11:12 16/11/2022

Tập trung vào 5 chữ "lực" để khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn

Vũ Khuê

Chuyển đổi sang mô hình sản xuất, kinh doanh tuần hoàn chính là cơ hội để doanh nghiệp khởi nghiệp ứng dụng những tiến bộ khoa học, công nghệ mới, để đi tắt, đón đầu xu thế…

Các doanh nghiệp khởi nghiệp gặp nhiều rào cản khi áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn.
Các doanh nghiệp khởi nghiệp gặp nhiều rào cản khi áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn.

Tại Diễn đàn Khởi nghiệp quốc tế: “Áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn trong khởi nghiệp tạo tác động” ngày 15/11, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Nguyễn Quang Vinh cho biết kinh tế tuần hoàn là mô hình kinh doanh mới. Không chỉ tạo ra nhiều cơ hội về tiền bạc, mà kinh tế tuần hoàn còn tạo ra nhiều mô hình kinh doanh mới với hàng triệu việc làm.

Đây cũng là giải pháp phát triển kinh tế gắn với nâng niu, bảo tồn môi trường và đảm bảo tiến bộ xã hội. Đồng thời cũng là sứ mệnh của doanh nghiệp Việt Nam trong thế kỉ 21 khi tạo ra giá trị mới cho xã hội.

THÁCH THỨC CHI PHÍ, NĂNG LỰC

Phát triển kinh tế tuần hoàn được nhìn nhận là một hướng đi quan trọng và không thể đảo ngược. Đặc biệt, nhiều thị trường phát triển đã quan tâm hơn đến thúc đẩy phát triển thương mại gắn với phát triển bền vững và đã lồng ghép các cam kết liên quan đến nội dung này trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA)…

Do đó, các doanh nghiệp khởi nghiệp ngay từ khi bắt đầu khởi nghiệp cần gắn với mô hình kinh doanh bền vững, mô hình kinh doanh có trách nhiệm để hướng tới tăng trưởng xanh và tăng trưởng bền vững.

Tuy nhiên, nhiều thách thức đặt ra cho doanh nghiệp khởi nghiệp áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn. Ông Nguyễn Tiến Huy, Giám đốc Văn phòng doanh nghiệp vì sự Phát triển bền vững, VCCI chỉ rõ, việc triển khai các sáng kiến kinh doanh tuần hoàn luôn đòi hỏi một khoản chi phí đôi khi là rất lớn và không dễ huy động từ các nguồn đầu tư.

Bên cạnh đó năng lực sáng tạo và tiếp nhận công nghệ cũng như khả năng liên kết sản xuất theo chuỗi.

Tất cả những điều này đòi hỏi doanh nghiệp khởi nghiệp phải nắm bắt rõ xu thế vận động của thị trường; hoạch định chính xác mục tiêu kinh doanh; đặt trọng tâm ưu tiên cho công nghệ và thống kê dữ liệu; chọn lựa và xây dựng quan hệ đối tác; vận hành thí điểm, hoàn thiện và đo lường.

Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Lương Nguyễn Duy Thông, Nhà sáng lập Công ty TNHH Nông nghiệp Quê mình, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Đồng Tháp cho biết hiện nay, đồng bằng sông Cửu Long đang chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu. Nếu áp dụng kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực nông nghiệp ở khu vực này sẽ là nguồn tài nguyên lớn có thể làm thay đổi nền kinh tế tuyến tính.

Tập trung vào 5 chữ "lực" để khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn  - Ảnh 1

Nhưng việc áp dụng kinh tế tuần hoàn trong các doanh nghiệp ĐBSCL vẫn còn khó khăn do là vùng trũng kinh tế và giao thông, năng lực của doanh nghiệp còn hạn chế so với cả nước, tỷ lệ thành lập doanh nghiệp tại một vài tỉnh còn thấp… Đây chính là rào cản khiến các doanh nghiệp gặp khó khi khởi nghiệp trong mô hình kinh tế tuần hoàn.

CẦN CÁC “ĐÒN BẨY” TỪ CHÍNH SÁCH

Để khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn, theo ông Thông, các cơ chế cần tập trung vào 5 chữ "lực".

Thứ nhất là trí lực. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ và các startup hầu như vẫn rất ít kiến thức về kinh tế xanh để tận dụng các cơ hội từ các FTA cũng như các quy định về môi trường tại các thị trường lớn.

Do đó, cần trang bị và cung cấp thêm các thông tin, cũng như mở lớp đào tạo để các doanh nghiệp khu vực doanh nghiệp này có kiến thức ứng dụng tốt hơn mô hình kinh tế tuần hoàn trong hoạt động kinh doanh.

Thứ hai là vật lực. Cần có cơ chế để liên kết các doanh nghiệp với nhau sẽ tạo thành vật lực tốt để xây dựng một chuỗi tuần hoàn.

Thứ ba là tài lực. Cần thêm những cơ chế giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa và doanh nghiệp startup tiếp cận tài chính để áp dụng thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn.

Thứ tư là năng lực. Bản thân nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp trình độ tri thức, quản trị doanh nghiệp, tiếp cận thị trường… tại ĐBSCL còn thấp so với cả nước và trong khu vực. Vì thế, chính sách nên tập trung sâu vào việc củng cố năng lực cho các doanh nghiệp tại khu vực này.

Thứ năm là động lực. Cần xây dựng các cơ chế tạo động lực cho doanh nghiệp tham gia sâu hơn vào chuỗi tuần hoàn, thực hiện đổi mới sáng tạo để áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn.

Bà Ramla Khalidi, Trưởng đại diện thường trú chương trình Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNDP) cho rằng Việt Nam nổi lên như một hệ sinh thái khởi nghiệp lớn nhất, hình thành tam giác vàng về khởi nghiệp cùng với Singapore và Indonesia.

“Mặc dù mới đảm nhận vị trí này tại Việt Nam vài tuần, nhưng tôi rất ấn tượng với số lượng những người trẻ tham gia khởi nghiệp và có cân nhắc nhiều tới tác động về môi trường xã hội. Điều này cho thấy đây là một thế hệ mới của doanh nghiệp doanh nhân Việt Nam, cam kết mô hình kinh doanh mới, đảm bảo tác động tích cực với con người và hành tinh”, đại diện UNDP nhận định.

Hơn nữa, Việt Nam hiện là quốc gia dễ biến đổi khí hậu với đường bờ biển dài hơn 3.200 km, cùng nhiều thành phố, vùng châu thổ nằm dưới mực nước biển. Chính vì thế, chúng ta rất cần tính đến việc ứng phó với biến đổi khí hậu.

Để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, Việt Nam cần có cách tiếp cận với toàn xã hội, với các bên liên quan bao gồm doanh nghiệp, các cơ quan, viện, trường, các doanh nghiệp trẻ, cũng tập thể đơn vị liên quan đến quy định đầu tư, nghiên cứu đổi mới sáng tạo hướng tới mục tiêu chung.

“Số lượng các doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam ngày càng nhiều. Đây là một hệ sinh thái rất tốt, nhưng cũng cần phải có các giải pháp dài hạn hơn cho các vấn đề về môi trường”, đại diện UNDP Việt Nam khuyến nghị.