14:23 02/07/2025

Hỗ trợ doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu theo tiêu chuẩn ESG

Ngọc Lan

Lần đầu tiên Việt Nam có sàn giao dịch thương mại điện tử B2B xanh - nền tảng quan trọng giúp cộng đồng doanh nghiệp xanh hóa chuỗi cung ứng một cách dễ dàng...

Công bố Sàn giao dịch thương mại điện tử B2B "xanh" EcoHub (Ảnh: SGGP).
Công bố Sàn giao dịch thương mại điện tử B2B "xanh" EcoHub (Ảnh: SGGP).

Ngày 1/7/2025, Diễn đàn Thương mại Xanh 2025 cùng Lễ ra mắt Sàn giao dịch thương mại điện tử B2B “xanh” đầu tiên tại Việt Nam – EcoHub, triển lãm số 3D EcoHub XPO với chủ đề “NoCarbon City” diễn ra tại TP.HCM do báo Sài Gòn Giải Phóng phối hợp cùng UBND TP.HCM cùng các đơn vị liên quan tổ chức.

Sự kiện diễn ra ở thời điểm mang tính bước ngoặt khi cả nước chính thức vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, TPHCM mới trở thành siêu đô thị. Trong khi đó, Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) của Liên minh châu Âu cũng bắt đầu áp dụng giai đoạn đầu, yêu cầu các doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường EU phải minh bạch hóa dữ liệu phát thải.

CƠ HỘI ĐỂ DOANH NGHIỆP XANH HÓA CHUỖI CUNG ỨNG ĐỂ CÓ THÊM LỢI THẾ CẠNH TRANH 

Sàn giao dịch thương mại điện tử B2B “xanh” - EcoHub là nền tảng hỗ trợ doanh nghiệp hội nhập vào chuỗi thương mại toàn cầu theo các tiêu chuẩn ESG (môi trường, xã hội và quản trị). Trong đó, B2B là giao dịch giữa các doanh nghiệp với nhau.

Không chỉ là sàn giao dịch trực tuyến, EcoHub còn là một hạ tầng giao thương mới giúp doanh nghiệp công khai dữ liệu về phát thải, minh bạch hóa quy trình sản xuất, thể hiện cam kết trách nhiệm xã hội và môi trường ngay từ bước đầu tiên.

Thông qua đó, các doanh nghiệp tham gia có thể chủ động tiếp cận tất cả các các thị trường trên toàn cầu, nhất là những thị trường khó tính như EU, Mỹ, Nhật Bản... Đồng thời, các doanh nghiệp sẽ được kết nối với hệ sinh thái hỗ trợ gồm các đơn vị tài chính xanh, logistics carbon thấp, tổ chức kiểm định, cố vấn chứng nhận và truyền thông ESG…

Nền tảng cũng tích hợp các công cụ đo lường và báo cáo phát thải theo chuẩn quốc tế như CBAM và EUDR, giúp doanh nghiệp giám sát và tối ưu chiến lược Net Zero (trung hòa carbon) một cách hệ thống.

 
Sự hình thành sàn giao dịch B2B xanh sẽ là nền tảng quan trọng giúp cộng đồng doanh nghiệp xanh hóa chuỗi cung ứng một cách dễ dàng, có khả năng kết nối rộng rãi với ưu thế vượt trội so với phương thức giao dịch truyền thống. Điều này giúp doanh nghiệp có thêm lợi thế cạnh tranh khi tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu theo hướng phát thải thấp và tăng trưởng xanh.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng.

Phát biểu tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng cho biết Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2026-2030 của Bộ trưởng Công Thương đặt ra các mục tiêu cụ thể đến năm 2030 về định hướng phát triển xanh, tuần hoàn.

Trong đó, tỷ lệ sản phẩm sử dụng bao bì nhựa giảm xuống còn tối đa 45%; tỷ lệ sản phẩm sử dụng bao bì là chất liệu có thể tái chế đạt 50%; tỷ lệ doanh nghiệp ứng dụng năng lượng sạch trong logistics đạt ít nhất 40%; tỷ lệ doanh nghiệp áp dụng tiêu chuẩn chuỗi cung ứng xanh đạt tối thiểu 50%.

