhiều lĩnh vực nữa.

Tuy nhiên, việc chúng ta mở cửa phân phối cho các nhà đầu tư nước ngoài theo đúng cam kết của WTO cũng đã mở ra cơ hội để cho các doanh nghiệp phân phối của chúng ta nâng cao sức cạnh tranh của mình lên hoặc là liên kết lại để tạo ra những thương hiệu mới có thể đứng vững, nâng cao sức cạnh tranh. Tới năm 2009 chúng ta mới mở cửa toàn bộ lĩnh vực phân phối. 

Việt Nam hiện cũng được những nhà kinh tế thế giới xếp hạng thứ 3 về sức hẫp dẫn về thị trường bán lẻ. Hiện nay tất nhiên có nhiều nhà đầu tư nước ngoài hướng tới thị trường bán lẻ và chúng ta cũng sẽ cam kết thực hiện đúng như trong WTO.