19:19 28/04/2022

HDBank tăng trưởng tín dụng 9,8% ngay trong quý đầu năm

Vũ Phong

Mức tăng trưởng tín dụng 9,8% của HDBank đi kèm với việc ưu tiên cấp tín dụng các lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, doanh nghiệp xuất khẩu, các chuỗi cung ứng và phân phối...

Ngân hàng Thương mại Cổ phần Phát triển TP. HCM (HDBank – mã chứng khoán: HDB) vừa công bố báo cáo tài chính quý 1/2022 với mức tăng trưởng đột biến của dư nợ tín dụng.

Theo đó, tại ngày 31/3/2022, dư nợ tín dụng hợp nhất của HDBank đạt trên 234.000 tỷ đồng, tương đương tăng 9,8% so với thời điểm đầu năm. Mức này tăng trưởng đến từ tất cả các mảng kinh doanh chính, bao gồm bán lẻ, doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) và tài chính tiêu dùng.

Nhờ vậy, HDBank ghi nhận tổng thu nhập hoạt động hợp nhất đạt 5.122 tỷ, tăng 22,9% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, thu nhập thuần từ dịch vụ cũng tăng trên 94% với đóng góp chính từ mảng kinh doanh bảo hiểm qua ngân hàng và dịch vụ thanh toán.

Trước đó, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2022 vừa qua, ông Phạm Quốc Thanh, Tổng giám đốc HDBank cho biết, mảng kinh doanh bảo hiểm được ngân hàng khởi động lại từ cuối năm 2020 và thứ hạng trên thị trường liên tục được cải thiện. Tới tháng 3/2022, ngân hàng đã xếp thứ 5 về doanh số mảng kinh doanh bảo hiểm toàn thị trường, đồng thời là ngân hàng duy nhất chưa ký độc quyền với đối tác bảo hiểm nào.

“Những dữ liệu này đã cho thấy sức hấp dẫn của mảng bảo hiểm tại HDBank. Tuy nhiên, ngân hàng chưa bằng lòng với vị trí thứ 5 trên thị trường như hiện tại mà hướng tới vị trí thứ 4 thứ 3 trong năm nay. Nếu thực hiện thành công, điều này sẽ tạo giá trị cao hơn cho ngân hàng, giúp HĐQT có thể chọn lựa được đối tác mang lại lợi ích cao nhất cho cổ đông trong thời gian tới”, ông Thanh chia sẻ.

Bổ sung thêm, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Phó chủ tịch thường trực Hội đồng quản trị nhấn mạnh: “Việc ký kết độc quyền bảo hiểm nhân thọ đang là lợi thế của HDBank so với thị trường. Với giá trị hiện tại, đối tác có thể giúp ngân hàng thu về hàng chục nghìn tỷ đồng”.

Quay lại với báo cáo tài chính quý 1 của HDBank, các chỉ tiêu lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) và lợi nhuận trên tài sản (ROA) đạt lần lượt 25,4% và 2,1%. Nợ xấu riêng lẻ chỉ 1,17%. Hệ số an toàn vốn CAR (Basel 2) trên 14,2%.

Nhìn chung, sau khi tối ưu chi phí hoạt động từ 39,1% xuống còn 37,6%, HDBank báo lợi nhuận trước thuế quý 1/2022 đạt 2.528 tỷ đồng.

Như vậy, nếu so với mức lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt 9.770 tỷ đồng vừa được Đại hội đồng cổ đông thông qua, HDBank đã hoàn thành được 26% kế hoạch năm 2022.

Được biết, hiện tại lợi nhuận năm 2021 còn lại của ngân hàng là hơn 5.050 tỷ đồng. Cộng với khoản lợi nhuận chưa chia của các năm trước, lợi nhuận có thể sử dụng để chia cổ tức của HDBank là gần 5.350 tỷ đồng. Theo đó, ngân hàng dự kiến sẽ phát hành hơn 503 triệu cổ phiếu để chia cổ tức năm 2021 theo tỷ lệ 25%.

Ngoài ra, ngân hàng cũng dự định phát hành 20 triệu cổ phiếu cho người lao động (ESOP). Sau khi chia cổ tức và phát hành ESOP, ngân hàng sẽ tăng vốn điều lệ lên 25.503 tỷ đồng