11:48 08/05/2021

Hapro bổ sung thêm ngành nghề về bất động sản

Minh Châu

Hapro quản lý mạng lưới hạ tầng thương mại cần khai thác hiệu quả, có thể trực tiếp làm chủ đầu tư một số dự án và trực tiếp tham gia quản lý các dự án tại các công ty thành viên...

Ngày 7/5, Tổng Công ty thương mại Hà Nội tổ chức Đại hội cổ đông thường niên.
Ngày 7/5, Tổng Công ty thương mại Hà Nội tổ chức Đại hội cổ đông thường niên.

Theo báo cáo tại Đại hội, năm 2020, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 hoạt động kinh doanh xuất khẩu gần như đình trệ, doanh thu mảng này sụt giảm nghiêm trọng, chỉ đạt 25 triệu USD, bằng 84% so với kế hoạch đặt ra và chỉ bằng 43,5% so với cùng kỳ năm 2019.

Các mặt hàng xuất khẩu chính gồm hạt điều, hạt tiêu, gạo, cà phê, thực phẩm chế biến được xuất sang các thị trường như Châu Âu, châu Mỹ, Trung Đông... Hapro tập trung vào hoạt động thương mại trong nước và khai thác hạ tầng thương mại.

DOANH  THU 906 TỶ  ĐỒNG, LÃI TRƯỚC THUẾ 12,2 TỶ  ĐỒNG

Kết quả, năm 2020, Hapro đạt doanh thu 906 tỷ đồng, bằng 90,6% so với kế hoạch và bằng 51,3% so với cùng kỳ năm 2019. Lợi nhuận trước thuế đạt 12,2 tỷ đồng, đạt 122% so với kế hoạch và bằng 8,9% so với cùng kỳ năm trước.

Hoạt động khai thác mạng lưới bất động sản không đạt kế hoạch do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19. Nhiều địa điểm trống không tìm được khách thuê, các địa điểm đều phải thực hiện giảm giá cho người thuê, không thực hiện điều chỉnh tăng giá theo hợp đồng đã ký kết.

Theo báo cáo của Ban Kiểm soát, tổng tài sản, nguồn vốn vào cuối năm giảm 9,66% tương ứng giá trị giảm là 327,43 tỷ đồng. Tài sản ngắn hạn và nợ phải trả của Tổng công ty hợp nhất giảm tương ứng 323,3 tỷ đồng và 283,4 tỷ đồng.

Nợ phải thu ngắn hạn tại thời điểm 31/12/2020 là 916 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 80% tổng tài sản ngắn hạn. Nợ phải thu khách hàng 268 tỷ đồng, nợ ứng trước cho người bán là 364 tỷ đồng. Trong khi đó, số dư nợ phải trả người bán là 16,7 tỷ đồng và tiền người mua trả trước là 7,7 tỷ đồng, rất thấp. Điều này cho thấy, Hapro đagn bị chiếm dụng vốn lớn.

Hết năm 2020, đầu tư tài chính dài hạn là 335,9 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 14,7% vốn chủ sở hữu.Trong đó, giá trị vốn góp của Tổng công ty vào 5 công ty con là 84,4 tỷ đồng và 19 công ty liên doanh liên kết là 190,8 tỷ đồng. Số lượng công ty tuy nhiều nhưng mức độ đóng góp vào kết quả kinh doanh hợp nhất lại có dấu hiệu suy giảm trong những năm gần đây.

Vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn tại 31/12/2020 là 159,6 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 61% nợ ngắn hạn, giảm 496,7 tỷ đồng tương ứng 76% so với đầu năm. Dư nợ vay ngắn hạn có giảm nhưng tỷ trọng nợ vay trên dư nợ ngắn hạn vẫn cao, dẫn đến Hapro phải gánh khoản lãi vay lớn, gặp nhiều áp lực trong việc trả gốc và lãi.

Kế hoạch năm 2021 là 1.109 tỷ đồng với kim ngạch xuất khẩu là 33,2 triệu USD, lợi nhuận trước thuế 38,4 tỷ đồng.

THÊM  NGÀNH  NGHỀ  BẤT  ĐỘNG  SẢN

Trong các tờ trình tại Đại hội năm nay, đáng chú ý là tờ trình về việc bổ sung ngành, nghề kinh doanh của Tổng công ty. Theo đó, Hội đồng quản trị Hapro đề nghị bổ sung các ngành nghề gồm hoạt động kiến trúc và tư vấn kỹ thuật có liên quan (bao gồm cả hoạt động khảo sát, lập quy hoạch xây dựng, thiết kế, quản lý dự án, thi công dự án đầu tư xây dựng); xây dựng nhà để ở; xây dựng nhà không để ở.

Việc bổ sung ngành nghề của công ty khiến cổ đông thắc mắc liệu doanh nghiệp có chuyển sang kinh doanh bất động sản và các dự án của doanh nghiệp có chuyển biến mới?

