10:39 04/06/2007

Hàng Trung Quốc: Không nhãn mác, không hạn dùng...

Nhiều mặt hàng Trung Quốc không nhãn mác, không hướng dẫn sử dụng đang được tiêu thụ rất mạnh, đặc biệt là ở các tỉnh

Các loại thực phẩm Trung Quốc được bày bán tràn ngập tại chợ Bình Tây, Tp.HCM - Ảnh: TT.
Các loại thực phẩm Trung Quốc được bày bán tràn ngập tại chợ Bình Tây, Tp.HCM - Ảnh: TT.
Từ biên giới đến thành thị tràn ngập hàng thực phẩm Trung Quốc không nhãn mác nên người tiêu dùng không thể biết thành phần của sản phẩm gồm những gì.

Giá các sản phẩm này rẻ đến bất ngờ và có đặc điểm để lâu vẫn... không hư!

Tại chợ Bình Tây (quận 6, Tp.HCM), trước các sạp hàng thực phẩm khô có đủ loại, từ kim châm, hạnh nhân, măng tây, nấm đông cô, rong biển… Một tiểu thương tại đây cho biết phần lớn những mặt hàng này được nhập từ Trung Quốc dưới dạng đóng thùng cactông nên không có bao bì, không nhãn mác, không hạn sử dụng, cũng chẳng biết nó được sản xuất từ những chất gì. Thế nhưng những mặt hàng này đang được tiêu thụ rất mạnh, đặc biệt là ở các tỉnh.

“Tút” lại là đẹp

Thực phẩm khô Trung Quốc dồi dào, giá nhập vào tương đối rẻ, kích thước lớn, khá bắt mắt nên tiêu thụ mạnh. Nấm đông cô có dáng to, nấu nhanh chín nên người tiêu dùng rất thích. Đặc biệt để lâu bao nhiêu cũng được! Khi nấm có bụi mốc “chỉ cần về nhà ngâm nước là nhả hết”, một tiểu thương cho biết. Các mặt hàng được bày bán nhìn có vẻ cũ cũ, một số còn bị mốc, đen nhưng chỉ cần người mua về “tút” lại theo một số bí quyết của người bán là... đẹp như thường.

Với bánh kẹo, hàng Trung Quốc thường được bán theo ký, bao bì xanh đỏ rất bắt mắt. Những chiếc bánh gạo, sôcôla hoa hồng, kẹo mềm… giá cực rẻ. Chúng có vị... lạ lạ, dễ ăn, lại được đóng gói nhỏ, tiện sử dụng. Có điều bánh không hề có hạn sử dụng, nhãn mác cũng như nơi sản xuất...

Tại các chợ Bình Tây, An Đông, Bến Thành... có bày bán nhiều loại nước giải khát dạng bột hoặc đóng gói của Trung Quốc, ngoài bao bì không có hướng dẫn sử dụng bằng tiếng Việt. La hán quả trong hộp màu xanh, bên trong chứa 12 miếng nhỏ hình chữ nhật, có mùi hắc xộc vào mũi. Theo chị H. - chủ một tiệm cà phê, loại này có ba loại, bề ngoài giống nhau như đúc nhưng quan sát kỹ sẽ thấy loại xịn nhất có dán tem, giá cao hơn.

Đủ loại bột nêm, gia vị

Sôi động hơn cả vẫn là tại các khu chợ vùng biên của Lạng Sơn. Tại chợ Đồng Đăng, một quầy hàng thực phẩm ngay cổng chợ Đồng Đăng đồ thực phẩm bày cao ngất, để tràn cả lối đi, phần lớn chúng được nhập từ Trung Quốc, từ xì dầu, bột canh, bột nêm, mì chính, gia vị lẩu, nước chấm cho đến các loại thực phẩm tẩm ướp đều được đóng gói trong những bao bì, chai lọ chi chít chữ Trung Quốc. Những gói rau quả ướp bằng thứ nước màu đỏ sền sệt, đóng trong túi nilông trong suốt, bên ngoài in lòe loẹt chữ Trung Quốc. Không có bất kỳ dòng chữ nào ghi hạn sử dụng trên các túi.

Các hộp hương liệu nước ép trái cây có xuất xứ Trung Quốc với nhiều hương vị dứa, dâu, nho... đang được các chợ bán với mức giá chỉ 4.000 - 7.000 đồng/hộp.

