10:12 13/04/2015

Hillary Clinton lại tranh cử Tổng thống Mỹ: Bài học 8 năm

Diệp Vũ

Có vẻ bà đã học được nhiều bài học đắt giá từ thất bại khi tham gia tranh cử vào năm 2008

Bà Clinton, một trong những nhân vật nổi tiếng nhất ở Mỹ hiện nay, sau hàng thập 
kỷ được biết đến với các cương vị là phu nhân của cựu Tổng thống Bill 
Clinton, thượng nghị sỹ, và Ngoại trưởng.
Bà Clinton, một trong những nhân vật nổi tiếng nhất ở Mỹ hiện nay, sau hàng thập kỷ được biết đến với các cương vị là phu nhân của cựu Tổng thống Bill Clinton, thượng nghị sỹ, và Ngoại trưởng.
Bà Hillary Clinton vừa chính thức tuyên bố sẽ tham gia vào cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm 2016. Trong tuyên bố này, cựu Ngoại trưởng Mỹ cam kết sẽ chiến đấu vì một sân chơi bình đẳng cho những người đang nỗ lực vượt qua khó khăn kinh tế.

Theo hãng tin Reuters, với tư cách ứng cử viên nặng ký nhất của đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào năm tới, bà Clinton đã mở màn cuộc chạy đua bằng một loạt video, email và tuyên bố trên mạng xã hội.

Có vẻ bà đã học được nhiều bài học đắt giá từ thất bại khi tham gia tranh cử vào năm 2008, và sẽ không “ngồi chờ sung rụng” trong cuộc tranh cử lần này.

Đây là lần thứ hai bà Clinton ra tranh cử Tổng thống Mỹ. Hồi năm 2008, khi bị thua trong cuộc đua giành đề cử của Đảng Dân chủ trước ứng cử viên Barack Obama, chiến dịch của bà đã bị chỉ trích là truyền tải sự ngạo mạn và quyền thế, không phù hợp với hình ảnh tiến bộ của Đảng Dân chủ.

Lần này, đoạn băng video mở đầu chiến dịch tranh cử của bà Clinton phát đi hình ảnh của một nữ chính trị gia ấm áp hơn, có sự cảm thông sâu sắc hơn, và đặt nền tảng cho một chương trình nghị sự tranh cử về kinh tế được lòng dân hơn.

Cách đây 8 năm, thông điệp mở đầu chiến dịch tranh cử của bà Clinton là “Tôi tham gia để thắng”.

Còn hôm qua, bà đã thu hút sự chú ý của cử tri Mỹ khi tuyên bố trên website riêng mới: “Người dân thường của nước Mỹ đang cần một người tiên phong. Tôi muốn trở thành người tiên phong đó”.

Trong lần tranh cử này, bà Clinton “mạnh tay” sử dụng truyền thông xã hội với các mạng Twitter, Facebook và YouTube để mở màn chiến dịch. Điều này trái ngược với lần tranh cử trước, khi bà bị đánh giá là kém cỏi hơn so với ông Obama trong việc sử dụng công nghệ để truyền tải đi các thông điệp.

Tuy nhiên, tạo ra sự kết nối thực sự với các cử tri dân thường của Mỹ sẽ là một thách thức đối với bà Clinton, một trong những nhân vật nổi tiếng nhất ở Mỹ hiện nay, sau hàng thập kỷ được biết đến với các cương vị là phu nhân của cựu Tổng thống Bill Clinton, Thượng nghị sỹ, và Ngoại trưởng.

Đến thời điểm này, bà Clinton gần như chắc chắn sẽ trở thành ứng cử viên của Đảng Dân chủ cho cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2016. Tuy vậy, đối thủ đến từ Đảng Cộng hòa vẫn còn là một ẩn số, bởi có rất nhiều gương mặt tiềm năng cho cương vị ứng cử viên của đảng này.

Các trợ lý cho biết, chiến dịch của bà Clinton sẽ dựa trên các kế hoạch nhằm giải quyết tình trạng bất bình đẳng kinh tế và tính chất lịch sử của những nỗ lực của bà nhằm trở thành nữ Tổng thống đầu tiên trong lịch sử Mỹ.

Cách đây 8 năm, khi bắt đầu chiến dịch tranh cử, bà Clinton ngồi một mình trên ghế bành, trước ống kinh camera, đề nghị cử tri sau đó tham gia vào các chương trình chat với bà qua web.

Còn lần này, video mở màn chiến dịch tranh cử của bà Clinton phát đi hình ảnh của nhiều người dân Mỹ nói về tương lai và những khó khăn kinh tế hiện tại của họ. Cùng với đó là hình ảnh của Clinton đang lắng nghe người dân nói, và bà chỉ nói rất ngắn gọn.

Các tuyên bố của bà Clinton đều sử dụng những ngôn từ mạnh, nhưng chưa đưa ra đề xuất chính sách cụ thể nào dành cho những khó khăn của người lao động Mỹ và để giải quyết bất bình đẳng kinh tế. Tuy vậy, các tuyên bố có đề cập tới vấn đề tiền lương hậu hĩnh của giới lãnh đạo doanh nghiệp - một động thái có thể khiến những người ủng hộ bà Clinton ở Phố Wall cảm thấy lo ngại.

“Các gia đình đang phải chật vật để vượt qua khó khăn kinh tế. Nhưng như thế là chưa đủ, khi mà các giám đốc điều hành kiếm được gấp 300 lần mức lương của một người lao động bình thường”, bà Clinton nói trong một email gửi những người ủng hộ.

Các trợ lý của bà Clinton cho hay, chiến dịch của bà sẽ bao gồm nhiều sự kiện nhỏ để bà có thể lắng nghe cử tri. Tuần này, bà Clinton sẽ thăm bang Iowa, nơi sẽ diễn ra cuộc tranh luận đầu tiên để giành vị trí đề cử của Đảng Dân chủ vào đầu năm 2016, để tổ chức các chương trình lắng nghe cử tri. Tại Iowa, bà Clinton sẽ có một cuộc thảo luận bàn tròn với sinh viên, học sinh và giáo viên vào ngày thứ Ba, và tiếp đó là một cuộc gặp với các chủ doanh nghiệp nhỏ vào ngày thứ Tư.

“Tôi sẽ nỗ lực bằng trái tim mình để giành từng phiếu bầu một”, bà Clinton viết trong một email gửi người ủng hộ.

Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy bà Clinton đang giành ưu thế lớn trước các đối thủ tiềm năng trong đảng Dân chủ. Theo dự báo, sẽ không có thêm ứng cử viên nào của Đảng Dân chủ tham gia vào cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm 2016.

Một cuộc thăm dò của Reuters cho thấy, bà Clinton hiện đang nhận được sự ủng hộ của hơn 60% người theo Đảng Dân chủ.