16:33 19/08/2019

Hạt vi nhựa đã "bay" đến tận Bắc Cực

Hoài Phương

Vi nhựa, những hạt nhựa siêu nhỏ có mặt trên tất cả mọi thứ, đã được phát hiện trộn lẫn trong tuyết ở các vùng xa xôi hẻo lánh nhất của thế giới, trong đó có cả Bắc cực.


Microplastic – hay còn gọi là hạt vi nhựa, là những hạt nhựa nhỏ li ti có đường kính dưới 5 mm - đang gây ô nhiễm nước máy, biển sâu và thậm chí là trong thực phẩm, nước uống, mỹ phẩm... Các nhà khoa học đã từng tìm thấy nồng độ nhựa trong các tảng băng trôi từ eo biển Fram, lối đi nối liền Bắc Băng Dương với phần còn lại của đại dương thế giới.Nhưng giờ đây, truyền thông Đức đưa tin, các nhà khoa học thuộc Viện Alfred Wegener (AWI) đã xác định được một lượng lớn hạt vi nhựa tích tụ trong các lớp băng tại Bắc Cực và núi Alps. Nghiên cứu được dẫn đầu bởi tiến sĩ Melanie Bergmann, thuộc Viện nghiên cứu biển Alfred Wegener. Bergmann và một nhóm các nhà khoa học đã phân tích và so sánh các mẫu tuyết từ Bắc Cực, dãy Alps của Thụy Sĩ và một số khu vực nhất định của Đức. Mặc dù mức độ hạt vi nhựa mà họ tìm thấy ở Bắc Cực thấp hơn nhiều so với các khu vực đông dân cư, nhưng nó vẫn đáng kể.
Hạt vi nhựa đã bay đến tận Bắc Cực - Ảnh 1.
Mật độ hạt nhựa trong các mẫu băng Bắc cực vào khoảng 14.400 hạt/lít tuyết - một con số cao đến đáng ngạc nhiên, cho thấy ngay cả những khu vực chẳng ai mò đến trên Trái đất cũng không thể thoát được những vấn đề đang rất nóng liên quan đến vật liệu nhựa mà cả nhân loại đang phải đối phó. Những hạt nhựa này được dùng để sản xuất ống, vòi, lớp sơn phủ bên ngoài các tòa nhà, tàu thủy, ô tô...Những mẫu tuyết đã được thu thập từ đảo Svalbard, cũng như các khu vực hẻo lánh ở Thụy Sỹ và Đức cũng cho thấy số lượng hạt vi nhựa đáng kể tích tụ. Không như các khu vực trên đất liền, đảo Svalbard khá tách biệt và chủ yếu được bao phủ bởi băng tuyết, khiến các nhà khoa học tự hỏi không rõ làm cách nào mà một lượng lớn hạt nhựa lại xuất hiện ở đây? Nghiên cứu chỉ ra rằng gió có thể đã mang các hạt vi nhựa đến khu vực này. Những hạt vi nhựa rơi ra từ nhiều sản phẩm chúng ta đang sử dụng thường ngày đã bị gió cuốn vào bầu khí quyển, sau đó thả trở lại xuống mặt đất cùng với những cơn mưa hay tuyết rơi.
Hạt vi nhựa đã bay đến tận Bắc Cực - Ảnh 2.
Trước đây, Bắc cực được cho là một trong những khu vực nguyên sơ nhất, không có người ở nên những phát hiện về chất thải nhựa này là rất đáng lo ngại. Các nhà nghiên cứu tin rằng các hạt vi nhựa có thể đã trải qua một hành trình dài trước khi đến được Bắc Cực (từ các đô thị thông qua gió và mưa). Microplastic rất nhẹ và có thể được gió phát tán khắp nơi. Nghiên cứu cũng tìm thấy microplastic ở các khu vực như Trung Quốc, Tehran, Iran, Paris… và tất cả đều đến từ bụi trong khí quyển.
Các nhà khoa học đang đặc biệt quan tâm đến tác động của microplastic đối với sức khỏe con người. Trong nhiều năm qua, có nhiều dấu hiệu chứng tỏ chất thải nhựa đang gây ra sự tàn phá đối với môi trường, sức khỏe của động vật biển và đất liền. Microplastic có thể tự do phát tán trong không khí, nước và tuyết nên không có gì ngạc nhiên khi chúng thấm vào chuỗi thức ăn của con người. Các hạt nhựa siêu nhỏ đã được phát hiện trong phổi và phân người.
Hạt vi nhựa đã bay đến tận Bắc Cực - Ảnh 3.
Hạt vi nhựa đã bay đến tận Bắc Cực - Ảnh 4.
Phần lớn các nghiên cứu từ trước đến nay đều tập trung xác định cách thức các loài động vật và con người tiêu thụ các hạt nhựa qua thực phẩm, và với kết quả nghiên cứu xác định được phần lớn hạt nhựa có thể phát tán trong không khí nêu trên, câu hỏi đặt ra là liệu có hay không việc con người hít phải hạt nhựa siêu nhỏ và nếu có, lượng hạt nhựa mà chúng ta hít vào là bao nhiêu. Trưởng nhóm nghiên cứu của AWI cho rằng các nhà khoa học cần mở rộng nghiên cứu vấn đề này.

(Theo Science Advances)