20:22 24/04/2021

"Sốt đất", doanh nghiệp dệt may cũng "bẻ lái" sang kinh doanh bất động sản

Kiều Linh

Sản xuất kinh doanh gặp khó do tác động của đại dịch Covid 19, nhiều doanh nghiệp dệt may trên sàn công bố kế hoạch chuyển hướng sang bất động sản...

Các doanh nghiệp dệt may đều đánh giá tình hình kinh doanh thận trọng trong năm 2021.
Các doanh nghiệp dệt may đều đánh giá tình hình kinh doanh thận trọng trong năm 2021.

Tại đại hội cổ đông thường niên, phần lớn doanh nghiệp dệt may công bố kế hoạch kinh doanh năm 2021 đều thận trọng với mức tăng trưởng âm hoặc dưới 10% do vẫn còn những ảnh hưởng dai dẳng của dịch bệnh Covid 19 tác động lên tâm lý ngành thời trang, may mặc toàn cầu.

LỢI NHUẬN 2021 THẬN TRỌNG

Sau năm 2020, Công ty CP Sản xuất Kinh doanh và Xuất nhập khẩu Bình Thạnh (GIL) đặt mục tiêu doanh thu năm 2021 đạt 3.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 180 tỷ đồng, giảm lần lượt 13% và 41,5% so với năm 2020.

Tương tự, tại Tổng công ty Cổ phần Dệt may Hoà Thọ (HTG) đặt mục tiêu thận trọng cho năm 2021 với doanh thu 3.482 tỷ đồng, tăng 7% và lợi nhuận hợp nhất 75 tỷ đồng tăng 7% so với năm 2020, mức này chưa thể quay về so với kết quả kinh doanh của năm 2019.

Tổng công ty CP May Việt Tiến (VGG) đặt kế hoạch doanh thu 8.090 tỷ đồng tăng 13% nhưng lợi nhuận sau thuế 180 tỷ đồng tăng 5% so với năm 2020 tuy nhiên vẫn còn cách xa khoảng cách với lợi nhuận 418 tỷ đồng của năm 2019.

Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG (TNG) cũng đặt mục tiêu doanh thu tăng nhẹ 7% so với năm 2020 đạt 4.798 tỷ đồng, lợi nhuận tăn 15% đạt 175 tỷ đồng; tuy nhiên so với kết quả kinh doanh trước thời điểm dịch bệnh xảy ra thì mức này vẫn còn xa vời vợi. Riêng trong tháng quý 1/2021, lợi nhuận của TNG tiếp tục sụt giảm mạnh so với thời điểm năm ngoái, đạt 15 tỷ đồng, giảm 67% so với quý 1/2020.

Một số doanh nghiệp khác trong ngành như Công ty CP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (TCM) và Công ty kế hoạch doanh thu và tăng trưởng khả quan hơn. Năm 2021, TCM đặt mục tiêu doanh thu 4.293 tỷ đồng, tăng 24%, lợi nhuận 306 tỷ đồng tăng 11% so với năm 2020.

Nguồn: Tổng cục Hải quan.
Nguồn: Tổng cục Hải quan.

SỤC SÔI KẾ HOẠCH KINH DOANH BẤT ĐỘNG SẢN

Bên cạnh kinh doanh khó lường do Covid 19, theo đánh giá của đa số các doanh nghiệp dệt may, trong những tháng đầu năm 2021 tình trạng thiếu container đã làm ảnh hưởng doanh nghiệp xuất khẩu trong đó có dệt may. Đặc biệt, tác động gián tiếp của xung đột thương mại Mỹ - Trung cũng tạo ra rủi ro cho hàng dệt may Việt Nam có thể bị áp thuế nhập khẩu bổ sung vào Mỹ, gây ảnh hưởng trực tiếp lợi nhuận doanh nghiệp.

Trước tình trạng này, nhiều doanh nghiệp đã sục sôi với kế hoạch lấn sân sang kinh doanh trên đất để tìm kiếm cơ hội sinh lời tốt hơn. Chẳng hạn, tại Dệt may Thành Công, ban lãnh đạo công ty cho biết, để hiện thực hoá mục tiêu kinh doanh năm 2021, bên cạnh tập trung vào mảng cốt lõi, TCM sẽ hợp tác với đối tác trong nước để hoàn thành thủ tục pháp lý cho dự án TC Tower tại 37 Tây Thạnh, quận Tân Phú và khởi công dự án trong thời gian sớm nhất. Dự án này gồm 3 toà nhà tổng cộng 650 căn hộ chung cư với giá bán trung bình 40 triệu đồng/m2. 

Tại Đại hội đồng cổ đông năm 2021, trả lời chất vấn của cổ đông về lĩnh vực kinh doanh mới, lãnh đạo TCM cho biết, dự án tòa tháp TC1 đang làm thủ tục pháp lý, dự kiến mất khoảng 12 - 15 tháng. Doanh thu và lợi nhuận của mảng bất động sản sẽ được ghi nhận khoảng 2 - 3 năm sau. Trong dài hạn, TCM tập trung phát triển hai dự án TC2 và TC3, cả hai dự án này đều được triển khai trên khu đất của nhà áy hiện tại, trong đó, TC2 diện tích 6,6 ha còn TC3 là 1,3 ha. 

Công ty CP Sản xuất Kinh doanh và Xuất nhập khẩu Bình Thạnh cũng chuyển hướng sang Bất động sản Khu công nghiệp. Định hướng của Hội đồng quản trị trong năm 2021 tập trung giải phóng mặt bằng và xây dựng hạ tầng khu công nghiệp Gilimex tại Thừa Thiên Huế. Quy mô dự án 460,8 ha, tổng vốn đầu tư 2.614 tỷ đồng, hiện dự án đã xin được giấy phép đầu tư của Chính phủ.

Ngoài phát triển khu công nghiệp, ban lãnh đạo GIL còn tham vọng phát triển quỹ đất để lập chuỗi khách sạn phục vụ cho các khu công nghiệp trong nước tại các khu trọng điểm như Bình Dương, Đồng Nai, Bắc Ninh, Hải Phòng, Tp.HCM.

Tận dụng lợi thế của bất động sản công nghiệp, TNG cũng tập trung phát triển khu công nghiệp Sơn Cẩm và dự kiến huy động thêm vốn từ cổ phiếu, trái phiếu để làm Dự án khu đô thị sinh thái Núi Cốc Escape vốn đầu tư 6.800 tỷ đồng trên diện tích 209 ha.

Việc doanh nghiệp dệt may bước một chân sang lĩnh vực bất động sản không khó hiểu bởi ngành sản xuất kinh doanh toàn cầu gặp khó, bất động sản lại đang thu hút dòng tiền đầu tư suốt từ đầu năm đến nay. Tuy nhiên, bài học quá khứ vẫn còn đó, không ít doanh nghiệp đã phải trả giá rất đắt khi tham gia đúng lúc thị trường phát triển nóng rồi ngay lập tức đóng băng sau đó.