08:57 08/05/2007

“Hội nhập, thương mại nội địa phải xứng tầm”

Minh Quang

Nội dung cuộc phỏng vấn ông Hoàng Thọ Xuân, Vụ trưởng Vụ Chính sách thị trường trong nước

Cơ sở hạ tầng cho thương mại nội địa cần được đầu tư phát triển nhiều hơn nữa.
Cơ sở hạ tầng cho thương mại nội địa cần được đầu tư phát triển nhiều hơn nữa.
Là một lĩnh vực quan trọng nhưng cho đến nay, thương mại nội địa vẫn chưa được hưởng các chính sách ưu tiên phù hợp. Trong bối cảnh hội nhập, các doanh nghiệp thương mại trong nước sẽ phải cạnh tranh gay gắt với các công ty nước ngoài. Vậy phương hướng hỗ trợ cho lĩnh vực này trong thời gian sắp tới là như thế nào?

Sau đây là cuộc trao đổi của chúng tôi với ông Hoàng Thọ Xuân, Vụ trưởng Vụ Chính sách thị trường trong nước, Bộ Thương mại.

Ông đánh giá như thế nào về hoạt động thương mại trong nước cũng như việc qui hoạch trung tâm thương mại, siêu thị và chợ ở các tỉnh thành?

Sự phát triển của hoạt động thương mại trong nước phụ thuộc vào hệ thống kênh phân phối ở Việt Nam. Tuy nhiên, việc phát triển này lại bị ảnh hưởng bởi việc qui hoạch. Qui hoạch trung tâm thương mại, siêu thị ở các tỉnh thành không có tính kế thừa. Một số địa phương có cách qui hoạch lạ đời vị trí đẹp dành cho công sở trong khi xây dựng chợ, trung tâm thương mại lại ở những nơi xó xỉnh không phù hợp với nhu cầu sinh hoạt hàng ngày của người dân. Nhiều trung tâm thương mại, siêu thị mọc lên không thể hiện được tính qui hoạch khoa học.

Thương mại cũng được đánh giá là ngành quan trọng thế nhưng nhiều doanh nghiệp phàn nàn rằng Chính phủ lại chưa có chính sách gì ưu đãi đối với lĩnh vực thương mại. Ông nhận định như thế nào về vấn đề này, nhất là thương mại bán lẻ trong nước?

Đúng là hiện nay chưa có chính sách ưu đãi hay khuyến khích nào cụ thể đối với lĩnh vực thương mại. Đây cũng là lĩnh vực quan trọng trong nền kinh tế quốc gia, đặc biệt là khi Việt Nam tham gia vào Tổ chức Thương mại Thế giới. Thương mại trong nước là kênh giúp phát triển sản xuất tuy nhiên lĩnh vực này chưa thực sự có được những chính sách từ Nhà nước.

Ví dụ như chuyện đất đai để phát triển siêu thị, hay trung tâm thương mại rất khó khăn nhưng chính sách về đất đai để phát triển những kênh phân phối này chưa rõ ràng nên có những doanh nghiệp cần đất để phát triển lại không có đất trong khi những doanh nghiệp có đất lại sử dụng không hiệu quả.

Chính phủ có những quyết định về hỗ trợ, ưu đãi hay tiếp cận tín dụng đầu tư có đề cập đến hoạt động thương mại nhưng những nội dung đó chưa thỏa đáng. Lĩnh vực thương mại cũng chịu những thiệt thòi hơn so với sản xuất. Trong danh mục ưu đãi quốc gia phần lớn tập trung cho những lĩnh vực khác như sản xuất trong khi đối với lĩnh vực thương mại lại rất ít. Hoặc thậm chí nguồn vốn hỗ trợ trong nước hoặc nước ngoài như ODA cũng dành phần lớn cho lĩnh vực khác, còn lĩnh vực thương mại chỉ tập trung cho những hoạt động tổ chức khóa huấn luyện, đào tạo cán bộ...

Tôi cho rằng cần có chính sách riêng để phát triển lĩnh vực thương mại trong nước. Những chính sách này cũng phải ngang tầm với những chính sách khuyến khích phát triển của lĩnh vực sản xuất như đất đai, vốn, đào tạo nguồn nhân lực, khuyến khích đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng cho ngành thương mại... Hiện tại, chúng tôi đang có những kiến nghị với Chính phủ về những chính sách này cho ngành thương mại.

Ngành thương mại trong nước chỉ còn không đến hai năm phải mở cửa cho nhà đầu tư nước ngoài vào. Theo ông ngành thương mại trong nước cần làm gì và Chính phủ có chủ trương gì cho phát triển thương mại bán lẻ?

Trước tiên cần phải tạo ra mô hình kinh doanh thương mại theo hình thức như liên kết hợp tác thương mại tổng hợp kinh doanh đa lĩnh vực với qui mô lớn hoặc chuyên ngành riêng biệt trong một số lĩnh vực như phân bón, xi măng.... Mô hình hợp tác của bốn công ty thương mại lớn của Việt Nam vừa qua để tạo thành tập đoàn thương mại là một ví dụ theo hình thức này.

Ngoài ra, còn có hệ thống các trung tâm thương mại, chợ đầu mối, siêu thị, đại siêu thị và tổng kho và đặc biệt là các hộ kinh doanh gia đình. Hiện có khoảng 2,6 triệu hộ kinh doanh gia đình trong đó 1,8 triệu là thương mại-dịch vụ. Những hộ này cần được hỗ trợ và tạo điều kiện thành những công ty bách hóa tổng hợp theo phương thức hiện đại phục vụ tại những khu dân cư hoặc chung cư. Việc tổ chức lại những công ty này cũng là xu hướng phát triển mà nhiều nước đã trải qua.

Về phía Nhà nước, cần hỗ trợ và khuyến khích doanh nghiệp đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở cho ngành thương mại. Tất nhiên những hỗ trợ này vẫn đảm bảo những cam kết của WTO và những hỗ trợ này tập trung nhiều vào vấn đề kỹ thuật. Nhà nước cũng cần phải có những chính sách ưu đãi về thuế đối với ngành thương mại. Thương mại rất cần những công nghệ, máy móc hiện đại phục vụ nhu cầu và phát triển của trung tâm thương mại hoặc siêu thị... Chính sách thuế cũng cần phải có như miễn hay giảm thuế nhập khẩu đối với máy móc thiết bị như đối với đầu tư cho sản xuất. Cũng cần có chính sách phát triển thương mại ở những nơi vùng sâu, vùng xa, chợ đầu mối nông sản...

Ngoài ra cũng cần phải có sự thống nhất giữa các bộ và địa phương trong các chính sách hỗ trợ và phát triển ngành thương mại, đặc biệt là sự thống nhất trong việc giao đất cho nhà đầu tư để tránh chuyện giao đất cho nhà đầu tư này nhưng lại từ chối với nhà đầu tư khác.

Một vấn đề cũng không kém phần quan trọng, đó là tranh thủ các nguồn vốn quốc tế. Từ lâu nay, Việt Nam chưa có dự án phát triển thương mại được hỗ trợ từ ODA. Hiện chúng tôi có dự án phát triển thương mại trong nước sử dụng nguồn vốn ODA của Phần Lan với tổng trị giá khoảng 22-23 triệu Euro.