14:15 17/11/2008

Hội nghị lịch sử của APEC

Thùy Trang

Những vấn đề chính trong nội dung làm việc của Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) sắp diễn ra ở Peru

Các nguyên thủ quốc gia mặc trang phục mang màu sắc truyền thống của Việt Nam tại Hội nghị APEC 2006, tổ chức tại Hà Nội.
Các nguyên thủ quốc gia mặc trang phục mang màu sắc truyền thống của Việt Nam tại Hội nghị APEC 2006, tổ chức tại Hà Nội.
Với chủ đề “Một cam kết mới cho sự phát triển của châu Á - Thái Bình Dương”, Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 16 sẽ diễn ra từ ngày 22-23/11/2008 tại thủ đô Lima, Peru.

Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo APEC năm 2008 sẽ quy tụ hầu hết nguyên thủ các nền kinh tế thành viên tham dự. Nhận lời mời của Tổng thống Cộng hoà Peru Alan Garcia Perez, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và đoàn đại biểu cấp cao nước ta sẽ thăm chính thức Peru và tham dự Hội nghị APEC 2008 nhằm thúc đẩy thương mại và hợp tác đầu tư giữa các nền kinh tế APEC.

Quy mô lớn nhất

Theo ông Luis Giampietri - Chủ tịch Ủy ban cấp cao chuẩn bị cho APEC 2008 Peru, Hội nghị thượng đỉnh APEC lần này sẽ có số lượng khách tham gia lớn nhất trong lịch sử APEC. Mỹ có lượng thành viên đông nhất với 900 người, tiếp theo là Nhật Bản với 500 người và sau đó là Trung Quốc với 300 người.

Trong thời gian tham dự Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 16, Chủ tịch Nguyễn Minh Triết sẽ gặp song phương với lãnh đạo một số nền kinh tế thành viên; tiếp xúc với lãnh đạo các doanh nghiệp hàng đầu thế giới nhằm thúc đẩy quan hệ thương mại, thu hút đầu tư cho đất nước, thông tin về tình hình phát triển, chính sách kinh tế, xã hội của Đảng, Nhà nước ta.

APEC hiện chiếm tới 51% tổng GDP và 71% tổng thương mại toàn cầu. Trong số 14 nền kinh tế lớn nhất thế giới với GDP lớn hơn 500 tỷ USD, thì có 7 nền kinh tế là thành viên của APEC, trong đó có 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Nhật Bản.

Là thành viên có nền kinh tế có trình độ thấp nhất trong APEC, Việt Nam có nhiều cơ hội hợp tác với các nền kinh tế phát triển nhằm đẩy mạnh quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, tích cực tham gia vào giải quyết các vấn đề cấp thiết của khu vực và thế giới. APEC hội tụ hầu hết các đối tác thương mại chính của Việt Nam. Các thành viên APEC đóng góp tới 80% kim ngạch xuất khẩu và 75% nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của Việt Nam.

Với Việt Nam, APEC còn là một diễn đàn phục vụ mục đích đa dạng hóa quan hệ đối ngoại. Các cam kết trong APEC không mang tính ràng buộc, do đó không gây sức ép, mà mang tính khuyến khích thúc đẩy. Các diễn đàn trong khuôn khổ APEC là cơ hội để Việt Nam thúc đẩy thương mại và hợp tác đầu tư giữa các nước APEC.

Những nội dung chính

Tại Tuần lễ Hội nghị thượng đỉnh APEC năm nay sẽ có 7 hội nghị chính thức với chương trình nghị sự dày đặc. Song song với các kỳ họp cấp cao là các diễn đàn kinh doanh và các hội nghị Bộ trưởng, tiểu ban chuyên trách.

Theo chương trình nghị sự, APEC 16 sẽ bàn thảo việc ủng hộ vòng đàm phán Doha của Tổ chức Thương mại thế giới, an ninh năng lượng và lương thực, sự hội nhập kinh tế vùng, thay đổi khí hậu, phòng chống và giảm thiểu tác hại của thiên tai...

Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, nhất là ở góc độ các tập đoàn xuyên quốc gia cũng sẽ là một trong những đề tài thảo luận chủ yếu của Hội nghị APEC lần này. Cuộc họp Bộ trưởng Tài chính các nước APEC lần thứ 20 cũng rất quan trọng trong việc thiết lập cơ chế quyết định phản ứng với sự khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Từ góc độ doanh nghiệp, chìa khóa thành công của APEC là duy trì mối quan hệ đối tác chặt chẽ giữa các doanh nghiệp của các nền kinh tế thành viên. Không chỉ đem lại lợi ích tư tự do hóa và thuận lợi hóa thương mại, đầu tư, APEC còn thành lập các tổ chức trợ giúp doanh nghiệp như hội đồng tư vấn kinh doanh (ABAC) với thành viên là lãnh đạo của nhiều công ty ở các ngành khác nhau giữ vai trò tư vấn cho các nhà lãnh đạo APEC.

Kể từ khi thành lập năm 1995, ABAC đã đưa ra nhiều đề xuất liên quan đến cải thiện môi trường kinh doanh, quản trị doanh nghiệp, mở rộng thị trường vốn...

Trong khuôn khổ Hội nghị APEC 2008, Hội nghị lần thứ 4 Hội đồng tư vấn doanh nghiệp APEC (ABAC) cũng sẽ diễn ra từ 17-20/11/2008 tại thủ đô Lima, Peru.  Các đại biểu ABAC đại diện cho 21 quốc gia thành viên APEC sẽ đưa ra các khuyến nghị cho các nguyên thủ của thành viên APEC nhằm hướng tới việc đạt được một khu vực tự do thương mại trong khuôn khổ các thành viên APEC.

Cuộc gặp thượng đỉnh của các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) của Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương sẽ diễn ra vào ngày 17/11 nhằm tìm ra các giải pháp để giúp SME đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính quốc tế và toàn cầu.

Với chủ đề “Các cơ hội và thách thức đối với SME trong khuôn khổ APEC”, hội nghị thượng đỉnh SME được hi vọng sẽ tập hợp hơn 800 đại diện doanh nghiệp nhỏ và vừa khu vực châu Á - Thái Bình Dương cùng thảo luận và thiết lập một bước tiến tích cực nhằm giúp SME giải quyết tình hình khó khăn tài chính hiện nay. Một trong các trọng điểm được quan tâm là giảm chi phí buôn bán giao dịch cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Bên cạnh đó, Hội nghị SME cũng làm cho lãnh đạo các doanh nghiệp hiểu rằng thị trường của họ là không biên giới và tầm quan trọng của việc sử dụng công nghệ tiến hành kinh doanh với các thị trường nước ngoài vì đó là công cụ thúc đẩy hoạt động kinh doanh. Tại APEC 2008, một số hội nghị quan trọng khác cũng sẽ diễn ra như Hội nghị các tổng giám đốc tập đoàn hàng đầu thế giới, Diễn đàn đầu tư vào Peru...

Trong bối cảnh tình hình tài chính quốc tế đang trong cơn khủng hoảng nặng nề, mỗi quốc gia thành viên APEC cũng sẽ cân nhắc kỹ lưỡng trước khi đưa ra những cam kết của mình.