15:46 29/06/2016

Hoãn thi hành 4 luật: “Sự cố lớn, chưa từng có tiền lệ”

Hạ Liên

Phó chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội lên tiếng sau khi Bộ luật Hình sự 2015 phải tạm hoãn thi hành

Phó chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Trần Đình Long phát biểu tại Quốc hội.
Phó chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Trần Đình Long phát biểu tại Quốc hội.
Phải “đánh thức” đại biểu để việc bấm nút thông qua luật thực sự có trách nhiệm, cách thức làm luật cũng sẽ phải thay đổi…, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội, ông Trần Đình Long trao đổi sau “sự cố” Bộ luật Hình sự 2015 phải tạm hoãn thi hành.

Ông Long cũng cho biết, vì Bộ Luật Hình sự là luật nội dung, nên 3 luật khác gồm Bộ luật Tố tụng Hình sự, Luật Tạm giữ, tạm giam và Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự cũng phải lùi thời hạn có hiệu lực.

Chưa có tiền lệ

Với kinh nghiệm 4 khóa là đại biểu Quốc hội, ông thấy đâu là những nguyên nhân dẫn đến sự việc lần này?

Nếu nói về mặt pháp lý, trình tự, thủ tục thì không thiếu cái gì. Khác với các luật khác, với Bộ Luật Hình sự, 3 bộ phận cấu thành điều luật lúc nào cũng phải thể hiện rõ, bao gồm: giả định, quy định, chế tài, bởi không ai có tội nếu Bộ luật Hình sự không quy định.

Nhưng ở điều 292, điểm e lại có quy định “Các hành vi khác”. Làm luật hình sự không thể có câu “quét” như vậy. Hành vi khác là hành vi gì? Không giả định được làm sao anh quy định được, mà không quy định được làm sao gọi là luật?

Hiện cũng chưa rõ lọt từ khâu nào, nhưng bất luận ai viết ra một điều luật ở Bộ Luật này, không thể nói là không có kiến thức pháp luật. Tuy nhiên, đây được nhận thức là trách nhiệm chung. Chủ trương là có sai, thiếu sót thì cứ phải sửa cái đã. Còn trách nhiệm cụ thể thì sau đó sẽ làm rõ để rút kinh nghiệm

Hiện có nhiều ý kiến băn khoăn, đơn cử của Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Phúc, là có hoãn thực hiện toàn bộ Bộ Luật hay chỉ hoãn những điểm phát hiện sai sót?

Dự thảo nghị quyết của Quốc hội chủ trương những điều có lợi cho người phạm tội phải thực hiện, theo tinh thần Nghị quyết 109 về thi hành Bộ Luật Hình sự. Chiều 29/6, sau khi có kết quả kiểm phiếu thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ họp.

Nếu được thông qua, nghị quyết sẽ được Chủ tịch nước công bố công khai để nhân dân được biết. 

Về chuyện có bao nhiêu lỗi, cá nhân tôi đã nghiên cứu thử, có những điểm chưa hẳn đã là sai. Còn về mặt kỹ thuật có thể trùng lắp, sau này sẽ chỉnh lý. Phải có thời gian làm cho kỹ lưỡng lại. Đã sửa thì phải rà soát hết, hoàn thiện lại từ đầu đến cuối. Quốc hội khóa 14 sẽ làm việc này. 

Tuy nhiên, dư luận vẫn không thể hiểu được tại sao một Bộ luật lớn thế này, qua bao nhiêu tầng nấc rà soát, xem xét, thậm chí đã lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân, nhưng vẫn sai sót?

Đây đúng là sự cố lớn, chưa từng có tiền lệ. Quá trình xây dựng luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thường xin ý kiến đại biểu về một số vấn đề lớn, đại biểu luôn luôn có xu hướng tập trung vào vấn đề đó. Trước đây, Quốc hội khóa 10 khi làm luật thì thông qua từng điều một. Sau đó, để rút ngắn thời gian thì thông qua từng phần. Bây giờ thì thông qua một số điều. Trong thực tế, có những điều lẽ ra phải thông qua riêng, nhưng lại không đưa ra, mà lại chọn những điều dễ đồng thuận để Quốc hội thông qua, rồi dẫn đến sai sót. 

Giữa anh phát biểu, góp ý với anh tiếp thu, chỉnh lý, nếu không nghiêm túc thì dẫn đến thiếu sót. Tôi thấy nhiều người nói cục bộ ngành, lợi ích nhóm thể hiện trong chính sách pháp luật, hay các đồng chí lãnh đạo thường nói phần dễ cho cơ quan, phần khó cho đối tượng điều chỉnh. Nếu nói về quan điểm, Quốc hội không bao giờ có suy nghĩ như thế. Nhưng cơ quan tham mưu, giúp việc bỏ lọt thì nó sẽ hình thành hậu quả. Trình tự như thế, nhưng còn cách làm. Khi mình có phương pháp, các làm đúng thì chất lượng hiệu quả điều luật sẽ cao. Không có cách làm thì chịu.  

Phải độc lập từng khâu

Nhiều người tỏ ra lo ngại về chất lượng đại biểu Quốc hội, về vấn đề “cơ cấu”. Theo ông, có bao nhiêu phần trăm đại biểu thực sự có khả năng làm luật? 

