20:00 12/12/2024

Hội thảo quốc tế VSOE 2024 tập trung vào ứng dụng công nghệ trong công trình biển

Vy Vy

Diễn ra trong hai ngày 12-13/12, hội thảo Khoa học quốc tế về “Những tiến bộ khoa học kỹ thuật trong công trình biển tại Việt Nam” (VSOE) năm 2024 nhấn mạnh vai trò của hợp tác đa ngành trong việc đổi mới năng lượng gió, ứng dụng AI để quản lý cơ sở hạ tầng năng lượng ngoài khơi…

Hội thảo thu hút sự tham gia của nhiều học giả hàng đầu quốc tế.
Hội thảo thu hút sự tham gia của nhiều học giả hàng đầu quốc tế.

Đây là năm thứ 3 liên tiếp hội thảo được tổ chức nhằm tăng cường trao đổi kiến thức giữa các chuyên gia, học giả, nghiên cứu sinh, doanh nhân, lãnh đạo tập đoàn, tổ chức quốc tế và nhà hoạch định chính sách quan tâm đến phát triển công trình năng lượng ngoài khơi và kỹ thuật công trình biển.

Đây là sự kiện khoa học uy tín do AVSE Global - Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu và Trường Đại học Xây dựng Hà Nội (HUCE) đồng tổ chức. Hội thảo nhận được sự bảo trợ của Tiểu ban kỹ thuật TC209 (Địa kỹ thuật Ngoài khơi) và TC308 (Địa kỹ thuật Năng lượng) của Hiệp hội
Cơ học đất và Địa kỹ thuật Công trình Quốc tế (ISSMGE) và Hiệp hội Cơ học đất và Địa kỹ thuật Công trình Việt Nam (VSSMGE).

Với chủ đề “Các giải pháp tích hợp và liên ngành cho cơ sở hạ tầng công trình biển bền vững”, hội thảo VSOE 2024 nhấn mạnh vai trò của hợp tác đa ngành trong việc đạt được các mục tiêu phát triển bền vững.

VSOE 2024 sẽ giới thiệu những nghiên cứu tiêu biểu, từ những đổi mới trong năng lượng gió ngoài khơi và tình huống thực tế liên quan đến kỹ thuật công trình biển, ứng dụng các mô hình số tiên tiến trong phân tích công trình, đến việc sử dụng trí tuệ nhân tạo nhằm tối ưu hóa hiệu quả vận hành và quản lý cơ sở hạ tầng năng lượng ngoài khơi.

Những nội dung này cùng với các chủ đề trọng tâm tâm về địa kỹ thuật ngoài khơi, năng lượng tái tạo, cơ sở hạ tầng biển và bảo vệ môi trường, thể hiện tư duy đa dạng và bản chất liên ngành trong việc giải quyết các thách thức trong lĩnh vực kỹ thuật công trình biển, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững và đổi mới toàn cầu.

Một số học giả trong nước và quốc tế được trao tặng bằng khen về những sáng kiến giải pháp cho sự phát triển bền vững của hạ tầng ngoài khơi.
Một số học giả trong nước và quốc tế được trao tặng bằng khen về những sáng kiến giải pháp cho sự phát triển bền vững của hạ tầng ngoài khơi.

Chia sẻ tại hội thảo, ông Denzel Eades, Giám đốc điều hành Công ty Tư vấn quốc tế Pioneer, Singapore, cho rằng VSOE 2024 đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy kỹ thuật và khai thác bền vững năng lượng ngoài khơi. Với việc quy tụ các chuyên gia từ nhiều lĩnh vực,  những sự kiện như VSOE sẽ thúc đẩy hợp tác liên ngành, tạo điều kiện cho việc trao đổi các nghiên cứu tiên tiến, ý tưởng sáng tạo và các phương pháp thực thi hiệu quả nhất.

Đây cũng là dịp để giới thiệu các công nghệ mới cùng các giải pháp bền vững, thúc đẩy sáng kiến nhằm nâng cao hiệu quả và tính bền vững của cơ sở hạ tầng ngoài khơi. Ngoài ra, các sự kiện này còn tạo cơ hội kết nối, thảo luận về xu hướng mới và đồng bộ hóa với các thay đổi pháp lý, giúp các bên liên quan luôn cập nhật thông tin và sẵn sàng cho những phát triển trong tương lai. 

Công trình ngoài khơi là một lĩnh vực đa dạng gồm giao thông, cơ sở hạ tầng, viễn thông, năng lượng và các hoạt động kinh tế xã hội khác. Tất cả đều liên quan chặt chẽ đến môi trường vì vậy kết nối những lĩnh vực này với một mục tiêu chung, phát triển môi trường biển bền vững là điều quan trọng hơn bao giờ hết. Điều này đòi hỏi không chỉ nỗ lực từ chính phủ mà cả nhà đầu tư, doanh nghiệp, nhà nghiên cứu mà còn từ phía người dân.

Hội thảo VSOE 2024 quy tụ đại biểu từ hơn 20 quốc gia trên thế giới, với các phiên thảo luận chuyên sâu về phát triển công trình biển. Chương trình hội thảo bao gồm 4 bài của các diễn giả chính, 4 bài của các khách mời, cùng 8 phiên song song, trình bày gần 70 bài nghiên cứu được Hội đồng Khoa học chọn lọc kĩ lưỡng. Các bài này được xuất bản trong tuyển tập điện tử (E-Proceedings) của nhà xuất bản Springers và được lập chỉ mục trên cơ sở dữ liệu Scopus, khẳng định chất lượng và tầm ảnh hưởng quốc tế của hội thảo.

Các diễn giả chính gồm: ông Andrew Goledzinowski, Đại sứ Úc tại Việt Nam; Giáo sư Carlos Guedes Soares, Giáo sư danh dự, Viện Kỹ thuật Cao cấp, Đại học Lisbon, Bồ Đào Nha; ông Trần Hoài Nam, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC); bà Nancy Chan, Giám đốc, Liên doanh APAC, Fugro, Singapore; và Giáo sư Phil Watson, Giáo sư Kỹ thuật Ngoài khơi, Đại học Tây Úc, Australia.