12:15 21/01/2008

Hết đua giảm cước đến đua dịch vụ

Thùy Trang

Bên cạnh việc giảm giá cước di động, một cuộc đua khác không kém phần sôi động là nâng cao chất lượng dịch vụ

Cước di động đang giảm liên tục.
Cước di động đang giảm liên tục.
Thị trường viễn thông di động những ngày cận Tết Nguyên Đán nóng hơn bao giờ hết, khi các mạng di động, như thường lệ, không ngừng tung ra các chương trình khuyến mãi hấp dẫn với những ưu đãi về cước phí để thu hút khách hàng.

Sau khi các mạng GSM đồng loạt giảm 10-20% giá cước, CDMA với đại diện là S-Fone hưởng ứng ngay bằng gói cước mới “1 đồng” cùng nhiều ưu đãi giảm giá cho các gói cước quan trọng khác. Cuộc đua năm 2008 đã chính thức bắt đầu.

“Bão” giảm cước vẫn chưa “tan”

Đầu tháng 12/2007, Viettel Mobile “khơi mào” cuộc đua giảm cước khi tuyên bố giảm 15% cước di động. Không chịu “lép vế”, chỉ sau đó nửa tháng, hai đại gia cùng thuộc tập đoàn VNPT là MobiFone và VinaPhone cũng tiến hành giảm đến 20% cước di động. Thị trường di động bước vào thời kỳ giảm cước chưa từng có.

Không xét đến chuyện “được - mất” của các doanh nghiệp viễn thông khi tiến hành giảm cước, về phía người tiêu dùng, cơ hội sử dụng điện thoại di động giờ đây không còn là chuyện xa xỉ hay chỉ là thói tiêu xài của một bộ phận trung lưu trở lên. Việc sở hữu một chiếc điện thoại di động đã trở nên đơn giản hơn và thói quen sử dụng điện thoại di động thay cho cố định cũng ngày một thịnh hành.

Việc giảm giá của các mạng GSM đã buộc các mạng CDMA phải có những đối sách riêng. Mạng di động CDMA với đại diện S-Fone vẫn luôn tỏ ra năng động trước những tình thế “gay cấn” nhất khi ngay lập tức tung ra gói cước mới mang tên “1 đồng”. Với những ưu đãi đặc biệt về giá cuộc gọi, gói cước này được đánh giá là “bước nhảy vọt” đầy sáng tạo của S-Fone thay vì giảm cước như các mạng GSM.

Thực tế là người tiêu dùng luôn có những nhu cầu riêng khi sử dụng dịch vụ thông tin di động. Vì vậy, việc khai thác, đa dạng hoá các gói cước theo những nhu cầu cụ thể của khách hàng được xem là hướng đi chiến lược và có tầm nhìn xa của S-Fone trong bối cảnh hiện nay.

Với gói cước “1 đồng”, khách hàng chỉ phải trả 216 đồng cho 6 giây đầu tiên, 36 đồng cho mỗi giây gọi tiếp theo của phút thứ nhất (đối với cả nội lẫn ngoại mạng). Từ phút thứ hai trở đi, thuê bao chỉ trả 1 đồng cho mỗi giây gọi nội mạng và 36 đồng cho mỗi giây gọi ngoại mạng.

Đồng thời, S-Fone cũng tiến hành giảm giá cho các gói cước quan trọng như Economy, Forever và Standard. Cụ thể gói Economy, cước gọi sẽ giảm 20% khi gọi nội mạng và giảm hơn 10% khi gọi ngoại mạng; gói Forever, cước gọi sẽ giảm gần 20% khi gọi nội mạng; với gói Standard giảm 16% cước nội mạng và giảm 15% cước gọi ngoại mạng.

Hướng tới cuộc đua dịch vụ

Bên cạnh việc giảm giá cước, một cuộc đua khác không kém phần sôi động chính là nâng cao chất lượng dịch vụ. Các mạng bắt đầu tăng cường đầu tư vào hệ thống trạm thu phát và đưa ra nhiều hình thức đầu tư hợp tác với nhiều đơn vị nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, xem đây như một chiêu cạnh tranh mới.

Ông Lê Ngọc Minh, Giám đốc Công ty Thông tin di động, cho biết để chuẩn bị cho đợt giảm giá cước này, MobiFone đã đầu tư phát triển mạng lưới gấp rút, đưa tổng số trạm phát sóng trên toàn quốc lên đến gần 7.000 trạm, áp dụng nhiều công nghệ mới để tối ưu hóa mạng lưới.

Còn theo ông Hồ Hồng Sơn, Giám đốc điều hành Trung tâm Điện thoại di động S-Telecom, S- Fone đã mở rộng đầu tư nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng mạng lưới, đảm bảo cung cấp các dịch vụ thoại chất lượng cao; đa dạng hóa các dịch vụ giá trị gia tăng hiện đại trong các lĩnh vực giải trí, cũng như hoạt động kinh doanh và đẩy mạnh các hoạt động hướng tới cộng đồng.

Cùng với hình thức tự đầu tư, một xu hướng hợp tác giữa các mạng và các đơn vị khác đang được nhắm đến. Ông Hồ Hồng Sơn cho biết, để đảm bảo tốt nhất chất lượng của mạng cũng như tăng cường tính cạnh tranh trong các đợt giảm giá cước, S-Fone cũng đã dự báo và đã ký kết hợp đồng kết nối với các doanh nghiệp viễn thông thuộc VNPT, Viettel, Hanoi Telecom và EVN.

Theo nhìn nhận của giới chuyên gia trong ngành, việc số lượng thuê bao tăng đột biến thì việc hợp tác giữa các mạng để nâng cao chất lượng dịch vụ là một điều tất yếu.

Việc hạ giá cước, chạy đua về kỹ thuật sẽ giúp cho chất lượng dịch vụ được cải thiện; tạo điều kiện cho người tiêu dùng ngày càng có nhiều lựa chọn về các loại dịch vụ mạng di động hơn. Xu hướng này sẽ đảm bảo thành công cho những mạng di động với định hướng phát triển kinh doanh bằng chất lượng dịch vụ.

Theo ông Trần Đức Lai, Thứ trưởng Bộ Bưu chính - Viễn thông, khi giá hầu hết các mặt hàng, dịch vụ đều tăng thì giá cước viễn thông lại giảm. Đây không chỉ là nỗ lực để các doanh nghiệp Việt Nam cạnh tranh hội nhập, mà còn mang lại ý nghĩa xã hội cho lợi ích cộng đồng.