23:01 26/04/2011

Hoạt động ngân hàng: Nhìn từ mùa đại hội cổ đông 2011

Hoàng Vũ

Những nội dung các ngân hàng đưa ra trong mùa đại hội cổ đông năm nay phản ánh rõ nét những thay đổi của chính sách tiền tệ

Mùa đại hội cổ đông năm nay tiếp tục đón nhận loạt kế hoạch tăng mạnh vốn điều lệ của các ngân hàng - Ảnh: Hoàng Hà.
Mùa đại hội cổ đông năm nay tiếp tục đón nhận loạt kế hoạch tăng mạnh vốn điều lệ của các ngân hàng - Ảnh: Hoàng Hà.
Những nội dung các ngân hàng đưa ra trong mùa đại hội cổ đông năm nay phản ánh rõ nét những thay đổi của chính sách tiền tệ, chiến lược hoạt động của nhiều thành viên cũng đã có thay đổi.

Chỉ mới qua một quý, bối cảnh nền kinh tế và chính sách tiền tệ đã có quá nhiều biến động. Lạm phát cao trở lại và có sự gia tăng bất thường; lãi suất đón những cơ chế quản lý mới; tỷ giá tăng cao và có thay đổi căn bản trong điều hành; tín dụng và một số mảng kinh doanh khác bị siết chặt…

Những điểm nhấn đó được phản ánh rõ nét trong thông điệp mà các nhà băng gửi tới cổ đông mùa đại hội năm nay.

Buộc phải điều chỉnh

Đến cuối tuần qua, thêm một số ngân hàng cổ phần tiến hành xong đại hội cổ đông thương niên. Và đã có trường hợp kế hoạch kinh doanh phải điều chỉnh lại cho phù hợp với thay đổi thực tế.

Tháng 11/2010, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) đã dự kiến các chỉ tiêu kinh doanh trong năm 2011. Tuy nhiên, tại đại hội cổ đông ngày 23/4 vừa qua, một số chỉ tiêu đã buộc phải giảm.

Cụ thể, chi tiêu huy động vốn trước đó dự kiến đạt 110.000 tỷ đồng năm 2011, tăng 56% so với năm 2010 được điều chỉnh xuống 105.000 tỷ đồng, tăng 49%; chỉ tiêu dư nợ tín dụng 105.000 tỷ đồng giảm mạnh xuống còn 74.800 tỷ đồng - mức tăng trưởng dự kiến 68% trước đó buộc rút về 19,98%.

Buộc điều chỉnh, bởi cuối tháng 2/2011, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11 và tiếp đó Ngân hàng Nhà nước triển khai bằng Chỉ thị số 01, tốc độ tăng trưởng tín dụng theo đó bị giới hạn dưới 20%. Tuy nhiên, các chỉ tiêu còn lại của Eximbank được giữ nguyên, như tổng tài sản dự kiến đạt 180.000 tỷ đồng, tăng 37%; lợi nhuận trước thuế 3.000 tỷ đồng, tăng 26%; quyền lợi cổ đông là 31,6%...

Sự điều chỉnh ở Eximbank hẳn cũng có ở nhiều thành viên khác, do thay đổi của môi trường chính sách. Yếu tố này cũng làm thay đổi hẳn giá trị nền tảng trong hoạt động của một số thành viên.

Cụ thể, tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Việt Á (VietABank), năm 2010 và 2011, hiệu quả hoạt động kinh doanh bị ảnh hưởng rõ nét từ những điều chỉnh của chính sách. Đây là ngân hàng có thế mạnh nổi bật trong kinh doanh vàng. Tuy nhiên, khi Ngân hàng Nhà nước lần lượt đóng cửa sàn vàng, thu hẹp huy động và cho vay vàng…, một hoạt động chủ lực của VietABank gần như bị “cắt bỏ”. Thêm vào đó, với quy mô còn nhỏ, hoạt động huy động vốn của ngân hàng này (cũng như nhiều thành viên nhỏ khác) bị hạn chế bởi các trần lãi suất đồng thuận đến trần lãi suất chính sách trong khi cạnh tranh huy động trên thị trường ngày một khốc liệt.

Những yếu tố chính đó đã phản ánh trong kết quả hoạt động của VietABank năm 2010, cụ thể nhất là lợi nhuận trước thuế năm 2010 chỉ đạt 347 tỷ đồng, chỉ hoàn thành 69,79% kế hoạch đề ra. Và năm 2011, chiến lược mà ngân hàng này xác định là tập trung đổi mới hoạt động với định hướng một ngân hàng bán lẻ, chú trọng tín dụng và mở rộng địa bàn ra cả nước.

Phòng thủ và tấn công…

Thực tế trải qua năm 2008, 2009, 2010 và những gì đã thể hiện trong quý 1/2011 buộc các ngân hàng phải thận trọng hơn trong định hướng hoạt động năm 2011. Như tại Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín, “an toàn là trên hết” là quan điểm được nhấn mạnh tại đại hội cổ đông tổ chức ngày 2/4 vừa qua. Hay tại Ngân hàng Quân đội (MB), định hướng cũng đã xác định: “Tăng trưởng hợp lý, quản lý tốt, hiệu quả cao”.