Chị Tâm, một tiểu thương tại chợ An Đông (Tp.HCM), cho biết “do giá bán quá rẻ cộng với mùi vị trái cây như thật nên những hộp hương liệu này hiện đang được nhiều nhà hàng, tiệm cà phê mua sỉ về pha chế”.

Cũng có nhiều mặt hàng “bổ dưỡng” như sữa bột, sữa hương vị trái cây, các loại hạt nấu sẵn đóng gói trong những chiếc bao hút chân không được nhiều người mua về nấu chè... đều không có nhãn mác, hướng dẫn sử dụng. “Người dân mình vẫn xài vì cứ nghĩ ăn vào đâu có... chết ngay” - chị Loan nói.

Chỉ riêng xì dầu đã có đến hàng chục loại, bình xì dầu dung tích 2 lít loại ngon nhất giá 20.000 đồng, các loại khác chỉ 8.000 - 15.000 đồng/bình 2 lít. Phần lớn những loại xì dầu này được đựng trong can nhựa màu trắng đục, không có niêm phong. Nhãn mác của những can xì dầu này đều in chữ Trung Quốc, hầu hết không ghi hạn sử dụng, nơi sản xuất, thành phần… Bà chủ hàng đồ khô báo giá chỉ lấy bằng 2/3 giá bán lẻ nếu có nhu cầu lấy nhiều về xuôi bán.

Trong khi đó tại chợ Lũng Vài (Trung Quốc), dân buôn đồ khô người Việt vẫn thường qua đây lấy hàng, sau đó thuê cửu vạn vác hàng theo đường mòn về tập kết tại các kho hàng thuộc khu vực thị trấn Đồng Đăng (Lạng Sơn), chờ đêm xuống xé lẻ đưa về xuôi. Giá bán các loại thực phẩm Trung Quốc tại chợ Lũng Vài khá rẻ, chỉ vài nhân dân tệ (1 Nhân dân tệ khoảng 2.000 đồng Việt Nam) là được một món. Cụ thể một can xì dầu 2 lít loại ngon giá chỉ 5-6 tệ; gói gia vị lẩu, rau củ quả tẩm ướp khoảng 0,8 - 1,5 nhân dân tệ/gói tùy loại…

Tươi nhờ chất bảo quản

Không giống như các mặt hàng khác, phần lớn hàng hoa quả Trung Quốc về Việt Nam bằng con đường hợp pháp qua cửa khẩu Tân Thanh. Chị Hoa, một người buôn bán hoa quả lâu năm tại chợ khu vực Tân Thanh, cho biết giá hoa quả Trung Quốc rẻ hơn 30-40% so với hoa quả cùng loại ở trong nước. Đặc điểm của hoa quả Trung Quốc là có hình thức rất đẹp, để được lâu, không bị nẫu. Cam, quít Trung Quốc luôn có vỏ bóng sáng, đều màu, không bị rám như cam, quít của Việt Nam. Còn hồng Trung Quốc có vỏ màu hồng đậm rất đẹp...

Chị Hoa cho hay hoa quả của Trung Quốc để được lâu, vỏ đẹp là do sau khi thu hoạch chúng được ngâm qua các bể nước hòa lẫn hóa chất bảo quản hoa quả khoảng vài giờ, sau đó mới vớt lên xuất đi. Dẫn chứng cho tôi xem, chị Hoa cầm lên một quả táo, sau đó bóc lớp sợi xốp bọc bên ngoài ra thì có những hạt màu trắng nhỏ li ti bám trên cuống của quả táo.

Chị Hương, tiểu thương chợ An Đông (Tp.HCM), cho biết: “Khi bóc lưới xốp bọc quả táo ra thấy rất nhiều hạt trắng mịn đọng trên vỏ quả chính là hóa chất bảo quản”. Nguy cơ với sức khỏe người tiêu dùng tăng lên khi người bán hay “lên đời” hàng Trung Quốc thành sản phẩm Úc, Mỹ để đánh lừa người tiêu dùng.

Gần đây, ngoài cà rốt, gừng, khoai tây Trung Quốc, thị trường Việt Nam còn làm quen với loại bông cải của Trung Quốc. Bông cải trắng Trung Quốc to, đẹp, rẻ hơn cải Đà Lạt nên tiêu thụ khá mạnh. Tuy vậy, không ai biết nó có chứa hóa chất kích thích tăng trưởng hay bảo quản trong đó hay không.