Hệ sinh thái hỗ trợ phụ nữ, thanh niên dân tộc thiểu số khởi nghiệp
Hệ sinh thái Làng nông nghiệp Techfest quốc gia đã kết nối 300 hợp tác xã (HTX) sản xuất nông sản với nhiều nguồn lực: Cơ quan nhà nước; Tổ chức hỗ trợ; Nhà đầu tư; các Viện nghiên cứu khoa học và các trường đào tạo; doanh nghiệp và Tập đoàn phân phối sản phẩm… Qua đó, khoảng 800 sản phẩm nông sản ở các tỉnh miền núi phía Bắc đã được sản xuất theo quy trình an toàn, hữu cơ và được tiêu thụ bền vững…
Hội thảo: “Công bố báo cáo kết quả hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo từ Techfest Sơn La” và Lễ ra mắt “Hệ sinh thái hỗ trợ phụ nữ, thanh niên dân tộc thiểu số khởi nghiệp nông nghiệp” đã được Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ (thuộc Bộ Khoa học và công nghệ) phối hợp với Sở Khoa học và công nghệ tỉnh Sơn La tổ chức tại huyện Vân Hồ, ngày 22/11/2022.
KẾT NỐI CÁC NGUỒN LỰC PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG ĐỔI MỚI SÁNG TẠO
Ông Lê Toàn Thắng, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo quốc gia thuộc Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ, cho biết Đề án "Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025" (Đề án 844) đang tập trung hỗ trợ các Tổ chức trung gian hỗ trợ khởi nghiệp như: tổ chức thúc đẩy kinh doanh; tổ chức cung cấp dịch vụ cho khởi nghiệp sáng tạo; các Trường đại học hay các Cơ sở đào tạo cho khởi nghiệp sáng tạo.
“Chúng tôi hy vọng trong thời gian tới đưa tinh thần khởi nghiệp lan tỏa hơn nữa để khai thác hết tiềm năng của các nhà đầu tư, và nông nghiệp vươn ra các thị trường quốc tế mạnh mẽ hơn nữa”, ông Thắng nhấn mạnh.
Ông Lưu Bỉnh Khiêm, Giám đốc Sở Khoa học công nghệ tỉnh Sơn La, cho hay hiện tại ở Sơn La có hơn 3000 doanh nghiệp và 700 hợp tác xã. Sơn La đang có 84 nghìn ha cây ăn quả, đứng thứ hai toàn quốc về diện tích. Với tổng sản lượng trái cây hàng năm của tỉnh hơn 400 nghìn tần, nên rất cần kết nối để phát triển chế biến sâu và tiêu thụ.
“Chúng tôi đã đăng ký bảo hộ nhiều sản phẩm của Sơn La ở thị trường nước ngoài, như xoài, nhãn Sơn La được bảo hộ ở thị trường Trung Quốc; xoài tròn Yên Châu đã được bảo hộ tại EU”, ông Khiêm chia sẻ.
Theo ông Khiêm, tỉnh Sơn La đã có quyết định thành lập Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của tỉnh và năm 2022 đã tổ chức thành công Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Sơn La lần thứ nhất (Techfest Sơn La 2022), với chủ đề “Bứt phá giữa đại ngàn”.
“Chương trình Techfest Sơn La đã giúp doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo chuyển mình một cách tích cực nhất, tăng cường kết nối liên kết nguồn lực phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo của tỉnh Sơn La với quốc gia, kết nối với các nguồn lực quan trọng nhằm gia tăng năng lực cạnh tranh”.
Ông Lưu Bỉnh Khiêm, Giám đốc Sở Khoa học công nghệ tỉnh Sơn La.
Ông Nguyễn Quang Huấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Vân Hồ cho biết trên địa bàn huyện có 2 nhà máy chế biến nông sản, rau củ quả. Vân Hồ có 6 sản phẩm OCOP đạt 3 sao và 4 sao. Huyện Vân Hồ hiện có gần 1.700 ha rau, củ quả các loại và hơn 1.300 ha chè cung cấp cho các nhà máy chế biến. Huyện đang hướng người dân, các hợp tác xã, công ty sản xuất theo hướng nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ.
Báo cáo kết quả hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo từ Techfest Sơn La, bà Nguyễn Thị Thu - Trưởng làng Nông nghiệp Techfest quốc gia, đồng thời là Sáng lập Hệ sinh thái MEVI, cho biết Hệ sinh thái Làng nông nghiệp được xây dựng với việc kết nối các nguồn lực bao gồm: Cơ quan nhà nước; Tổ chức hỗ trợ; Nhà đầu tư; các Viện nghiên cứu khoa học và các trường đào tạo; doanh nghiệp và Tập đoàn phân phối sản phẩm; các hợp tác xã.
“Chỉ trong vòng chưa đến một năm, đã có nhiều mô hình Làng nông nghiệp sinh thái được hình thành, tập hợp người dân trong mỗi ngôi làng hoặc tạo thành hợp tác xã khởi nghiệp, ứng dụng nhiều tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nông sản”, bà Thu chia sẻ.
Đơn cử, tại hợp tác xã Chiềng Khừa xanh (huyện Mộc Châu), đã tập huấn 6 lớp về kỹ thuật canh tác an toàn, hướng dẫn làm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật sinh học từ tài nguyên bản địa cho 100 hộ trông mơ.
Đồng thời, kết nối chuyên gia, viện nghiên cứu thử nghiệm sản xuất chế biến trái mơ thành các sản phẩm: rượu mơ lên men tự nhiên, và giấm mơ, mơ muối tía tô.
