Hoàn thành Basel III, TPBank làm đúng việc, đúng lúc
TPBank vừa công bố hoàn thành triển khai Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS), trong đó IFRS số 9 là cấu phần trọng tâm đối với các định chế tài chính khi triển khai do Chuẩn mực bao gồm các yêu cầu về ghi nhận và đo lường, suy giảm giá trị, dừng ghi nhận và kế toán phòng ngừa rủi ro chung đối với công cụ tài chính...
Ông Kyle Kelhofer, Giám đốc Quốc gia phụ trách Việt Nam, Campuchia và Lào của Tổ chức Tài chính Quốc tế IFC, chia sẻ trong lễ công bố hoàn thành triển khai và tuân thủ Basel III của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Tiên Phong (TPBank): “Dịch bệnh và những tác động tiêu cực của nó lên các nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân trên toàn cầu đang tạo áp lực cho hệ thống ngân hàng. Tôi vui mừng nhận thấy các ngân hàng Việt Nam không ngừng nỗ lực củng cố nền tảng lành mạnh và khả năng chống chịu, như cách mà TPBank đang triển khai áp dụng hệ thống quản trị rủi ro theo tiêu chuẩn Basel III, một việc hết sức cần thiết và đúng lúc.”
Mới đây, TPBank vừa công bố hoàn thành triển khai Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS), trong đó IFRS số 9 là cấu phần trọng tâm đối với các định chế tài chính khi triển khai do Chuẩn mực bao gồm các yêu cầu về ghi nhận và đo lường, suy giảm giá trị, dừng ghi nhận và kế toán phòng ngừa rủi ro chung đối với công cụ tài chính – khoản mục trọng yếu nhất trong hoạt động của các tổ chức này. Việc cùng lúc hoàn thành hai bộ chuẩn mực tiên tiến tầm quốc tế của TPBank tạo nên sự phấn khích trong giới chuyên môn, cũng như với những nhà đầu tư chuyên nghiệp trong và ngoài nước.
“Nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam không nhất thiết phải chấp nhận đọc báo cáo tài chính theo chuẩn mực kế toán trong nước. Chúng tôi triển khai sớm cả IFRS9 và Basel III để họ được so sánh cùng chuẩn với những thứ họ có tại quốc gia của họ, hay những nơi khác họ từng đến”, ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank cho biết.
Tại Việt Nam, hệ thống ngân hàng cho tới cuối năm ngoái mới cơ bản áp dụng Basel II. Còn với IFRS9, dự kiến sớm nhất vào năm 2025, các ngân hàng trong nước mới phải thực hiện. Trên thế giới, các Ngân hàng Trung ương đang hướng tới việc tuân thủ Basel III và Basel III reform (Basel IV) bắt đầu từ 2022. Như vậy, TPBank là ngân hàng Việt Nam đầu tiên và duy nhất tính tới hiện tại, vận hành trên nền tảng của hai chuẩn mực về quản trị rủi ro và báo cáo tài chính khắt khe và cập nhật nhất trong lĩnh vực tài chính ngân hàng.
Khi được hỏi về những lợi ích của việc triển khai Basel III, ông Nguyễn Hưng cho hay: “Sứ mệnh của Hiệp ước Basel không phải là tạo ra lợi nhuận vượt trội, mà là nhằm đảm bảo mỗi một ngân hàng khi áp dụng sẽ được nâng cao khả năng duy trì hoạt động an toàn trong mọi điều kiện kinh tế. Áp dụng Basel không đem lại những lợi ích kinh tế trong ngắn hạn. Trên thực tế, áp dụng đồng thời IFRS9 và Basel III sẽ làm giảm hiệu suất sinh lời của ngân hàng do dự trữ và dự phòng cao hơn trước. Tuy nhiên chúng tôi đã dành những lợi ích của các chuẩn mực này cho tương lai”.
Để giảm thiểu những áp lực thách thức thường gặp của các ngân hàng đã thực hiện Basel III trên thế giới, TPBank đã xây dựng một chiến lược thực hiện Basel III một cách bài bản từ rất sớm, bao gồm từ việc chuẩn bị các chương trình tự nghiên cứu nội bộ, chuẩn bị dữ liệu, chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao và quan trọng nhất là việc lường trước các áp lực về chỉ số về thanh khoản, an toàn vốn.
Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng và thấu đáo cùng việc triển khai nhanh và quyết liệt, TPBank và đội ngũ của họ một lần nữa tạo thêm dấu ấn quan trọng cho hành trình tuân thủ các Hiệp ước của Ủy Ban Basel ở Việt Nam.