Thứ trưởng Phan Thị Thắng nhận định sự hình thành sàn giao dịch B2B xanh sẽ là nền tảng quan trọng giúp cộng đồng doanh nghiệp xanh hóa chuỗi cung ứng một cách dễ dàng, có khả năng kết nối rộng rãi với nhiều ưu thế vượt trội so với phương thức giao dịch truyền thống.

"Điều này sẽ giúp cộng đồng doanh nghiệp có thêm lợi thế cạnh tranh khi tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu theo hướng phát thải carbon thấp và tăng trưởng xanh", Thứ trưởng cho biết.

Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM (HUBA), kỳ vọng sàn giao dịch thương mại điện tử B2B sẽ trở thành sân chơi uy tín để các doanh nghiệp tham gia, đặc biệt có ý nghĩa trong thời điểm Việt Nam đang đẩy mạnh chống hàng giả.

"Tìm kiếm các sản phẩm xanh là điều mà doanh nghiệp Việt Nam và thế giới đều rất coi trọng. Trên sàn này có chia thành các lĩnh vực ngành nghề, với đầy đủ thông tin, đã chuyển đổi xanh, đạt các tiêu chuẩn xanh", ông Hòa nhấn mạnh.

Theo ông Hòa, các doanh nghiệp đã đầu tư vào chuyển đổi xanh có thể tham gia để giới thiệu quá trình chuyển đổi với khách hàng. Tuy nhiên hiện nay, các doanh nghiệp chuyển đổi xanh vẫn còn phải đối mặt với một số thách thức. Thực tế, phần lớn doanh nghiệp Việt Nam có quy mô nhỏ và vừa nên nguồn vốn là một trong những thách thức khi các doanh nghiệp muốn chuyển đổi xanh.

"Đại bộ phận doanh nghiệp là quy mô nhỏ và vừa. Do đó, họ là đối tượng rất cần được cung cấp các giải pháp phù hợp điều kiện tài chính với nhiều lựa chọn. Chẳng hạn như có giải pháp dùng chung để chia sẻ kinh phí, trả góp, thuê hàng năm...", ông Hòa đề xuất.

Chia sẻ vấn đề này, ông Lương Nguyễn Xuân Vũ, Chủ tịch Câu lạc bộ Doanh nhân Sài Gòn, đơn vị hỗ trợ cho 300 doanh nghiệp tham gia sàn EcoHub, phản ánh việc đầu tư sản xuất xanh có thể là một gánh nặng với doanh nghiệp bởi phải gánh thêm các chi phí.

Theo ông Vũ, về lý thuyết, doanh nghiệp có thể tăng giá bán để bù đắp chi phí, nhưng đây là lựa chọn không dễ dàng bởi việc tăng giá có thể khiến sản phẩm mất tính cạnh tranh. Nhiều doanh nghiệp phải chấp nhận giảm lợi nhuận trong thời gian ngắn hạn.

Đáng chú ý, nguồn nhân lực vận hành sản xuất xanh còn thiếu và khó. Ngoài ra, ông Vũ cho rằng áp lực trong chuỗi cung ứng ngày càng lớn đòi hỏi các nhà cung ứng cũng phải xanh, khiến doanh nghiệp gặp khó ngay từ khâu đầu vào.

THÁO GỠ KHÓ KHĂN ĐỂ THÚC ĐẨY DOANH NGHIỆP CHUYỂN ĐỔI XANH

Để kiến tạo một nền thương mại xanh, bền vững, hiện đại, Thứ trưởng Phan Thị Thắng định hướng một số nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung thực hiện trong thời gian tới.

Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện các thể chế, tăng cường sự phối hợp giữa các Bộ, ngành; tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý và quy định về phát triển thương mại xanh, bền vững trong từng lĩnh vực; tăng cường các chính sách phát triển thuận lợi nhất cho doanh nghiệp chuyển đổi xanh.

Thứ hai, tăng cường ứng dụng công nghệ số trong quản lý, sản xuất, áp dụng công nghệ Internet of Things (IoT) và trí tuệ nhân tạo (AI) nhằm tối ưu hóa quy trình, giảm phát thải khí nhà kính, sử dụng nguồn năng lượng sạch trong sản xuất và tăng khả năng dự báo, phục vụ phát triển xanh, bền vững.