Bên cạnh đó, nghiên cứu công nghệ bảo quản thành thử nghiệm thành công 3 tấn mận với thời gian kéo dài tới 2-3 tháng. Giá mận ở thời điểm đưa vào kho bảo quản chỉ 8.000/kg, đến khi xuất bán đạt tới 35.000/kg.
NÂNG CAO NĂNG LỰC CHO HỢP TÁC XÃ VÀ DOANH NGHIỆP NÔNG NGHIỆP
Bà Nguyễn Thị Thu cho hay Làng Nông nghiệp Techfest quốc gia cũng đã phối hợp với các tổ chức phi chính phủ như WISE, CARE… tổ chức nhiều chương trình nâng cao năng lực cho 12 doanh nghiệp, hợp tác xã do phụ nữ làm chủ.
Cùng với đó, đã phối hợp với các chuyên gia của các Viện, trường tổ chức 80 lớp tập huấn kỹ thuật canh tác nông nghiệp bền vững tại nhiều tỉnh miền núi phía Bắc, với 10.000 học viên được tham gia. Chương trình tập huấn kỹ năng quản trị và quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm có 30 doanh nghiệp tham gia.
"Đến nay 300 hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp ở các tỉnh Sơn La, Lai Châu, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Tuyên Quang, Cao Bằng, Quảng Ninh… được kết nối với 30 cửa hàng và 400 đại lý tiêu thụ nông sản tại các thành phố lơn. Qua đó, hơn 800 sản phẩm nông sản ở nhiều tỉnh, thành phố đã tạo được đầu ra".
Bà Nguyễn Thị Thu - Trưởng làng Nông nghiệp Techfest quốc gia.
"Kết nối đầu ra thành chuỗi phân phối nông sản an toàn bền vững cũng là một nhiệm vụ trọng tâm của Làng nông nghiệp Techfest quốc gia", bà Thu chia sẻ.
Cùng tham gia trong Hệ sinh thái Làng nông nghiệp Techfest quốc gia, bà Nậm Trà - Chủ tịch Tập đoàn Phát triển Thịnh vượng Việt Nam cho biết Tập đoàn đang đảm nhiệm khâu tiêu thụ sản phẩm cho nhiều hợp tác xã nông nghiệp với những nông sản hữu cơ, đặc sản.
"Phần lớn các cơ sở sản xuất nông đặc sản ở khu vực miền núi phía Bắc vẫn còn kém ở khâu bao bì. Nhiều hợp tác xã và nông dân khi họ bán hàng online thường thuê ship vận chuyển đến người tiêu dùng, nhưng nhiều gói, hộp hàng khi đến với khách mua thì hộp hàng bị méo, thậm chí trái cây bên trong bị dập nát", bà Nậm Trà nhận xét, đồng thời cho biết sẽ hỗ trợ toàn bộ chi phí đóng hộp cho cam của Pa Cốp nói riêng, những nông sản của các đơn vị khác được Tập đoàn Phát triển Thịnh vượng Việt Nam ký kết tiêu thụ.
Bà Trần Thị Minh Trang, đại diện Tổ chức Sáng kiến hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp và kinh doanh (WISE) cho hay WISE là một tổ chức xã hội phi lợi nhuận với sứ mệnh hỗ trợ và đồng hành với phụ nữ để khởi sự và phát triển kinh doanh tại Việt Nam. WISE đã đào tạo hơn 15.000 phụ nữ đang kinh doanh và mong muốn trở thành doanh nhân trên khắp Việt Nam, hỗ trợ tăng tốc khởi nghiệp cho các startups có người sáng lập là nữ.
WISE cũng huy động gần 3 triệu USD vốn đầu tư trong giai đoạn đầu để hỗ trợ cho hàng trăm phụ nữ dân tộc thiểu số miền núi khởi sự kinh doanh và xây dựng nhiều dự án hỗ trợ tiếp cận tài chính và nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ do phụ nữ làm chủ.
Theo bà Trang, hiện WISE đang thực hiện 3 dự án từ nguồn tài chính của Ngân hàng Phát triển châu Á: Hỗ trợ doanh nghiệp phụ nữ chuyển đổi số để thúc đẩy kinh doanh; Hỗ trợ doanh nghiệp do nữ làm chủ phát triển thị trường quốc tế, thúc đẩy xuất khẩu nông sản; Tăng cường năng lực tiếp cận tài chính cho các doanh nghiệp, giúp phụ nữ khởi nghiệp tiếp cận với các khoản vay.
Tại hội thảo đã diễn ra nhiều lễ ký kết hợp tác.
Một là, Trung tâm Kiểm nghiệm, kiểm chứng và Tư vấn chất lượng nông lâm thủy sản, Trung tâm hỗ trợ Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo quốc gia và MEVI cùng ký Bản ghi nhớ (MOU) về tư vấn nâng cao chất lượng nông lâm thủy sản.
Hai là, Trung tâm hỗ trợ Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo quốc gia và Mevi ký MOU hỗ trợ tiêu thụ thúc đẩy chuỗi giá trị trong nông nghiệp.
Ba là, Trung tâm nghiên cứu chế biến nông sản thực phẩm (thuộc Viện Cơ điện nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch) cùng Trung tâm hỗ trợ Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo quố gia, và MEVI cùng ký MOU tư vấn nghiên cứu phát triển sản phẩm chế biến sau thu hoạch cho trái Mận Vân Hồ.
Bốn là, Bộ môn Môi trường nông thôn (thuộc Viện Môi trường nông nghiệp Việt Nam) và MEVI ký MOU tư vấn chuyển giao công nghệ xử lý phụ phẩm trong Nông nghiệp.