“Đến thời điểm này, chúng tôi tự hào là đã vượt qua thành công những gì khó khăn nhất trong những năm 2008 - 2010. Như năm 2010, các chỉ tiêu cơ bản đã hoàn thành sớm ngay từ cuối quý 3, và kết thúc năm đều vượt xa kế hoạch. Nhưng năm nay, quan điểm điều hành mà Hội đồng Quản trị đề ra là tăng trưởng hợp lý và tăng cường quản lý. Quan điểm này là phù hợp với nhiều thử thách trước mắt”, bà Cao Thị Thúy Nga, Phó tổng giám đốc MB giải thích.

Về các chỉ tiêu, năm 2011 MB tiếp tục lạc quan ở các chỉ tiêu tăng trưởng tổng tài sản, vốn điều lệ và lợi nhuận, cũng như duy trì các chỉ số tài chính như ROE, ROA ở nhóm đầu hệ thống. Nhưng, yếu tố phòng thủ mà ngân hàng này đặt ra là thanh khoản và tái cơ cấu tín dụng.

Đó là yêu cầu bảo đảm thanh khoản gắn với một chính sách huy động và tín dụng hợp lý. Riêng ở chính sách tín dụng, tính phòng thủ đang thể hiện rõ ở hướng thu hẹp cho vay trung và dài hạn, tập trung cho ngắn hạn cũng như giảm dần cơ cấu sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn tại nhiều thành viên. Như tại MB, tỷ lệ nguồn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn đến cuối năm 2010 chỉ là 17,62%. Hay tại Eximbank, tỷ lệ này chỉ là 6,41%. Tại Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank), năm 2010, dư nợ ngắn hạn đã có sự bứt phá mạnh khi tăng 30,7%, trong khi dư nợ trung dài hạn chỉ tăng 18,8%...

Ở hướng phát triển tín dụng, chính sách thắt chặt đã được đặt ra. Các ngân hàng vừa phải giới hạn tăng trưởng chung, vừa phải “co” lại tín dụng phi sản xuất. Nhưng siết tín dụng, đặc biệt là với phi sản xuất, không có nghĩa là ngừng cho vay, mà là tái cơ cấu, chọn lọc các nhu cầu và dự án để nâng cao chất lượng tín dụng.

Dĩ nhiên, khi tín dụng buộc phải phòng thủ, cơ cấu nguồn thu của các nhà băng sẽ phải có những giải pháp để cân đối, đảm bảo chỉ tiêu lợi nhuận.

Tại Sacombank, nhóm giải pháp trọng tâm trong năm 2011 được báo cáo tại đại hội cổ đông là tăng cường kinh doanh tại các phòng giao dịch; xây dựng dự án kích thích bán hàng; đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ theo nhu cầu, thị hiếu của khách hàng và xu hướng; triển khai loạt sản phẩm ngân hàng điện tử nhằm gia tăng khách hàng và nguồn thu dịch vụ…

Cụ thể hơn, tại một số thành viên như Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), Ngân hàng Hàng Hải (Maritime Bank) thời gian gần đây là loạt sản phẩm mới ra đời với ưu thế lãi suất và tiện ích để tăng cường thu hút khách hàng. Hay mới đây là gói dịch vụ ngân hàng cá nhân cao cấp gồm 8 bộ sản phẩm và thẻ tín dụng Visa của MB được tung ra thị trường, đánh dấu chuyển động mới của ngân hàng này trong phát triển dịch vụ.

Cũng tại MB, một hướng “tấn công” sẽ được báo cáo tại đại hội cổ đông ngày 28/4 tới là chiến lược mở rộng thị trường phía Nam. Năm 2010, kế hoạch đẩy mạnh ở thị trường này đã đem lại kết quả ấn tượng cho MB, khi lợi nhuận góp vào tổng cơ cấu đạt tới 2,5 lần năm trước. Và năm 2011, hướng mở rộng tiếp tục là khu vực miền Trung.

Và để tăng cường phát triển các sản phẩm, nghiệp vụ, đầu tư cho công nghệ, mùa đại hội cổ đông năm nay tiếp tục đón nhận loạt kế hoạch tăng mạnh vốn điều lệ của các ngân hàng. Theo đó, năm 2011 sẽ tiếp tục ghi nhận sự tăng cường năng lực tài chính và quy mô của ngành này. Điển hình như Vietcombank với kế hoạch tăng từ 17.587,5 tỷ đồng lên 24.622,5 tỷ đồng; MB từ 7.300 tỷ đồng lên 10.000 tỷ đồng; Sacombank từ 9.179 tỷ đồng dự kiến lên 10.740 tỷ đồng; Eximbank từ 10.560 tỷ đồng lên 12.355 tỷ đồng…; trong khi các ngân hàng nhỏ buộc phải đáp ứng mức tối thiểu là 3.000 tỷ đồng.