 
Thúc đẩy mạnh mẽ những mô hình liên kết chuỗi cung ứng nội địa, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tàu dẫn dắt, hỗ trợ các nhà cung cấp nhỏ hơn trong hệ sinh thái của mình cùng nhau "xanh hóa", từ đó giảm "dấu chân carbon" một cách đồng bộ và hiệu quả.

Thứ ba, đề xuất những chương trình hỗ trợ cụ thể để doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia các sàn thương mại điện tử B2B xanh. Những hỗ trợ này có thể bao gồm đào tạo kỹ năng số, tích hợp các công cụ quản trị và truy xuất nguồn gốc xanh.

Thứ tư, thúc đẩy mạnh mẽ những mô hình liên kết chuỗi cung ứng nội địa, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tàu dẫn dắt, hỗ trợ các nhà cung cấp nhỏ hơn trong hệ sinh thái của mình cùng nhau "xanh hóa", từ đó giảm "dấu chân carbon" một cách đồng bộ và hiệu quả.

Thứ năm, ưu tiên nguồn lực nâng cao nhận thức của người dân, cùng nhau xây dựng một văn hóa tiêu dùng xanh trong toàn xã hội, nơi người tiêu dùng ý thức được vai trò của mình, ưu tiên và sẵn sàng lựa chọn các sản phẩm xanh. Đây chính là động lực thị trường mạnh mẽ nhất để thúc đẩy các doanh nghiệp chuyển đổi.

Là đơn vị từng dự kiến tổ chức sàn giao dịch thịt heo tại chợ đầu mối Bình Điền, ông Lâm Quốc Thanh, Tổng giám đốc SATRA, cho biết doanh nghiệp mong muốn khi tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử B2B, sản phẩm phải có kiểm chứng về chất lượng, an toàn. Đồng thời, cần có cam kết, giao dịch thanh toán trên sàn và hạn chế hoạt động giao dịch không bị quá tải trong trường hợp có quá nhiều doanh nghiệp cùng tham gia.

Còn Chủ tịch Câu lạc bộ Doanh nhân Sài Gòn đưa ra một loạt đề xuất nhằm thúc đẩy sản xuất xanh như Nhà nước cần thành lập quỹ tín dụng xanh với nguồn vốn lớn, liên kết với hệ thống ngân hàng và bắt buộc các ngân hàng phân bổ một tỷ lệ nhất định cho lĩnh vực này; có chính sách ưu đãi thuế đối với các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất xanh; trong đầu tư công, Nhà nước nên ưu tiên mua sản phẩm từ các doanh nghiệp xanh...

Tại sự kiện, ông Charoenchai Chaliewkriengkrai, Giám đốc Kinh doanh Tập đoàn SCG (Thái Lan) kiêm Chủ tịch Liên đoàn Công nghiệp tỉnh Saraburi, đã chia sẻ về kinh nghiệm thúc đẩy chuyển đổi xanh với mô hình "Saraburi Sandbox" - thành phố Low Carbon. Mô hình này tập trung vào năng lượng sạch và kinh tế tuần hoàn, hướng tới phát thải ròng bằng 0.

Với cam kết đạt Net Zero vào năm 2065, Thái Lan đã chọn Saraburi làm địa phương thử nghiệm, xây dựng lộ trình giảm phát thải phù hợp với đặc thù của địa phương bởi tỉnh này sản xuất 80% lượng xi măng của cả nước.

Ông Charoenchai Chaliewkriengkrai nhấn mạnh quá trình chuyển đổi này cần sự phối hợp tổng thể giữa chính quyền, doanh nghiệp và cộng đồng địa phương, chứ không chỉ dựa vào nỗ lực riêng lẻ từ khu vực tư nhân.

Hiện, SCG đã đầu tư khoảng 6 tỷ USD vào Việt Nam, với hơn 16.000 nhân viên. Ông Charoenchai kêu gọi sự hợp tác đa bên, từ Chính phủ, khu vực tư nhân đến người dân, để cùng nhau xây dựng Việt Nam cũng như Đông Nam Á có một tương lai xanh, bền vững.