Đại biểu Quốc hội có tiêu chuẩn và cơ cấu, mà cơ cấu trên cơ sở tiêu chuẩn. Mục đích của cơ cấu là để lĩnh vực nào cũng có người đại diện và cũng có người chuyên sâu. Không ai có bằng đại học 100 ngành cả. Một đại biểu không phải lĩnh vực nào cũng biết. 

Chính vì thế, hình thức hoạt động của Quốc hội phải làm sao đảm bảo cho đại biểu nắm chắc, biết rõ việc mình quyết trước khi bấm nút thông qua. Muốn như vậy thì phải tăng cường thảo luận công khai. Những người không phải sở trường, không phát biểu, nhưng nghe thảo luận họ sẽ nắm được vấn đề để biểu quyết có trách nhiệm. Dù anh nào có thưa, có giải trình gì đó thì đại biểu cũng vừa tin cũng phải vừa tham luận thì mới đúng được. 

Những người tham mưu giúp Quốc hội dứt khoát phải tỉ mỉ, giống như thiết kế cái khung. Tất cả trình tự, thủ tục bây giờ, nếu như không có cơ chế kiểm soát, thì cái gì muốn sửa người ta đánh giá tác động tích cực nhiều hơn theo hướng mình sửa; cái gì muốn bỏ đi thì đánh giá có tính chất tiêu cực; cái gì có lợi không bao giờ đưa ra sửa, sợ mất.

Có trường hợp nhiều bất hợp lý trong một luật, nhưng chỉ vì họ nghĩ đưa ra sửa dứt khoát chỗ này sẽ mất, là người ta không sửa. 

Từng khâu phải độc lập, mới khách quan. Còn đây ông chủ trì soạn thảo cũng là ông báo cáo tổng kết, ông đánh giá tác động, làm sao khách quan được. Khi tham luận cách đây hai khóa, tôi đã nói ngay cả ban soạn thảo cũng phải cơ cấu lại. Đối tượng tác động trực tiếp phải là một thành phần của ban soạn thảo, còn hiện nay mới chỉ gói lại ở những người thực hiện có tính chất là cơ quan Nhà nước thôi. 

Vậy việc chỉ đưa ra biểu quyết một số điều có phải vấn đề cần chỉnh sửa để tránh những sai lầm sau này?

Nếu đúng tinh thần, phải lựa những điều mang tính quyết sách hoặc có nhiều ý kiến khác nhau nhất để Quốc hội biểu quyết. Ví dụ Luật Công đoàn, có quy định 2% công đoàn phí, đưa điều ấy ra biểu quyết xem nào. Khi tham gia xây dựng luật đó, chính tôi yêu cầu đưa ra biểu quyết một số điều, trong đó có điều về phí công đoàn. Nhưng mà không đưa. 

Tôi nghĩ sau này phải sửa Luật Ban hành văn bản pháp luật. Ngoài những điều mang tính cốt lõi của luật bắt buộc phải biểu quyết, thì những điều còn ý kiến khác nhau cũng phải biểu quyết. Nếu không, phải trở lại phải xem xét ít nhất từng chương, để đến đoạn ấy “đánh thức” đại biểu, anh dành mấy phút chỗ này suy nghĩ, sau đó bấm nút. Đây hô lên cái bấm nút liền. 

Nói thật, có những ngày nghe đọc báo cáo ù hết tai, về tài liệu chồng đống thế này. Mình là đại biểu chuyên trách, theo trình tự đã thành thói quen rồi, đã chuẩn bị nghe ngóng, thăm dò, dự họp các ủy ban rồi, tới đó mới phát biểu được.

Còn đại biểu khác có 3 đầu 6 tay cũng không theo hết được. Còn có việc chiếm diễn đàn. Ngành này làm cái luật này thì sáng lên thảo luận là bấm nút đăng ký phát biểu hết. Rồi đến lúc tổng hợp ý kiến, giải trình, tiếp thu.

Một buổi tối đa lắm được 27 ý kiến, 1 ngày là 54 ý kiến, mà chủ trì đã nói là những vấn đề phát biểu rồi thì không phát biểu lại, mà khi tổng hợp ý kiến vẫn nói là đa phần ý kiến tán thành. Số ý kiến phát biểu đã ít, lại không nói lại, sao có thể nói là đa số ý kiến tán thành được. 

Ông đã có lần phát biểu trước Quốc hội là chỉ hài lòng về số lượng các luật được xây dựng, không phải chất lượng. Nguồn lực có phải là một vấn đề dẫn đến tình trạng này? 

Chúng ta nói nhiều về biên chế, nhưng riêng bộ máy tham mưu, chỗ cần thì không có. Quốc hội, trừ đoàn xe ra, có 10 vụ chuyên môn giúp việc Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban, bình quân 25 người/vụ. Trong khi một bộ như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 1.200 người, kể cả các đơn vị sự nghiệp là 15.000 người.

Cơ quan giúp việc của Quốc hội chưa bằng một cục nhỏ nhỏ của người ta, làm sao tham mưu được. Chuyên sâu gì thì chuyên sâu, không anh chuyên viên nào làm một lúc quá nhiều việc được. Lãnh đạo điều hành có thể chỉ đạo 5, 6 việc một ngày, nhưng chưa chắc một ngày đã nghiên cứu được một điều chứ đừng nói một việc