Hệ thống ngân hàng Mỹ bị rút gần 100 tỷ USD trong một tuần
Ngược lại với các tài khoản tiền gửi tại ngân hàng, các quỹ thị trường tiền tệ (MMF) tại Mỹ thu hút dòng vốn đầu tư mạnh trong vài tuần qua...
Các nhà chức trách Mỹ đang tiếp tục trấn an công chúng rằng hệ thống ngân hàng Mỹ luôn an toàn sau khi dữ liệu mới nhất cho thấy người gửi tiền nước này đã rút gần 100 tỷ USD tiền gửi tại các nhà băng chỉ trong vòng 1 tuần.
Hôm thứ Sáu (24/3), Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen và Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell, cùng nhiều quan chức khác của Mỹ đã triệu tập một cuộc họp kín đặc biệt của Hội đồng Giám sát ổn định tài chính.
“Hội đồng đã thảo luận về tình hình hiện tại trong lĩnh vực ngân hàng ở Mỹ và lưu ý rằng dù một số tổ chức gặp khó khăn, hệ thống ngân hàng Mỹ vẫn ổn định và có sức chống chịu tốt”, thông cáo từ cuộc họp cho biết. “Hội đồng cũng thảo luận về những nỗ lực hiện tại của các cơ quan thành viên để giám sát các diễn biến của thị trường".
Thông cáo được đưa ra ngay sau khi thị trường chứng khoán đóng cửa phiên giao dịch ngày thứ Sáu, cùng lúc dữ liệu của Fed cho thấy người gửi tiền Mỹ đã rút tổng cộng 98,4 tỷ USD từ các tài khoản ngân hàng trong vòng 1 tuần từ ngày 8-15/3, khi sự kiện ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB) và Signature Bank sụp đổ gây chấn động thị trường tài chính.
Dữ liệu cho thấy phần lớn số tiền bị rút là từ các ngân hàng nhỏ. Số tiền bị rút chiếm khoảng 0,6% tổng số tiền gửi trong hệ thống ngân hàng Mỹ.
Theo đó, tổng số tiền gửi tại các ngân hàng Mỹ giảm xuống còn 17,5 nghìn tỷ USD. Con số này giảm đều đặn trong vòng một năm qua, với mức giảm tổng cộng khoảng 582,4 tỷ USD kể từ tháng 2/2022.
Trong khi đó, theo dữ liệu từ Investment Company Institute, các quỹ thị trường tiền tệ (MMF) ghi nhận tài sản tăng thêm 238 tỷ USD lên 5,13 nghìn tỷ USD trong vòng hai tuần kể từ ngày 8-22/3.
Goldman Sachs, JPMorgan Chase và Fidelity là những tổ chức tài chính được hưởng lợi nhiều nhất khi nhà đầu tư Mỹ đổ tiền vào các MMF. Trong đó, các quỹ MMF của Goldman Sachs thu hút được gần 52 tỷ USD, tăng 13% kể từ ngày 9/3 - một ngày trước khi SVB bị các nhà chức trách Mỹ tiếp quản. Còn các quỹ của JPMorgan và Fidelity thu hút lần lượt gần 46 tỷ USD và 37 tỷ USD trong cùng giai đoạn.
Các quỹ MMF thường nắm giữ những tài sản rủi ro thấp, dễ thanh khoản, trong đó có trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn ngắn. Lợi nhuận từ việc đầu tư vào các quỹ này hiện đang ở mức cao nhất trong nhiều năm nhờ lãi suất tại Mỹ tăng mạnh thời gian qua.
Đầu tuần này, ông Powell cũng lên tiếng trấn an công chúng Mỹ rằng hệ thống ngân hàng của nước này vẫn an toàn.
“Mọi người đều đã thấy rằng chúng tôi có nhiều công cụ để bảo vệ người gửi tiền khi xuất hiện một mối đe dọa có khả năng gây hại nghiêm trọng cho nền kinh tế hoặc cho hệ thống tài chính. Và chúng tôi luôn sẵn sàng sử dụng các công cụ đó”, ông Powell nói trong cuộc họp báo vào thứ Tư tuần trước sau quyết định nâng lãi suất 0,25 điểm phần trăm của Fed. “Người gửi tiền nên biết rằng tiền gửi của họ luôn được an toàn”.
Chủ tịch Fed cũng lưu ý rằng dòng tiền gửi “đã ổn định trong tuần qua” sau những hành động mà ông mô tả là “mạnh mẽ” của Fed để ổn định hệ thống.
Trong vòng vài tuần qua, các nhà băng Mỹ đã đổ xô tới các chương trình cho vay khẩn cấp được thành lập sau khi SVB và Signature Bank sụp đổ.
Theo dữ liệu được công bố vào thứ Năm tuần trước, các ngân hàng Mỹ vay bình quân 116,1 tỷ USD mỗi ngày từ chương trình cho vay khẩn cấp của Fed - con số cao nhất kể từ khủng hoảng tài chính năm 2008, và 53,7 tỷ USD từ chương trình cho vay theo kỳ hạn mới của Fed có tên Bank Term Funding Program (BTFP).