19:38 27/05/2024

Hoàn thiện hạ tầng thanh toán dịch vụ công trực tuyến

Tùng Thư

Trung bình mỗi ngày có khoảng 120 nghìn hồ sơ thủ tục hành chính trực tuyến và 60 nghìn giao dịch thanh toán trực tuyến được thực hiện từ Cổng Dịch vụ công quốc gia. NAPAS là đơn vị được giao hoàn thiện hạ tầng thanh toán thực hiện nhiệm vụ này...

Thanh toán dịch vụ công trực tuyến tăng trưởng nhanh.
Thanh toán dịch vụ công trực tuyến tăng trưởng nhanh.

Theo báo cáo của Văn phòng Chính phủ, tính đến hết tháng 4 năm 2024, các bộ, ngành, địa phương đã cung cấp 4.510 dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia (chiếm 71,7% tổng số 6.287 thủ tục hành chính), trong đó có 3.688 dịch vụ công trực tuyến hoàn toàn.

Theo tổng hợp kết quả đánh giá Bộ chỉ số phục vụ người dân, doanh nghiệp theo Quyết định 766/QĐ-TTg ngày 27/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến của các bộ, ngành, địa phương có sự cải thiện rõ rệt.

Cụ thể, đến cuối tháng 4, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến ở địa phương đạt 47,8% trong tổng số hồ sơ thủ tục hành chính, tăng 21,9% so với cùng kỳ năm 2023; ở bộ, ngành đạt 49,4% trong tổng số hồ sơ thủ tục hành chính, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2023.

Đến cuối tháng 4/2024, tỷ lệ thanh toán trực tuyến nghĩa vụ tài chính trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công tăng 30,48%so với cùng kỳ 2023. Trong đó, tỷ lệ thanh toán trực tuyến ở bộ, ngành đạt 24,11% trên tổng số hồ sơ thủ tục hành chính có yêu cầu nghĩa vụ tài chính; ở địa phương đạt 43,11% trên tổng số hồ sơ thủ tục hành chính có yêu cầu nghĩa vụ tài chính.

Tính trung bình mỗi ngày, có khoảng 120 nghìn hồ sơ thủ tục hành chính trực tuyến và 60 nghìn giao dịch thanh toán trực tuyến được thực hiện từ Cổng Dịch vụ công quốc gia (dichvucong.gov.vn). 

 

Trong năm 2023, giao dịch thanh toán trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia được xử lý qua NAPAS đã tăng 540% về số lượng giao dịch và 149% về giá trị giao dịch so với năm 2022. Tính đến hết quý 1/2024, giao dịch thanh toán nói trên được ghi nhận tăng 153% về số lượng giao dịch và 129% về giá trị giao dịch so với cùng kì năm trước.

Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) cho biết đang tích cực hoàn thiện hạ tầng để triển khai nhiều phương thức thanh toán điện tử, gia tăng sự tiện lợi, giảm thời gian và chi phí xã hội cho người dân, doanh nghiệp khi thanh toán dịch vụ công trực tuyến.

Đến nay, người dân có thể lựa chọn đa dạng các hình thức thanh toán dịch vụ công trực tuyến thực hiện trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia (dichvucong.gov.vn) và ứng dụng VNeID.

NAPAS cho biết đã hoàn thành kết nối hạ tầng thanh toán trực tuyến tới 63 địa phương, 21 đơn vị là các bộ, cục, cơ quan cung cấp dịch vụ công. Người dân có thể thanh toán trực tuyến các dịch vụ bao gồm: đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện và bảo hiểm y tế theo hộ gia đình; nộp thuế, lệ phí trước bạ về đất đai, tài sản; nộp phạt xử lý vi phạm hành chính/giao thông; nộp tạm ứng án phí và thanh toán phí, lệ phí thủ tục hành chính; khai và nộp thuế cá nhân.

Người dân sẽ lựa chọn các hình thức thanh toán như thẻ nội địa NAPAS, tài khoản thanh toán mở tại các ngân hàng và mã VietQR. Theo đại diện NAPAS, thời gian tới, phương thức thanh toán thông qua tài khoản mobile money sẽ được NAPAS tiếp tục triển khai nhằm gia tăng sự tiện ích, đơn giản, nhanh chóng trong thanh toán dịch vụ công trực tuyến thực hiện trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia.

Đối với kênh thanh toán trên ứng dụng VNeID, trên cơ sở thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030, NAPAS đang tiếp tục phối hợp với Trung tâm nghiên cứu, ứng dụng dữ liệu dân cư và căn cước công dân, C06, Bộ Công An và các đơn vị liên quan triển khai thanh toán trực tuyến phí/lệ phí đối với các dịch vụ công thực hiện qua ứng dụng VNeID.

Theo đó, mới đây, dịch vụ thanh toán trực tuyến phí/lệ phí cấp Phiếu lý lịch tư pháp đã được Bộ Công an thí điểm triển khai cho người dân tại thành phố Hà Nội và Huế. Với dịch vụ này, người dân có thể lựa chọn hình thức thanh toán bằng thẻ NAPAS của 44 ngân hàng/công ty tài chính, thanh toán qua tài khoản của 7 ngân hàng hoặc thanh toán bằng mã VietQR qua ứng dụng của 37 ngân hàng.

Chia sẻ về ý nghĩa của nhiệm vụ thúc đẩy triển khai thanh toán điện tử trong lĩnh vực dịch vụ công, ông Nguyễn Quang Minh, Tổng Giám đốc của NAPẤP, cho biết việc hợp tác với Văn phòng Chính phủ, Bộ Công an và các đơn vị liên quan trong triển khai hạ tầng thanh toán đối với các dịch vụ công trực tuyến thực hiện trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia và ứng dụng VNeID là một trong những nhiệm vụ quan trọng của NAPAS trong vai trò đơn vị xây dựng và vận hành hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử cho hệ thống thanh toán quốc gia.

Ông Minh cho biết NAPAS luôn sẵn sàng về nguồn lực và mạng lưới hạ tầng thanh toán để kết nối với các ngân hàng, tổ chức tài chính nhằm  cung cấp cho người dân, doanh nghiệp các phương thức thanh toán hiện đại, nhanh chóng và an toàn trong thanh toán dịch vụ công trực tuyến.