Trả lời cho các thắc mắc này của cổ đông, Tổng giám đốc Vũ Thanh Sơn cho biết, từ trước đến nay Hapro chỉ tập trung hoạt động chính là kinh doanh thương mại, xuất khẩu. Khi cổ phần hóa, Tổng công ty và công ty thành viên quản lý mạng lưới hạ tầng thương mại cần khai thác hiệu quả. Sau cổ phần hóa, Tổng công ty đã tập trung nghiên cứu đầu tư phát triển mạng lưới hạ tầng này. Qua đó, đề xuất Đại hội thông qua bổ sung ngành nghề để tạo điều kiện cho các bước chuẩn bị trong thời gian tới, Tổng công ty có thể trực tiếp làm chủ đầu tư một số dự án và trực tiếp tham gia quản lý các dự án tại các công ty thành viên nhằm đảm bảo dự án có hiệu quả tốt.

Được biết, theo công bố thông tin khi cổ phần hóa, Hapro được tiếp tục quản lý và sử dụng 114 địa điểm bao gồm 96 địa điểm ở Hà Nội và 18 cơ sở nhà đất tại các tỉnh thành phố khác như Hưng Yên, Quảng Nam, Đồng Tháp, Bình Dương, TP Hồ Chí Minh... Trong đó có một số cơ sở nhà đất có diện tích lớn như Khu công nghiệp Thực phẩm Hapro tại huyện Gia Lâm, Hà Nội có diện tích 326.645m2; Trung tâm kinh doanh Chợ đầu mỗi phía Nam có diện tích 37. 716 m2...

DỰ  ÁN  LỚN  ĐANG  CHỜ  CHẤP  THUẬN  CỦA  HÀ  NỘI

Cũng liên quan đến hoạt động đầu tư bất động sản, báo cáo của Tổng Giám đốc Vũ Thanh Sơn cho biết Tổng công ty rà soát, phân loại, xây dựng phương án sản xuất kinh doanh, hoàn thiện các thủ tục pháp lý, gắn với từng địa điểm, nghiên cứu và đề xuất phương án xử lý, khai thác mới đối với các địa điểm khai thác chưa có hiệu quả. Tiếp tục thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư một số dự án của Tổng công ty đồng thời rà soát lại một số dự án dở dang để xây dựng phương án tiếp tục đầu tư sau cổ phần hóa của Tổng công ty.

Nội dung này được cổ đông quan tâm với câu hỏi kết quả rà soát, phân loại ra sao, Tổng công ty có phương án gì cho từng địa điểm, các dự án dở dang được nêu từ Đại hội cổ đông năm ngoái hiện đến đâu?

Ông Vũ Thanh Sơn cho biết, Trung tâm thương mại Trương Định dự kiến tháng 9/2021 sẽ hoàn thành. Dự án số 26 Cao Thắng thuộc Công ty Bắc Qua là công ty liên kết của Công ty cổ phần Thực phẩm Hà Nội – một công ty con của Hapro. Dự án này đã hoàn thành và bắt đầu đưa vào khai thác nhưng do tình hình COVID-19 nên gặp nhiều khó khăn.

Đối với dự án Trung tâm thương mại Bắc Qua (cũng thuộc Công ty Bắc Qua), Tổng công ty trực tiếp vào cuộc giúp tháo gỡ khó khăn và hy vọng cuối 2021, dự án có thể tiếp tục khởi động trở lại.

Về kết quả rà soát, phân loại, ông Vũ Thanh Sơn cho biết, các cơ sở nhà đất dược chia thành 3 nhóm và Tổng công ty có định hướng sắp xếp sử dụng vừa phù hợp với quy hoạch của TP Hà Nội vừa đảm bảo nâng cao hiệu quả sử dụng.

Trong đó, nhóm thứ nhất là sử dụng đầu tư phát triển các cửa hàng, siêu thị mang thương hiệu BRG/Hapro dưới sự hỗ trợ của Tập đoàn BRG hướng tới xây dựng chuỗi bán lẻ.

Nhóm thứ 2 là chuỗi cửa hàng dịch vụ ăn uống, cửa hàng kem... Tổng công ty có Công ty Thủy Tạ có sản phẩm kem, nước uống tinh khiết...

Nhóm thứ 3 được sử dụng để đầu tư một số dự án hạ tầng thương mại của Tổng công ty. Về cơ bản, Tổng công ty đầu tư dự án hạ tầng thương mại, văn phòng cho thuê. Một số địa điểm, qua rà soát quy hoạch Hà Nội, Tổng công ty đã báo cáo với TP Hà Nội xin được kết hợp thêm công năng nhà ở. Hiện này chưa có trả lời của thành phố.

“Tổng công ty có một số dự án lớn đang chờ chủ trương của Thành phố. Khi có kết quả, chúng tôi sẽ công bố thông tin tới cổ đông từng dự án cụ thể” – ông Vũ Thanh Sơn nói.

“Bên cạnh ngành nghề chủ lực xuất nhập khẩu, một nội dung Tổng công ty quan tâm, chú trọng là tập trung rà soát phân loại (cơ sở đất đai) để hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư. Trong năm nay và năm tiếp theo là khai thác đầu tư các dự án bất động sản” – ông Vũ Thanh Sơn nói thêm.