Hội đồng doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam đề ra 5 định hướng lớn
Nghị quyết số 41-NQ/TW đề ra mục tiêu rõ ràng: Phấn đấu đến năm 2030 ngày càng có nhiều doanh nghiệp đạt tầm khu vực, một số doanh nghiệp đạt tầm thế giới, một số doanh nghiệp lớn có vai trò dẫn dắt trong các ngành, lĩnh vực then chốt...
Ngày 8/3 tại Hạ Long, Hội đồng doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam tổ chức hội nghị thường niên.
Hội đồng do Ban Chấp hành Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thành lập theo quyết định Số 0716 /PTM-BTT ngày 25/04/2023 của Chủ tịch VCCI. Tính đến nay Hội đồng có 21 thành viên bao gồm các doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam.
Hội đồng được thành lập với tầm nhìn phát triển các doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam làm các trụ cột trong xây dựng cộng đồng doanh nghiệp vững mạnh, quốc gia thịnh vượng.
Sứ mệnh của Hội đồng là tập hợp, hỗ trợ, thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam, hình thành đội ngũ doanh nghiệp dẫn dắt các ngành, góp phần xây dựng nền kinh tế Việt Nam độc lập, tự chủ, hội nhập quốc tế.
Hội đồng là cơ quan của Ban Chấp hành VCCI có chức năng tập hợp, liên kết, thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp lớn, đầu ngành Việt Nam, mở rộng mối quan hệ hợp tác trong nước và quốc tế, phát huy vai trò của các doanh nghiệp đầu ngành trong phát triển các ngành, các địa phương, dẫn dắt các doanh nghiệp trong ngành, tham gia phát triển cộng đồng doanh nghiệp và góp phần xây dựng nền kinh tế Việt Nam độc lập, tự chủ, hội nhập quốc tế và phát triển bền vững.
Nhiệm vụ của Hội đồng là nghiên cứu, đề xuất các chính sách mới, mang tính đột phá để hình thành, phát triển lực lượng doanh nghiệp dân tộc hàng đầu quy mô lớn, có vai trò dẫn dắt một số ngành, lĩnh vực then chốt, trọng yếu, có vị thế quan trọng trong chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu, làm chủ một số chuỗi giá trị công nghiệp, nông nghiệp và cộng đồng doanh nghiệp nói chung.
Đồng thời tập hợp, kết nối, hỗ trợ các doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam phát triển vững mạnh thông qua các hoạt động truyền thông, xúc tiến thương mại và đầu tư, chia sẻ kinh nghiệm kiến tạo chuỗi giá trị, nghiên cứu và phát triển, kết nối hợp tác với doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng.
Cùng với đó, nghiên cứu, đề xuất và triển khai các hoạt động dẫn dắt, hỗ trợ chuỗi cung ứng ngành và các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong ngành.
Đặc biệt, tham vấn cho lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Ban chấp hành VCCI về xây dựng môi trường đầu tư - kinh doanh thuận lợi, an toàn cho doanh nghiệp. Cũng như đề xuất các giải pháp và chính sách phát triển các ngành kinh tế, lĩnh vực trọng điểm quốc gia nhằm xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, hội nhập quốc tế.
Định hướng, khuyến khích các doanh nghiệp lớn, đầu ngành tiên phong xây dựng văn hóa kinh doanh của ngành, của doanh nghiệp, góp phần xây dựng, lan toả đạo đức doanh nhân, văn hoá kinh doanh Việt Nam trong thời kỳ mới.
Tổ chức các chương trình đào tạo, bồi dưỡng cao cấp dành riêng cho lãnh đạo các doanh nghiệp đầu ngành Việt Nam.
Phát biểu tại cuộc họp ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI, Chủ tịch Hội đồng doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam nhấn mạnh, năm 2023 Hội đồng chính thức ra mắt dưới sự chứng kiến của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, khi đó chúng ta đã có hoạch định, tầm nhìn và định hướng cho sự phát triển của các doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam.
Khi Hội đồng ra đời, chưa có Nghị quyết số 41-NQ/TW, còn đến cuộc họp hôm nay (ngày 8/3/2024) đã có Nghị quyết 41 đưa ra chiến lược phát triển đội ngũ doanh nhân doanh nghiệp Việt Nam với mục tiêu rất rõ ràng.
Cụ thể, phấn đấu đến năm 2030 ngày càng có nhiều doanh nghiệp đạt tầm khu vực, một số doanh nghiệp đạt tầm thế giới, một số doanh nghiệp lớn có vai trò dẫn dắt trong các ngành, lĩnh vực then chốt, một số doanh nghiệp có vị thế vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị toàn cầu, làm chủ chuỗi giá trị nông nghiệp- công nghiệp, có năng lực cạnh tranh quốc tế trong các ngành công nghiệp – nông nghiệp nền tảng, ưu tiên, mũi nhọn. Đặc biệt, đặt ra tầm nhìn Việt Nam phải có các doanh nghiệp có thương hiệu thế giới, dẫn dắt một số chuỗi cung ứng có giá trị toàn cầu vào năm 2045.
“Như vậy, Đảng đã có chủ trương rất rõ ràng, xây dựng đội ngũ doanh nghiệp “sếu đầu đàn”. Điều này đã được chính thức hoá, nên chúng ta yên tâm triển khai nằm trong chủ trương đường lối, được sự ủng hộ rất cao của Đảng, Chính phủ”, ông Công nhấn mạnh.
Vì vậy, tại cuộc họp Hội đồng bàn bạc thống nhất sẽ làm gì, chọn việc gì, cách thức vận hành, nguồn lực ở đâu?. Theo đó, Hội đồng sẽ vận hành theo mô hình Keidanren thu nhỏ của Nhật Bản... Mục tiêu xây dựng Hội đồng gắn kết, chia sẻ, gương mẫu, dẫn dắt các ngành trong nền kinh tế phát triển.
Hội đồng đã đưa ra 5 định hướng lớn.
Thứ nhất: Tham vấn ý kiến cho Đảng, Nhà nước trong chiến lược xây dựng, phát triển kinh tế quốc gia.
Thứ hai: Tham vấn các chiến lược phát triển kinh tế và chiến lược phát triển các ngành đặc biệt các ngành kinh tế trọng điểm
Thứ ba: Thúc đẩy sự phát triển của chính các thành viên trong Hội đồng, kết nối giữa các thành viên với nhau và với cộng đồng doanh nghiệp trong nước cũng như quốc tế.
Thứ tư: Đẩy mạnh công tác truyền thông nhằm tạo sự đồng thuận, ủng hộ của xã hội với các doanh nghiệp lớn.
Thứ năm: Xây dựng tập thể gắn kết thông qua các chương trình sự chăm sóc các thành viên, đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực, các thế hệ kế cận, có thiết kế chương trình đào tạo riêng phù hợp, giao lưu văn hoá.